Chủ trương tập thể, sáng tạo vì sự phát triển của Đà Nẵng
Theo ghi nhận của phóng viên, quá trình xét xử, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh luôn giữ vẻ điềm đạm trả lời từng câu hỏi một của HĐXX. Dù buồn vì HĐXX từ chối cho ông được treo bản đồ vệ tinh tại tòa để chứng minh sự oan khuất của bản thân, nhưng ông Minh kiên định tiếp tục xuất trình những chứng cứ mới. Đó là Giấy xác nhận ngày 27/2/2020 của Công ty TNHH Daewon Cantavil, từ đó khẳng định cáo buộc ông gây thất thoát tài sản nhà nước đặc biệt lớn là không đúng với bản chất sự việc, thực tế khách quan.
Quá trình xét hỏi, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định 17 nhà, đất công sản mà ông chủ trương giải quyết bán cho các tổ chức và cá nhân là loại nhà vắng chủ, không có người ở. Các tài sản này đã được các đời chủ tịch tiền nhiệm sắp xếp, xử lý giao cho Công ty quản lý nhà Đà Nẵng quản lý bảo vệ và cho các đơn vị thuê làm văn phòng nên không thuộc diện quy định của Nghị định 61 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà. Do đó, ông không vi phạm quy định tại Nghị định 61 trên.
Trong đó, có một số khu đất được phép bán chỉ định cho các đơn vị đang thuê theo quyết định 140 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Về quy buộc cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất, chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật, ông Minh cho rằng khi đó không ai nói họ sai, còn nói đây là sáng tạo. “Đây là chủ trương của tập thể, chứ không phải cá nhân tôi”, ông Minh nói.
Các bị cáo khẳng định bản thân ông và những bị cáo ở đây không ai tư lợi cá nhân, tất cả vì sự phát triển của Đà Nẵng. |
Không chỉ riêng ông Minh nhắc đến những đóng góp của tập thể để đưa Đà Nẵng phát triển thành hôm nay, bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Giám đốc Sở xây dựng TP Đà Nẵng) khẳng định bản thân ông và những bị cáo ở đây không ai tư lợi cá nhân, tất cả vì sự phát triển của Đà Nẵng. Theo lời họ, hơn 20 năm trước, Đà Nẵng quay lưng lại với biển, cơ sở vật chất không có gì… “Tiền mà chúng tôi bán các bất động sản được đầu tư vào xây dựng thành phố ngay lập tức. Lúc đó Đà Nẵng mới thành lập, chưa có kinh phí để phát triển”, ông Tuấn nói.
Khi trả lời thẩm vấn, bị cáo Phan Văn Anh Vũ nói mình rất kính trọng các lãnh đạo TP Đà Nẵng. Ông khẳng định không có mối quan hệ với lãnh đạo Đà Nẵng hay Chủ tịch Trần Văn Minh như quy kết của bán án sơ thẩm.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Minh, ông Chiến… đều khẳng định họ vì sự phát triển của Đà Nẵng, và trong quá trình thực hiện, họ đã tuân thủ đúng các qui định tại Nghị định 61 của Chính phủ, Nghị định 52, Nghị định 14…
Nhiều chứng cứ cần xem xét để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo
Khi được tự bào chữa, bị cáo Trần Văn Minh đã nêu ra nhiều căn cứ khẳng định bản thân vô tội. Ông Minh tiếp tục khẳng định mình không vi phạm các qui định tại Nghị định 61 của Chính phủ, Nghị định 52, Nghị định 14 như quy kết của cấp sơ thẩm.
Ông Minh cho rằng, ông không vi phạm khi chuyển quyền sử dụng đất không qua đấu giá vì đất chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng đúng với quy định tại điểm g Điều 2 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP (Không đấu giá quyền sử dụng đất được áp dụng khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất hoặc khi thi hành án, thu hồi nợ, có liên quan đến quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Điều này cũng đúng với khoản 2 Điều 5 của Quy chế kèm theo QĐ số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, một trong các điều kiện để các thửa đất được tổ chức đấu giá là đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng. Điều này cũng đúng với Điều 112 Luật đất đai 2003 về trình tự, thủ tục giao đất chưa được giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, đối với dự án 29ha, dự án Habour Ville là điển hình dữ liệu đầu vào không đúng với thực tế, bởi thành phố Đà Nẵng chỉ có đất mặt nước ven biển, còn kè biển, đất đổ san nền là của nhà đầu tư. Đây là tình tiết mà cấp phúc thẩm cần xem xét để đảm bảo tính khách quan của vụ án, tránh oan sai.
