Cuộc giải cứu con tin không giống phim ảnh
Do một sự tình cờ, chúng tôi có mặt tại PC 14, Công an tỉnh Lạng Sơn đúng vào lúc chuẩn bị giải cứu nạn nhân của một vụ bắt cóc. Nạn nhân là một cô bé mới 15 tuổi bị bạn chat lừa bán sang Trung Quốc.
Ông bố, một giảng viên Đại học tại Hà Nội bỗng dưng thấy con mất tích. Cái tâm hồn trong trẻo lương thiện của một ông giáo suốt ngày cắm mặt vào sách vở không cho phép mình nghĩ con gái là nạn nhân của một đường dây buôn người.
Ông giáo chỉ đơn thuần nghĩ, chắc mình có điều không phải nên con mới bỏ đi. Bất giác một đêm, ông nhận điện thoại, chỉ kịp nghe: “Con bị bạn chát lừa bán sang Trung Quốc, không biết ở đâu, chỉ biết đi đường Lạng Sơn rồi sang bên Trung Quốc cách biên giới khoảng vài chục km” rồi cắt ngang là tiếng chửi, tiếng đấm đá (Thì ra cô bé mượn điện thoại của khách làng chơi). Hoảng hồn ông tìm lên Lạng Sơn, báo cho PC 14, công an tỉnh Lạng Sơn.
Phần nhiều công an của PC 14 là những người anh hùng lão luyện có công phá tan hàng chục băng cướp khét tiếng xung quanh Quỷ Môn Quan - nỗi kinh hoàng của cửa ngõ phía Bắc hồi thập kỉ 90 của thế kỉ trước. Tôi cũng nhận ra kẻ có cùng phận “chầu rìa” với mình là chàng thanh niên trắng trẻo, thư sinh có nụ cười dễ mến.
Đúng lúc tôi định bắt chuyện thì cậu chàng đứng phắt dậy đến bên trung tá Hoàng Anh, trưởng phòng PC 14 (Sau là giám đốc CA thành phố Lạng Sơn) giơ tay ngăn lại: “Các chú làm thế hỏng việc, phải làm ngay theo kế hoạch của cháu. Cháu đảm bảo 90% thành công”. Hóa ra chỉ có tôi là phận “chầu rìa”. Mãi sau tôi mới biết chàng trai thư sinh này là Vũ Hoàng Thái Hà, nhân viên của Công ty du lịch Lạng Sơn.
Suốt một ngày mệt mỏi tìm đến hai trung tâm Lưu cữu (trung tâm tạm giữ những người tạm trú trái phép bị công an Trung Quốc truy quét) tại Long Châu và Lũng Vài (cách Bằng Tường khoảng 60km) không được việc phải trở về Việt Nam vì hết hạn giấy thông hành (Giấy thông hành có giá trị 1 ngày), tôi có chút bực mình. Hai trung tâm này phần nhiều là các chị em quá tuổi bán dâm tại các quán có đăng kí kinh doanh tại đây (Các cô gái của các quán đều được chủ chứa lo cho giấy tờ cư trú hợp lệ - PV).
Họ tập trung nhau lại với mấy tên ma cô rồi bắt khách ngay ngoài đường. Giá cả những cuộc mua bán thân xác rẻ mạt, chỉ khoảng 15 – 20 tệ. Chính vì thế, những phần tử này bạt mạng và thô tục rợn người. Thế nhưng, Hà vẫn hỏi han tỉ mỉ, cặn kẽ từng người một về tung tích của cô bé Girlxinh.... (tôi gọi cô bé bằng cái nick name đã gây tai họa cho chính cô) rồi đưa cả ảnh cho họ xem.
Nhưng chẳng được gì. Không cằn nhằn khi tôi kêu mệt mà Hà xử sự rất thủ lĩnh, cậu động viên tôi: “Có mệt một tí anh ạ, cẩn tắc vô áy náy. Phải chắc là chưa được đưa về khu lưu cữu thì mai em mới dám tung hết lực lượng vào cuộc được chứ. Câu không được thì mới phải thả lưới chứ anh”.
Hôm sau tại Bằng Tường, chúng tôi đã có chắc chắn địa chỉ nơi cô bé Girl xinh... bị giữ. Thông tin này được mấy cậu thanh niên trông khá bảnh chọe cung cấp. Đã chắc chắn thông tin, Hà bốc điện thoại gọi về, guồng máy phía Việt Nam bắt đầu làm việc đúng thủ tục.
Chỉ 1h sau khi chúng tôi có mặt tại công an Bằng Tường đã thấy có một vị công an Trung Quốc nói giọng Việt khá chuẩn “Đã nhận được điện thoại từ phía công an Việt Nam. Giao việc này cho đồng chí Giả Hình Cảnh (Cảnh sát hình sự - PV)”.
