Cuộc sống người già ở Mỹ: Không có lương hưu, nhọc nhằn kiếm cơm tuổi xế chiều

(PLO) - Ngày càng có nhiều người già ở Mỹ lâm vào cảnh túng quẫn khi về già vì không có lương hưu, cũng không có tiền tiết kiệm trong khi chi phí ăn ở, thuốc men mỗi ngày một tăng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vất vả mưu sinh khi tuổi già

Bà Roberta Gordon không bao giờ nghĩ rằng bà sẽ sống được đến tận 76 tuổi. Lẽ dĩ nhiên, bà cũng chưa bao giờ nghĩ được rằng ở tuổi này bà vẫn phải còng lưng làm việc để có cái ăn. 

Vào mỗi ngày thứ Bảy, bà đều đặn mang những sản phẩm mà bà làm được xuống cửa hàng tạp hóa ở gần nhà bán. Mỗi lần như vậy, bà được trả khoảng 50 USD. Số tiền ít ỏi nhưng quý giá bởi bà cần tiền. “Ở tuổi này, nhưng tôi lại phải làm việc cật lực, là một người lao động đích thực”, bà Gordon cho biết. 

Khi còn trẻ, bà Gordon từng làm hàng chục công việc khác nhau, từ dọn nhà, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà, nhân viên tiếp thị qua điện thoại, thủ thư… Tuy nhiên, công việc của bà không ổn định, bà không được đóng an sinh xã hội nên khi về già không có lương hưu. Công việc bấp bênh, kiếm ăn còn chưa đủ nên bà cũng không hề có tiền tiết kiệm.

Hậu quả là giờ đây bà sống dựa chủ yếu vào khoản trợ cấp dành cho người già có thu nhập thấp mỗi tháng 915 USD. Trong khi đó, người bạn sống cùng phòng với bà mới qua đời gần đây và bà phải chịu tiền phòng một mình mỗi tháng đã tốn hết 1.040 USD. 

Để bù đắp cho số tiền phòng còn thiếu, chi trả cho các dịch vụ, thực phẩm và các khoản chi thiết yếu khác, bà Gordon phải sử dụng thẻ ghi nợ. Để tiết kiệm chi phí, bà cũng thường xuyên đến nhà thờ để nhận lương thực, thực phẩm được phát miễn phí ở đó. Bà phải làm những công việc lặt vặt để có thêm đồng ra đồng vào.

Theo tờ The Atlantic, ngày càng có nhiều người già ở Mỹ lâm vào tình cảnh tương tự như bà Gordon. Thống kê cho thấy, ở Mỹ, một phụ nữ ngoài 80 tuổi dù đã có bảo hiểm y tế Medicare nhưng vẫn phải bỏ ra trung bình khoảng 8.400 USD mỗi năm tiền thăm khám, thuốc men. 

Rất nhiều người già ở Mỹ hiện đến tuổi nghỉ hưu nhưng không có khoản lương hưu mà những người lao động thuộc các thế hệ trước đó có. Thu nhập không dư dả nên họ cũng không có tiền để đóng vào chương trình 401k - chương trình phúc lợi mà theo đó người lao động khi còn làm việc ở các công ty trích một phần tiền lương của mình để dành cho việc hưu trí trong tương lai.

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người khi bước sang tuổi 60 sẽ phải hoặc cắt giảm đáng kể khoản chi tiêu hàng ngày hoặc phải tiếp tục làm việc chỉ để có thể sống sót. “Đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta có nhiều người già vẫn phải chật vật kiếm sống khi tuổi tác ngày một cao. Khi về già, họ từ những người thuộc nhóm cận nghèo trở thành những người nghèo”, bà Diane Oakley – Giám đốc Viện an sinh hưu trí quốc gia của Mỹ - nói. 

Còn ông Kevin Prindiville – Giám đốc điều hành của tổ chức Công lý cho người già – cho rằng vấn đề trên đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi những người thuộc thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh bước vào tuổi nghỉ hưu. Thống kê cho thấy, hiện ở Mỹ mỗi ngày có thêm từ 8.000 đến 10.000 người bước sang tuổi 65. Nhiều người trong số này không có tiền tiết kiệm trong khi chi phí ăn ở và chăm sóc sức khỏe mỗi ngày một tăng. 

Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, người già là nhóm nhân khẩu học duy nhất ở nước này có tỉ lệ người nghèo gia tăng một cách đáng kể trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2016, trái ngược với xu hướng chung của các nhóm nhân khẩu khác. 

“Trước đây, khi chúng tôi mới làm thống kê, những người nghèo thường rơi vào những người trẻ nhưng gần đây, lần đầu tiên có hiện tượng số người già lâm vào cảnh nghèo gia tăng”, ông Prindiville cho hay.

Hàng triệu người sẽ chung cảnh ngộ?

