Hai người đàn ông Hà Nội "vác" tiền, vàng ra “đổ” bãi sông

(PLO) - Bỏ qua những lời can ngăn của nhiều người, ông vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình. Và sau những năm tháng đổ mồ hôi, nước mắt vào bãi hoang, đến nay ông đã có một cơ ngơi mà ai nhìn cũng phải ngưỡng mộ.
“Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của ông Thắng.
“Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của ông Thắng.
Chủ nhân khai hoang bãi giữa Tứ Liên
Ông là Nguyễn Văn Kỳ, 79 tuổi, người ở phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội. Ông cho biết, ngày trẻ ông vẫn lái đò đưa người làng, người xóm qua sông. Ngày ấy bãi này toàn cây sậy và cây bói um tùm, rậm rạp không khác gì rừng rú. Đi lại nhiều lần, ông phát hiện ra đất ở đây rất màu mỡ, có thể trồng hoa màu được. Theo dõi thêm quy luật bãi lở, bãi bồi, ông nhận ra vùng đất này rất tốt để trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ. Thế là ông quyết định bắt tay vào khai hoang từ những năm 2000.
Ban đầu ông làm một mình, làm mươi ngày thấy sức mình không xuể, ông về qua nhà, đánh tiếng thuê thêm khoảng 20 người cùng ông phá hoang. Dân làng nghe tin thì bảo ông bị hâm, người nhẹ nhàng hơn thì khuyên răn ông đừng phí công, phí sức. Có người còn khăng khăng đất đấy chỉ tốt cho cây hoang thôi, làm được gì mà phá. Nhưng ông mặc mọi lời can ngăn, vẫn xắn tay vào làm… 
Đầu tiên ông mang hết tiền, vàng tiết kiệm được để trả công cho người phá hoang, đến khi nhận thấy 20 người tham gia vẫn chưa thấm vào đâu so với lượng cây đã mọc hoang dại cả trăm năm nên ông thuê nhiều hơn, có lúc lên cả 40 người làm. Dần dần tiền hết, vàng hết, ông bắt đầu bán đàn bò để lấy tiền trả chi phí cho người làm thuê. Đến lúc bán hết cả đàn bò 10 con thì cũng là lúc công cuộc khai hoang chính thức kết thúc, ông bắt tay vào trồng hoa màu. 
Ông Kỳ cười thoải mái khi nhắc lại câu chuyện phá hoang giữa Thủ đô.
Ông Kỳ cười thoải mái khi nhắc lại câu chuyện phá hoang giữa Thủ đô. 
Làm một mình không xuể, ông mời các bạn là cựu chiến binh cùng phường sang làm, chia cho mỗi người một ít đất để trồng cây. Người trồng nhãn, người trồng xoan, người trồng chuối…, mỗi người một loại để đến bây giờ, khu vực này đã cung cấp cho người dân Hà Nội nhiều loại hoa trái 4 mùa. Hiện nay, mỗi năm ông thu hoạch khoảng 200 triệu đồng từ nhãn, chuối, thi thoảng có người đánh tiếng thuê đất trồng cây, ông cũng sẵn sàng. Ông bảo, ông chỉ lấy tiền thuê đất bằng với số tiền ông đã bỏ ra để khai hoang. 
Bây giờ ông sinh sống chính ở khu vực đất bãi này dù sáng nào ông cũng về qua nhà thăm con cháu, họp hành cùng anh em cựu chiến binh trong phường. Ông bảo, ở đây yên tĩnh, con người thấy khỏe khoắn hơn. Bao nhiêu năm sống ở đất bãi là bấy nhiêu năm ông không phải động đến một viên thuốc nào. Chiều nào ông cũng đi bơi, khoảng 4h bắt đầu ra sông, bơi khoảng nửa tiếng, đều đặn mấy chục năm nay. Ngày ngày ông vẫn làm vườn, rẫy cỏ, trông cây đều đặn hơn 20 năm nay… 
Con cháu ông mỗi khi nghỉ hè lại ra bãi với ông, cùng ông thăm vườn, hưởng không khí thanh bình, sạch sẽ hiếm có ở giữa Hà Nội vào những ngày nóng nực. Cũng coi như chúng nó có một kỳ nghỉ hè lành mạnh, được hưởng không khí quê ngay giữa phố phường Hà Nội. Ông tâm sự, mỗi buổi sáng ra vườn, thấy cây cỏ xanh tươi, quả sai trĩu trịt là ông thấy vui, thấy yêu đời, yêu cuộc sống này hơn.
Bỏ phố ra bãi
Ngay mép sông Hồng là “căn cứ” của ông Nguyễn Đức Thắng (61 tuổi, nhà ở phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Ông Thắng mới ra bãi này trồng cây 1 năm nhưng những thứ ông nhận được từ sông Hồng, từ đất bãi thì chẳng có thầy thuốc hay bệnh viện nào mang lại được cho ông. Ông cho biết, ông đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1974, ra trường không có việc làm nên ông chán, bỏ nghề, về nhà làm kẹo, làm bánh quy xốp với gia đình. 
Đến năm 1978 thì ông đi bộ đội ở biên giới Campuchia, khi về lại mang theo mảnh đạn trong đầu. Mỗi khi trái nắng trở trời, mảnh đạn ấy lại hành hạ khiến ông không thể làm được việc gì. Nhà có chút vốn liếng, ông quyết định đầu tư trồng cây, nuôi gia cầm trên Hòa Bình. Gần 10 năm làm trang trại ở Hòa Bình khiến ông Thắng “nuôi râu” dài quá bụng. Cảm thấy không thể quản lý được trang trại, ông bỏ về Hà Nội. Vốn có thói quen sống hòa mình với thiên nhiên hoang dã nên chiều chiều ông đạp xe ra sông Hồng tắm. Gặp bãi đất rộng, thấy đất bãi tốt, cây cối xanh tươi, ông lại đánh tiếng thuê đất trồng cây. Ông trồng cây chanh, quất, nhãn, nuôi thêm con ngan, con vịt và đàn chó làm bạn. Ông cho biết, mỗi khi ở nhà ông luôn bị đau đầu, nhưng từ ngày bỏ phố ra sông, những cơn đau dường như biến mất. 
Vườn nhãn sai trĩu quả của ông Kỳ.
Vườn nhãn sai trĩu quả của ông Kỳ.
 