Gặp Giả Hình Cảnh, Hà Xủng Xẻng một lát vì vị này không biết tiếng Việt thì chúng tôi được giao cho một người khác, nghe loáng thoáng ông này là trưởng đồn phụ trách khu vực có cửa hàng đang giữ Girlxinh. Hà cười thì thầm “Anh thấy chưa, bằng này tầng nấc mà mình không róng riết thì lúc đến nơi, cô bé khéo đã bị bán vào đến Thượng Hải chứ chả chơi?”.
Lễ trao trả người bị bắt cóc của CA Việt Nam – Trung Quốc |
Giữa chợ tình với các dãy hàng quán cắt tóc, gội đầu vuông dọc như bàn cờ, căn phòng phía sau là nơi các cô gái đang ăn cơm. Thấy con, ông bố nghẹn giọng: “Con! Đứng dậy về thôi con”. Cô bé thì khỏi phải nói, hớn hở, khóc lóc ôm ông bố, mụ chủ quán cũng hớn hở nói cười gì đó có vẻ thân thiết lắm với vị đã đưa chúng tôi đến đây.
Tôi bảo: “Hà này! Chẳng giống giải cứu bắt cóc trong phim Mỹ gì cả. Nhạt toẹt”. Hà cười tít mắt: “Không có mấy vị công an này đi cùng, anh mà đến thì chẳng có phim Mỹ mà xem đâu, chúng nó cho anh xơi... võ Tàu”. Cô bé được đưa về đồn tạm giữ ở đó để phía công an Việt Nam hoàn thành thủ tục xin trao trả, đến hôm sau mới làm cuộc trao trả người được. Còn chúng tôi trở về, việc đã xong.
Nghề trong bóng tối
Sau này, nhờ những lời khai của Girlxinh... mà cơ quan chức năng đã bắt được những kẻ tham gia đường dây mua bán người gồm: Nguyễn Văn Thành (Phúc Xá , Ba Đình) SN 1987, Nick name là VIP_codon_8X; Trần Duy Giang (Uy Nỗ, Đông Anh) SN 1988, Nick name là thieu_tim_gai_9X; Nguyễn Thị Lụt, SN 1981, quê Bắc Ninh.
Đi chơi với nhau khắp phố Lạng Sơn, bất giác thấy Hà xa lạ hoàn toàn với hình ảnh một vị cứu tinh. Hà bảo “Em bị gọi đi những vụ này vì sự tình cờ”. Đầu năm 2005, vừa hết cấp 3, có tí chút vốn tiếng Hoa, Hà làm cho Công ty du lịch Lạng Sơn.
Một lần đưa đoàn khách sang Bằng Tường du lịch, có một bà già bất giác gọi Hà vào chỗ vắng rồi quỳ sụp xuống: “Cháu ơi! Giúp bà, bà chỉ có nó, bố mẹ nó bỏ nhau, nó ở với bà”. Thì ra bà có cô cháu gái bị bắt cóc sang đây phục vụ cho các ổ mại dâm, bạn cô trong động quỷ trốn ra được điện về nhà nhưng lại dặn: “Đừng báo công an”.
Hoảng sợ nhưng bà cụ vẫn quyết gom tiền tham gia đoàn du lịch sang Trung Quốc với ý nghĩ “Cứ tìm thấy rồi mang cháu về, bọn buôn người có giết chết cả hai bà cháu cũng được, dù sao cũng có bà có cháu”.
Sang đến nơi, thấy trời đất rộng bao la mà bóng cháu mình nhỏ bé quá, ngày về sắp đến, bà cụ đánh liều cầu xin. Chấp nhận việc làm khó khăn này, Hà đành vận dụng hết những kiến thức và các mối quan hệ mình có rồi cũng tìm được cô bé, bà cụ phải về nhà thu xếp tiền để chuộc cháu mình ra khỏi chốn nhơ nhớp.
Về nước, tìm hiểu thông tin trên mạng biết Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã có kí kết chung việc chống buôn người qua biên giới, Hà quyết định hợp tác với PC 14 Lạng Sơn. Việc làm tự nguyện, không hề lấy thù lao.
Box: Tôi thắc mắc khi Hà nói đến chữ “nghề” trong “buôn người ngược”, chả lẽ có những người chuyên nghiệp làm nghề này?”, Hà bảo “Có chứ anh, phần nhiều các nạn nhân buôn người được trở về nhờ những người làm nghề này”.
Sau nhiều ngày thuyết phục, cuối cùng Hà cũng đồng ý giới thiệu, bảo lãnh để tôi được tham gia một đường dây “buôn người ngược”. Từ đây, tôi đã có một quan điểm khác hẳn về buôn người, về nạn nhân buôn người và về những lầm tưởng căn bản của xã hội với tệ nạn này...
Còn tiếp...
(Mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo trên Báo PL&TĐ số 313, ra ngày 18/8/2016)