Cựu Chủ tịch Sabeco khai làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại tòa, cựu Chủ tịch Sabeco khai làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương. Do đó, người này được Cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về Đảng và chính quyền.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.
Ngày 23/4, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tiếp tục diễn ra.
Trong phần này, luật sư đặt câu hỏi các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có ông Phan Đăng Tuất (nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco, Phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước (BPQLVNN) giai đoạn 2012-2015) với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, ông Tuất là người đã ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương để liên doanh, liên kết thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án tiếp nối việc liên doanh liên kết đã có từ trước của người tiền nhiệm là ông Nguyễn Bá Thi.
Khi Sabeco chậm triển khai dự án theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Tuất và các thành viên bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco còn bị Bộ Công Thương có Công văn yêu cầu rút kinh nghiệm, yêu cầu giải thể Sabeco Land và sớm tìm nhà đầu tư mới để thức hiện dự án. Việc liên doanh với doanh nghiệp nào cũng do lãnh đạo Bộ Công Thương quyết định. Sau khi Bộ Công Thương phê duyệt các nhà đầu tư mới để Sabeco liên doanh thành lập Sabeco Pearl. 
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Phan Đăng Tuất ký văn bản đề nghị UBND TP HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án. Sau đó, các sở, ngành TP HCM tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố cho thuê đất trái các quy định pháp luật. 
Theo cáo trạng, trách nhiệm chính trong sai phạm về hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án thuộc về lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Phan Đăng Tuất thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương. Do đó, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Phan Đăng Tuất. Vì vậy, Cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về Đảng và chính quyền đối với ông Phan Đăng Tuất là phù hợp.
Tại tòa, khi được luật sư hỏi, ông Tuất khẳng định việc ông làm đều có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công thương. Theo lời trình bày của ông Tuất, suốt thời gian thực hiện dự án, ban đầu là một thứ trưởng khác, sau đó là Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phụ trách. “Những phiên họp với BPQLVNN đều do Thứ trưởng Thoa chủ trì”, ông Tuất nói.
Ngoài ra, ông Tuất cũng khẳng định thời điểm đó bản thân không gặp Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vì Bộ trưởng bận đàm phán các hiệp định thương mại. “Tôi không nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng”, ông Tuất nói.
Tiếp lời, ông Tuất khai bản thân ông không trực tiếp tham gia thương thảo, không biết sự thay đổi giữa Hợp đồng số 01 và Hợp đồng nguyên tắc. Về việc Sabeco góp vốn vào Sabeco Pearl là 26%, ông Tuất nói con số này có tham khảo ý kiến của Bộ, hơn nữa, cổ đông nào chiếm 25% cổ phần trở lên thì có quyền chi phối nên họ mới chọn 26%. 
Ngoài ông Tuất, bà Phạm Thị Hồng Hạnh (nguyên TGĐ Sabeco), ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó TGĐ Sabeco)… cũng được Cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về Đảng và chính quyền. 
Theo cáo trạng, quá trình BPQLVNN họp để thống nhất các nội dung có liên quan đến các báo cáo, đề xuất của BPQLVNN đối với dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, các cá nhân trên tham gia họp, ký các biên bản họp và các Hợp đồng nguyên tắc, Hợp đồng hợp tác đầu tư… trên cơ sở văn bản chỉ đạo, phê duyệt chủ trương của lãnh đạo Bộ Công Thương.
Những người này không phụ trách lĩnh vực đầu tư bất động sản mà được phân công các nhiệm vụ chuyên trách, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại của Sabeco. Bản thân họ phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương nên không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự. 

Đọc thêm