Khó xác định khái niệm giấy tờ có giá
Để áp dụng hiệu quả biện pháp cưỡng chế thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án, Chấp hành viên không chỉ phải nắm vững các quy định của pháp luật THADS mà còn phải hiểu rõ những quy định của pháp luật về giấy tờ có giá.
Điểm 8, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm thì: “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu,tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành thì giấy tờ có giá bao gồm: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005; Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005; Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16, Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2009; Các loại chứng khoán (Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại điểm 3 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010; Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 90/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Có thể thấy nội hàm khái niệm giấy tờ có giá rất phức tạp và được quy định ở rất nhiều loại văn bản pháp luật khác nhau; các loại giấy tờ có giá cũng rất phong phú và đa dạng. Điều này đòi hỏi Chấp hành viên phải có những hiểu biết nhất định về giấy tờ có giá để áp dụng đúng các quy định pháp luật.
Xác minh giấy tờ có giá: cũng nan giải
Để có thể thu giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án Chấp hành viên phải tiến hành xác minh rõ giấy tờ có giá là loại gì, giá trị bao nhiêu, nguồn gốc của tài sản….trong khi việc này rất khó thực hiện vì có rất nhiều cơ quan, tổ chức ban hành giấy tờ có giá, hàng trăm công ty niêm yết chứng khoán trên thị trường.
Mặc dù Luật THADS đã có quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan Kho bạc nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong THADS tuy nhiên trên thực tế việc phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan quản lý tài sản là giấy tờ có giá…đối với chấp hành viên còn hạn chế, chưa kịp thời và hiệu quả. Do đó cần quy định các chế tài pháp lý cụ thể và đủ mạnh về việc phối hợp giữa các cơ quan nắm giữ giấy tờ có giá nói riêng và các cơ quan hữu quan trong việc cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan THADS trong hoạt động thi hành án.
Cần quy định cụ thể việc bán giấy tờ có giá
Theo quy định tại Điều 83 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 “việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể việc bán giấy tờ có giá để đảm bảo thi hành án, Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS cũng không có quy định về vấn đề này. Giấy tờ có giá là một loại tài sản có tính chất đặc thù, không giống với các loại tài sản khác. Do vậy cần quy định cụ thể việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hay văn bản pháp luật chuyên ngành nào để thực hiện cho đúng.
Cưỡng chế xử lý giấy tờ có giá của người phải thi hành án là một vấn đề phức tạp, do đó cần phải có các quy định pháp lý cụ thể và chi tiết hơn về việc tổ chức thi hành án đối với loại tài sản đặc biệt này.