Văn hóa làng xã Việt Nam vốn có lệ, đi chùa hay đi lễ hội, hoặc ở một số địa phương khi đi ăn cỗ, ăn giỗ... ai cũng muốn có quà, lộc mang về nhà. Đó là quan niệm tâm linh, là thể hiện sự sẻ chia... Lộc đôi khi chỉ là quả chuối, bánh ngọt đã được nhà chùa, chủ lễ, chủ nhà phân phát.
Tuy nhiên, song hành với lệ xin lộc, chia quà theo sự phân phát đó, là hiện tượng lén lút, giấu giếm đút túi những thứ không dành cho mình, hoặc ngang nhiên cướp đoạt lộc, đồ cúng. Điển hình như tục cướp đồ cúng cô hồn dịp Rằm tháng 7 hằng năm... Những thứ được lấy đi cũng không hẳn nhiều giá trị sử dụng nhưng người chiếm nó đôi khi chỉ nghĩ đơn giản “mình không lấy thì người khác lấy”...
Việc cướp hoa tại Hà Nội đang gây xôn xao những ngày này phải chăng bắt nguồn từ nếp nghĩ đơn giản ấy?.
Tranh cướp lộc chùa, lễ hội hay mấy giỏ hoa giữa đường nhiều khi mang về cũng chẳng dùng được, hoa héo tàn, lộc vứt đó không ăn… Phần lớn người cướp lộc, lấy hoa một cách bột phát, đua nhau, người nọ theo người kia. Lấy những thứ không phải của mình giữa thanh thiên bạch nhật một cách hồ hởi, ngang nhiên...
Ông Phạm Quang Long, cựu Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho rằng: “Những người cướp hoa không coi hành vi đó là trộm cắp. Nhưng lấy cái không phải của mình một cách trắng trợn mà còn vui vẻ, hãnh diện thì chỉ có thể là hành vi ăn cướp, là sự xuống cấp của nhân cách. Xã hội thấy mà im lặng thì đó là tình trạng đáng báo động.
Và nhìn thật sâu thì cách người ta ứng xử với đường hoa, hay rộng hơn là với tài sản công cộng chính là văn hóa. Để thay đổi những quan niệm sai lầm trong ứng xử, để chấn hưng văn hóa, biến nó thành nguồn lực cũng như mục tiêu để phát triển xã hội lại cũng cần bắt đầu từ văn hóa. Thay đổi nhận thức, thay đổi hành động theo những chuẩn mực là điều cần thiết. Muốn làm được điều này cần rất nhiều thời gian, rất nhiều công sức, tiền của, nhất là rất nhiều sự kiên tâm, nhưng không thể không làm”.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Trung tâm điều tra dư luận xã hội cho rằng: “Ở một chừng mực nào đấy, chúng ta có thể thấy đây là tâm lý đám đông, a dua, bắt chước... Đằng sau hành vi ích kỷ, thói quen, động tác phản cảm là cái tôi nhỏ bé và tội nghiệp”.
Trước đó, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cho biết, sáng 6/3, công nhân công ty đang thực hiện thu gom duy trì trang trí đường phố, một số người dân dừng lại lao vào lấy cây, hoa. "Người dân tràn xuống lấy cây hoa đông và nhanh quá, khiến nhân viên công ty không kịp trở tay và bất lực. Chúng tôi thực sự buồn. Hơn nữa, đây cũng không phải lần đầu. Tình trạng này đã từng xảy ra nhiều lần, sau các sự kiện lớn”, vị địa diện này nói.
Góp mặt trong tốp người “hôi” hoa không chỉ có những người đi xe máy mà có cả người đi trên những chiếc ô tô. Việc này, không chỉ tạo hình ảnh phản cảm mà còn khiến cả tuyến đường Kim Mã (hướng về Nguyễn Thái Học) ùn tắc nghiêm trọng.
Cũng giống như ở Kim Mã, tối 28/2, ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc, nhiều người dân đã kéo tới khách sạn JW Marriott “vơ vét” cây, hoa trang trí xung quanh tòa nhà mang về.
Tại sao những thói quen cũ, làm xấu xí hình ảnh của mình mà người Việt lại duy trì? Tại sao cứ tham lam, vơ làm của riêng vài thứ của công vô thưởng, vô phạt để dư luận đàm tiếu?. Tại sao thích "tham nhũng vặt" như thế?.
Hãy loại bỏ thói xấu từ những chuyện tưởng như không đáng kể. Loại bỏ được “tham nhũng vặt” ít nhiều sẽ phòng, chống hiệu quả “tham nhũng lớn”.
Muốn thế phải xây dựng ý thức tôn trọng của công, phải xử phạt nghiêm khắc hành vi chiếm dụng của công, dù chỉ lấy một nhánh hoa. Ví như giá trị của hoa chỉ 10 ngàn, hãy xử phạt lên cả triệu đồng. Làm nghiêm khắc như vậy, mới đủ sức răn đe người có ý định tham nhũng của công.