Chuyện nghề Thi hành án Dân sự

Cưỡng chế không phải là lựa chọn đầu tiên - Trăn trở từ một vụ việc nhỏ nhưng hệ lụy lớn ở Phú Thọ

(PLVN) - Chỉ từ một phần diện tích hơn 10m² đất - vốn là lối đi chung giữa các hộ dân, một vụ thi hành án dân sự (THADS) tưởng như đơn giản tại xã Phượng Vỹ (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã trở thành điểm nóng kéo dài hơn một thập kỷ. Hậu quả của vụ cưỡng chế THADS, 23 người bị khởi tố, 18 người bị kết án tù. Câu chuyện để lại nhiều trăn trở cho những cán bộ làm công tác THADS, những người đã cố gắng hết sức để hòa giải, vận động nhưng cuối cùng vẫn phải chọn đến biện pháp cưỡng chế trong nỗi day dứt khôn nguôi.
23 người bị khởi tố, 18 người bị kết án tù - một vụ việc tưởng chừng nhỏ nhưng để lại hệ luỵ lớn do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân
23 người bị khởi tố, 18 người bị kết án tù - một vụ việc tưởng chừng nhỏ nhưng để lại hệ luỵ lớn do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ - người trực tiếp theo dõi, vận động và xử lý vụ việc tại xã Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê - vẫn luôn day dứt mỗi khi nhắc lại vụ việc này. Với ông, đây không đơn thuần là một vụ cưỡng chế mà là một bài học sâu sắc về mối quan hệ giữa pháp luật và nhận thức người dân.

“Cưỡng chế chưa bao giờ là lựa chọn đầu tiên. Đó chỉ là phương án cuối cùng, khi mọi biện pháp mềm mỏng đều không thể làm thay đổi tình hình,” ông Ngọc chia sẻ.

“Chúng tôi đã dành hơn 10 năm để vận động, giải thích, đối thoại. Nhưng suốt chừng đó thời gian, điều chúng tôi phải đối mặt không chỉ là sự thiếu hợp tác, mà còn là sự thiếu hiểu biết pháp luật rất nghiêm trọng.”

Theo quyết định của tòa án, phần đất tranh chấp cần phải được thi hành theo bản án có hiệu lực. Tuy nhiên, một số người dân không đồng thuận, thậm chí lôi kéo, kích động nhau chống đối. Trong các lần tiếp cận hiện trường, cán bộ thi hành án liên tục bị đe dọa, chửi bới, ngăn cản bằng lời nói và hành vi, có đối tượng còn dùng dao rượt đuổi, uy hiếp. Phương tiện thi hành án bị đập phá. Không khí mỗi lần xuống địa bàn luôn căng như dây đàn.

Chúng tôi đã rất kiên trì, thậm chí có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng nếu bỏ cuộc, bản án của tòa sẽ không thể thực thi, còn kỷ cương pháp luật sẽ bị xem thường,” ông Ngọc nói.

Đỉnh điểm là khi buộc phải huy động gần 100 cán bộ công an để đảm bảo an ninh cho buổi cưỡng chế cuối cùng. Kết thúc vụ việc, cơ quan chức năng khởi tố 23 người liên quan, trong đó 18 người bị phạt tù vì hành vi cản trở người thi hành công vụ, chống người thi hành án.

Cưỡng chế chưa bao giờ là lựa chọn đầu tiên. Đó chỉ là phương án cuối cùng, khi mọi biện pháp mềm mỏng đều không thể làm thay đổi tình hình

Cưỡng chế chưa bao giờ là lựa chọn đầu tiên. Đó chỉ là phương án cuối cùng, khi mọi biện pháp mềm mỏng đều không thể làm thay đổi tình hình

“Đau lòng lắm,” ông Ngọc thở dài. “Chúng tôi đi làm nhiệm vụ nhưng cũng là con em của dân. Thấy một người dân bị đưa đi, bị kết án chỉ vì họ không hiểu đúng pháp luật, tôi day dứt mãi không thôi. Đáng ra, nếu người dân hiểu đúng bản chất pháp lý của bản án, nếu họ được tiếp cận với kiến thức pháp luật đầy đủ hơn, thì mọi chuyện đã không tồi tệ đến thế.”

Vụ việc ở xã Phượng Vỹ là một minh chứng rõ ràng rằng: THADS không chỉ là câu chuyện của pháp luật, mà còn là câu chuyện của dân trí. Khi nhận thức pháp luật trong cộng đồng còn hạn chế, thì người thi hành án luôn đối mặt với những hiểm nguy - không chỉ về thể chất, mà cả về tinh thần và đạo đức nghề nghiệp.

“Chúng tôi không chỉ là người thực thi bản án. Chúng tôi cũng là người đi gõ cửa từng nhà, ngồi xuống từng bàn trà để phân tích, để thuyết phục. Nhưng sự kiên nhẫn nào rồi cũng có giới hạn. Và nếu không có sự hỗ trợ đồng bộ từ chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là giáo dục pháp luật trong nhân dân, thì công việc này sẽ mãi là cuộc chiến không cân sức,” ông Ngọc nhấn mạnh.

Dù vụ việc đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn. Người dân trong khu vực giờ đây có phần dè dặt hơn, chủ động tìm hiểu quy định pháp luật kỹ lưỡng trước khi tham gia các tranh chấp. Đó là hiệu quả tích cực về mặt tuyên truyền - nhưng phải được đánh đổi bằng những bản án, bằng những tháng ngày trong trại giam của hàng chục con người.

Thi hành án không thể chỉ bằng lý lẽ và mệnh lệnh. Cần cả trái tim và sự thấu cảm. Nhưng sẽ tốt biết bao nếu người dân có được kiến thức pháp luật từ sớm, để người làm thi hành án không còn phải mang trong mình những trăn trở như chúng tôi hôm nay ”, ông Ngọc chia sẻ.

Đọc thêm