Từ đó hàng ngày ông ra sông bơi đến vài lần, sáng bơi, trưa làm vườn xong cũng ùm xuống sông, ngụp lặn để được hưởng dòng nước mát trong lành. Ông vừa bơi vừa thưởng thức, vừa trị liệu để cơ thể khỏe khoắn hơn. Ở phố cuộc sống ngột ngạt quá khiến ông cảm thấy mệt mỏi, lạc lõng. Sau đó, thấy việc cứ để chòm râu dài quá rốn, trông như ông cụ 80 giữa phố phường cũng bất tiện nên sau 2 tuần sang đất bãi làm vườn, bơi sông, ông quyết định cắt chòm râu đi. 
Ông hài hước kể, ngay khi ông cắt đi chòm râu, ra đứng ngoài cổng, có mấy bạn trẻ đi qua, ghé vào hỏi thăm: “Anh có thấy ông già râu dài hay đứng ở đây mấy hôm nay đi đâu không”. Ông hóm hỉnh trả lời: “Tôi không biết, các bạn thử vào trong nhà xem ông ấy có ở trong ấy không”. Các bạn trẻ nghe thế cũng mò vào tìm vì họ cũng muốn chuyện trò với ông râu dài nhưng tìm mãi không thấy. Vài ngày sau họ mới phát hiện ra người mà họ vẫn hỏi thăm về ông râu dài hàng ngày chính là ông râu dài thì cả bãi sông được một trận cười thỏa thích. 
Ông Thắng bảo, sống ở bãi sông Hồng không cần đến đồng hồ, cứ ngan kêu là ông biết trời sáng, dậy cho nó ăn sáng, rồi nhặt cỏ, xới đất cho cây, cắt cỏ, làm vườn. Hết việc thì ra sông tắm, tắm xong về cơm nước, nghỉ trưa, chiều lại chăm vườn, lại ra sông tắm… Dường như, với ông, bãi đất này như một “thiên đường” mới được khám phá, ông bằng lòng sống cuộc đời “bỏ phố ra sông” để được  hòa mình với thiên nhiên…

Đọc thêm