Hình ảnh minh họa: Hình 05. Ảnh vệ tinh năm 2011 chứng minh cho việc san lấp mặt bằng của Khu 29 ha vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đạt điểm dừng kỹ thuật, một số diện tích vẫn còn đất mặt nước. |
Ông Minh cũng khẳng định bản thân không chỉ đạo bán nhà 158 Bạch Đằng. Người chỉ đạo là ông Hoàng Tuấn Anh - cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ông Minh nói ông Hoàng Tuấn Anh là người có bút phê vào Tờ trình số 56 năm 2004 của Công ty Xây dựng 79 với nội dung “chuyển anh Ít” chứ không phải ông. Thời điểm đó, ông Minh chưa lên Chủ tịch. “Cơ sở nào để nói rằng bị cáo bán nhà 158 Bạch Đằng?”, ông Minh đặt câu hỏi.
Đối với tài sản 20 Bạch Đằng, bản án sơ thẩm nêu “Nhà, đất 20 Bạch Đằng thuộc sở hữu nhà nước, do Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng quản lý, ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Cung ứng tài biển Đà Nẵng thuê từ năm 2006”. Ông Minh cho rằng điều này không đúng với thực tế.
Theo ông Minh, tài sản 20 Bạch Đằng không phải nhà công sản, chỉ có đất thôi. Ông khẳng định ông Hoàng Tuấn Anh ký quyết định cho thuê đất. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký Hợp đồng cho thuê đất chứ không phải công ty Quản lý nhà Đà Nẵng quản lý, ký hợp đồng như Bản án sơ thẩm nêu.
Đối với nhà đất số 07 Bạch Đằng, ông Minh cho rằng việc cấp sơ thẩm căn cứ vào kết luận giám định của Giám định viên tư pháp Bộ Tài chính để xác định hành vi làm trái pháp luật của ông là không có cơ sở.
Thực tế, hiện nay nhà hàng Memory số 07 Bạch Đằng nằm trên mặt nước bên bờ sông Hàn không có đất với mục đích thương mại, dịch vụ nhưng Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương tính giá đất ở đô thị tại thời điểm khởi tố (17/4/2018) là: 153.545.256.000 với đơn giá đất quá lớn 282.460.000 đồng/m2 không đúng với thực tế. Bởi đây là nhà thuộc diện vắng chủ, thành phố tiếp quản sau năm 1975. Tính giá đất phải tính tại thời điểm xảy ra vụ việc chứ không phải thời điểm khởi tố.
Ông Minh cho hay, năm 2009, UBND TP có chủ trương bán đấu giá và đã tổ chức bán đấu giá, ông Phan Văn Anh Vũ là người trúng đấu giá. Việc này đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật…
Hình ảnh minh họa: Khu 29ha Đa Phước và Khu 25ha Đa Phước thi công trong giai đoạn 1 mới có mặt bằng. |
Sau gần 1 giờ nêu các căn cứ, chứng cứ, viện dẫn quy định pháp luật, ông Minh kiến nghị HĐXX phúc thẩm tuyên mình vô tội. Ông khẳng định bản thân không vi phạm pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất không qua đấu giá vì đất chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng đúng quy định; không làm thất thoát tài sản nhà nước.
Luật sư bào chữa cho ông Minh cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại quy kết của bản án sơ thẩm khi cho rằng việc ban hành các văn bản của bị cáo Minh là văn bản trái quy định.
Bởi theo quan điểm của luật sư, trong bối cảnh, thời điểm đó, về việc ban hành các văn bản, bị cáo Minh không tự quyết định mà phải được thông qua bởi nghị quyết của Hội đồng nhân dân, được đưa ra lấy ý kiến. Bị cáo Minh chỉ thay mặt ký. Luật sư cũng nhắc đến việc bản án sơ thẩm có cách tính thiệt hại không công bằng cho cựu Chủ tịch Đà Nẵng khi bị cáo không liên quan đến nhà đất ở Bạch Đằng nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự.
Cũng như ông Minh, bị cáo Văn Hữu Chiến khi được tự bào chữa cũng khẳng định không tiếp nhận ý chí của ông Minh, không đồng phạm giúp sức ông Minh trong việc bán nhà đất công sản trái quy định như quy kết của cấp sơ thẩm. Ông Chiến khẳng định: “Tôi và anh Minh chưa bao giờ đồng phạm cái gì, thỏa thuận cái gì về bán nhà này cho ai”.
Sau đó, ông Chiến đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh Đà Nẵng trong giai đoạn đó để đưa ra phán quyết phù hợp vì nhiều nội dung quy kết của cấp sơ thẩm oan cho họ.