Trình bày tại tòa, bị cáo Phan Chí Dũng thừa nhận việc góp vốn đầu tư ngoài ngành là không đúng. Bị cáo Dũng phân trần, thời điểm đó, mong muốn của Sabeco và các anh em trên Bộ là mong muốn Sabeco có văn phòng khang trang.
Tiếp lời, ông Dũng nói tại cơ quan điều tra, bản thân ông đã nhận thức được sai phạm của mình. “Đến giờ phút này, vi phạm của bị cáo là rõ rồi”, bị cáo Dũng nói.
Đến lượt mình, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói về thời gian được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công Thương, về nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Theo lời khai của ông Hoàng, bà Thoa được phân công phụ trách một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp nhẹ: gồm công nghiệp chế biến, giấy, gỗ, diêm, thực phẩm... “Trong công nghiệp nhẹ có Sabeco”, ông Hoàng nói.
Tiếp lời, ông Hoàng khai theo phân công, lĩnh vực ông được phụ trách không bao gồm hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nhẹ, trong đó có Sabeco. “Đây là nhiệm vụ của các Thứ trưởng được phân công, cho nên tôi chỉ nắm được thông tin khi các cấp liên quan báo cáo, xin ý kiến. Việc tôi nắm thông tin thông qua các báo cáo do không phụ trách nên không nắm được thông tin cụ thể, liên tục”, ông Hoàng nói.
Quá trình khai báo, bị cáo Hoàng “gửi lời xin lỗi” HĐXX vì sự việc xảy ra quá lâu, khi vụ án xảy ra, bản thân ông đã nghỉ hưu, không được tiếp cận thông tin đầy đủ nên cái nhớ, cái quên. Ông Hoàng mong được thông cảm.
Nói về việc triển khai dự án xây dựng, ông Hoàng phân trần nói mỗi năm Sabeco phải chi hàng chục tỷ đồng để thuê văn phòng nên thấy rất tiếc. Đây là nguyện vọng tha thiết của Sabeco. “Chỉ cần tiết kiệm tiền thuê văn phòng trong 3, 4 năm bằng xây văn phòng. Việc xây văn phòng tiết kiệm cả cho ngân sách, tiết kiệm cho cả Sabeco”, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương nói tại tòa.
Ông Hoàng khẳng định bản thân không tham gia, chỉ đạo việc ban hành công văn lựa chọn nhà đầu tư và phương án hợp tác với các nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng. Công văn do bà Thoa ký.
Theo lý giải của ông Hoàng, theo thủ tục hành chính, các văn bản, nhất là văn bản do lãnh đạo Bộ ký thì, nơi nhận có gửi Bộ trưởng. Bản thân ông không nhớ văn bản bà Thoa ký ông có nhận được không. Bởi thời điểm từ năm 2010 đến 2015, do ông tập trung việc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mất nhiều thời gian, mà đây không phải văn bản xin ý kiến, văn bản thường dài nên bản thân ông không có điều kiện đọc hết nên không nhớ có được đọc không. “Sau này làm việc với cơ quan điều tra, tôi xem phần dưới có nơi nhận là Bộ trưởng”, bị cáo Hoàng khai.
Đối với văn bản của các nhà đầu tư gửi đề nghị cho Sabeco thoái vốn tại Sabeco Pearl, ông Hoàng khẳng định cá nhân ông không bao giờ xử lý những việc không phù hợp chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, ông Hoàng thừa nhận mình có gửi văn bản cho Vụ Công nghiệp nhẹ đề nghị tham mưu, đề xuất.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục diễn ra.
Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện đang bị truy nã quốc tế) và ông Phan Chí Dũng (nguyên vụ Trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương) đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công Thương và Sabeco trong quá trình Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê” trên khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Sau khi Sabeco Pearl được UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư, cho thuê đất và chấp nhận bổ sung các chức năng officetel và căn hộ ở cho dự án thì ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn góp) của Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh. Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.