Là người nói lời sau cùng đầu tiên, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn gửi lời cảm ơn HĐXX, đại diện VKS, các cán bộ dẫn giải, luật sư bào chữa…
Ông Tuấn cũng gửi lời cảm ơn một bị cáo trong vụ án vì trước kia đã cùng công ty hỗ trợ cho bản thân ông và nhiều bác sĩ khác được đào tạo, học tập tốt trong nước và nước ngoài.
Sau đó, ông Tuấn gửi lời xin lỗi toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội vì hành vi của ông đã làm tổn thương, ảnh hưởng tới uy tín của bệnh viện. Ông Tuấn mong cán bộ, nhân viên y tế không mắc phải sai làm như ông, vượt qua được khó khăn để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
Quá trình nói lời sau cùng, ông Tuấn xin HĐXX giảm án nhiều hơn cho các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là các bị cáo cấp dưới của ông. Bởi theo ông Tuấn, các bị cáo phạm tội do lỗi lầm của ông. Hiện tại, các cấp dưới của ông đang có nhiều bệnh, là lao động chính, có con nhỏ, vợ không có thu nhập ổn định… “Rất mong HĐXX có đánh giá, xem xét cho họ”, ông Tuấn nói.
Về bản thân mình, ông Tuấn bảo đây là bài học trong cuộc đời. Ông Tuấn ngậm ngùi cho biết bản thân mình từng đi bộ đội, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thì đi thi làm bác sĩ. Trên con đường học tập, ông Tuấn may mắn được Giáo sư đầu ngành về tim mạch dẫn dắt vào con đường can thiệp tim mạch, cho ông được đi nước ngoài học tập.
“Chúng tôi là những người làm tim mạch đầu tiên, đến nay có hàng trăm bác sĩ được đào tạo, hàng chục nghìn bệnh nhân hàng năm đã được can thiệp tim mạch kịp thời”, ông Tuấn nói và khẳng định trình độ của các bác sĩ Việt Nam không thua kém gì nước ngoài.
Bản thân ông Tuấn còn được các Hội chuyên ngành tín nhiệm, giao làm Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội; Thành viên Ban chấp hành - Chủ tịch danh dự Hội can thiệp tim mạch Việt Nam; Thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á – Thái Bình Dương; Thành viên Hội tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ; Thành viên trường môn tim mạch học Hòa Kỳ.
Nhớ về giai đoạn mình làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Tuấn bảo thời điểm đó, Bệnh viện chỉ là một bệnh viện nhỏ thuộc Sở y tế, chưa có các chuyên khoa khác. Tuy nhiên, ông và các đồng nghiệp đã dồn hết tâm huyết để đưa Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành đơn vị đầu ngành.
Ngoài ra, ông và các đồng nghiệp còn tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp cho xã hội: khám cho hàng trăm nghìn trẻ em vùng sâu vùng xa, đóng góp vào các qũy của các tỉnh, thành liên quan tới hỗ trợ tim cho trẻ em, vùng sâu vùng xa. “Chúng tôi đã mổ tim miễn phí cho hàng trăm trẻ em; chúng tôi tham gia nhiều chương trình từ thiện khác ở các tỉnh”, ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết mình đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sỹ; đào tạo hàng trăm bác sĩ sau đại học, nghiên cứu sinh; chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, nhà nước.
Sau khi kể về những đóng góp cho xã hội, ông Tuấn nói, trong vụ án này, ông nhận thức sâu sắc vai trò của mình: “Tôi không có ngụy biện nào cho hành động của mình. Tôi mong quý tòa có đánh giá nhân văn hơn nữa, cho tôi sớm trở về nhà, tiếp tục có những đóng góp cho xã hội, đào tạo ra nhiều bác sĩ trong tương lai có trình độ cao hơn…”.
Đến lượt mình, bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (SN 1961, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) cũng gửi lời cám ơn HĐXX. “Bị cáo đã nhận thức được các hành vi sai trái của mình”, bị cáo Hưởng nói và cho biết bản thân rất ăn năn hối cải.
Bà Hưởng gửi lời xin lỗi gia đình, bởi đến khi về hưu mà vi phạm pháp luật, bị phong tỏa nhà cửa, khiến chồng con lo lắng...
Các bị cáo còn lại cũng mong HĐXX xem xét, cho mình cơ hội sớm trở về với gia đình, xã hội, cho được hưởng án treo.