Tình trạng trên cũng làm dấy lên những lo ngại về khả năng hàng triệu công nhân khác cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự khi họ nghỉ hưu trong những thập kỷ tới. Bởi, hiện nay, nhiều người trong độ tuổi lao động đang chấp nhận làm những công việc tạm bợ và không hề có khoản tiền dư dả để dành phòng thân khi về già. 

Vì vậy, nhiều người cho rằng tình cảnh người già chật vật tìm sinh kế với tiền trợ cấp ít ỏi hiện nay mới chỉ là sự khởi đầu cho sự gia tăng những người có cùng hoàn cảnh trong thời gian tới. Thống kê của Cục thống kê Mỹ cho thấy, 2/3 người Mỹ đang không đóng góp vào chương trình 401k hay các chương trình tiết kiệm hưu trí khác. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hệ thống tiết kiệm tại Mỹ bao gồm 3 trụ cột: an sinh xã hội, tiền lương hưu do người sử dụng lao động bảo trợ hoặc các kế hoạch tiết kiệm hưu trí và trụ cột thứ 3 là các khoản tiết kiệm cá nhân. Song, với sự gia tăng của số người làm các công việc không ổn định và tiền lương hưu giảm, ngày càng có nhiều người Mỹ sống dựa vào an sinh xã hội mà không có thêm khoản thu nhập nào khác từ 2 trụ cột còn lại. 

Điều này đồng nghĩa với việc khi về hưu, người già sẽ khó có thể xoay sở được với số tiền mà họ nhận được khi tiền an sinh xã hội ở Mỹ hiện chỉ bằng khoảng 40% số thu nhập trung bình mà họ nhận được khi về hưu trong khi các nhà tư vấn tài chính cho rằng người về hưu cần ít nhất 70% số tiền mà họ kiếm được trước khi về hưu mới có thể sống được thoải mái.

Việc ngày càng có nhiều người già sống dựa vào tiền an sinh xã hội được xác định một phần là do các công ty trước kia thường đóng tiền để đảm bảo lương hưu cho người già theo năm thì gần đây chuyển trách nhiệm đóng tiền tiết kiệm hưu trí cho người lao động. 

Sự suy thoái kinh tế và các diễn biến của nền kinh tế Mỹ trong những năm gần đây cũng khiến tình hình tài chính của hàng triệu người già gặp khó khăn. Ví dụ, khi cơn sốt nhà đất bùng nổ, nhiều người đã cố dành tiền và vay mượn thêm để mua một căn nhà nhưng sau đó buộc phải bán đi để trả nợ. Một số người khác đầu tư vào thị trường chứng khoán để rồi nhận thấy khoản tiền mà họ đã đầu tư ngày một ít đi. 

Điển hình như bà Jackie Matthews, hiện 76 tuổi, đã mất số tiền lớn trong thời gian diễn ra cuộc suy thoái kinh tế và buộc phải bán rẻ ngôi nhà của bà với giá chỉ 3.000 USD. Hiện, bà phải đi thuê lại một phòng trong căn hộ của một người bạn, tính toán chi ly từng đồng để có thể đảm bảo cuộc sống. Bà cũng chẳng dám mua thêm thứ gì mới trong nhà.

Với nhiều người già, việc không có tiền tiết kiệm buộc họ không còn cách nào khác là phải chấp nhận tiếp tục làm việc, như bà Roberta Gordon. Theo bà Oakley, khoảng 12,4% dân số từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ hiện vẫn đang tiếp tục lao động, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 3% ở năm 2000. 

Bà Deborah Belleau, 67 tuổi, có thể xem là điển hình. Trước đây, bà từng có 30 năm làm người phục vụ bàn. Để có thể làm tròn vai một bà mẹ đơn thân nuôi 2 con, bà thường xuyên phải xin trợ cấp của Chính phủ nên tiết kiệm là việc không thể. 

“Anh thậm chí chỉ nghĩ được hôm nay kiếm được bao nhiêu tiền, có thể mua được thứ gì để ăn chứ đừng nói đến ngày mai”, bà kể. Kết quả là, hiện bà vẫn đi làm nhân viên toàn thời gian cho một công viên để kiếm thêm thu nhập dù có những ngày khi thức dậy bà đau nhức người đến mức không thể đi lại được. “Tôi không thể nghỉ việc vì không thể sống được với số tiền an sinh xã hội nhận được”, bà nói.

Ít nhất bà Belleau và những người khác còn có thể làm việc để kiếm thêm nhưng cũng có nhiều người già không có tiền tiết kiệm đã lâm vào cảnh vô gia cư vì không có đủ tiền thuê nhà và cũng không có khả năng lao động. 

“Số người già vô gia cư hiện nay nhiều hơn bao giờ hết”, bà Rose Mayes – Giám đốc điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì quyền lợi của người già – cho hay. Năm 2016, có đến gần 1 nửa trong tổng số người trưởng thành vô gia cư sống 1 mình ở Mỹ từ 50 tuổi trở lên trong khi tỉ lệ này ở năm 1990 chỉ là 11%. 

Đọc thêm