Câu chuyện làm nhiều người quan tâm suy nghĩ. Cách đây mấy năm Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cũng cấp “Chứng chỉ hành nghề biên tập” cho biên tập viên các nhà xuất bản. Theo đó, nếu anh không có chứng chỉ, dẫu là biên tập trực tiếp thì không được ghi tên lên xuất bản phẩm. Nhỡ ghi, lập tức xuất bản phẩm bị Cục “thổi còi” không được “nộp lưu chiểu”. “Làng xuất bản” giống “làng dược sỹ” phải “mượn tên” người có chứng chỉ, dẫu “mượn” không phải trả tiền như của hàng bán thuốc thuê tên dược sỹ.
Người ta đặt câu hỏi, liệu “chứng chỉ” có phải là “biến tướng” của “giấy phép con” không? Biên tập viên báo chí, xuất bản là một ngạch viên chức, từ biên tập viên lên biên tập viên chính, biên tập viên cao cấp đều do Nhà nước “sát hạch” bằng các cuộc thi cử, sao còn cần “chứng chỉ hành nghề” của cấp Cục?
Việc cấp chứng chỉ hành nghề sư phạm được nhiều nước trên thế giới áp dụng, không phải là “ngoại lệ”, nhưng với Việt Nam thì đề xuất này lại vấp phải nhiều ý kiến phản ứng, phần nhiều do nghi ngờ tính minh bạch của quá trình cấp chứng chỉ này. Tại sao thế?
Một giáo viên nhiều thâm niên tâm sự: “Chúng tôi đã có bằng sư phạm, dạy học bao nhiêu năm nay, được quản lý cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Tại sao lại cần phải có chứng chỉ nghề nghiệp? Điều tôi lo ngại nhất là cứ thêm yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp thì lại phát sinh tiêu cực”.
Nhiều giáo viên lo ngại có khi chứng chỉ hành nghề lại trở thành một loại “giấy phép con” trong ngành sư phạm, chỉ là làm thêm giấy tờ mà thôi. Trên thực tế, một giáo viên đi dạy phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, giáo sinh có hơn 3 tháng thực tập trên đối tượng giảng dạy (nếu thấy chưa đủ thì đề nghị bộ bổ sung thành 1 năm), giáo sinh qua tuyển dụng (thi tuyển), phân công về trường lại thêm 1 năm tập sự. Như thế là đủ thời gian để giáo viên có thể dạy học. Còn nếu giáo viên vi phạm quy chế chuyên môn, căn cứ Luật Giáo dục để xử lý, chứ sao “đẻ” ra các loại giấy tờ thủ tục phiền hà, tạo điều kiện cho tiêu cực?
Sẽ ra sao nếu các Cục quản lý Nhà nước chuyên ngành (hơi bị nhiều) cứ “học tập và làm theo” nhau, lĩnh vực nào cũng cấp “chứng chỉ hành nghề”? Không biết quá trình cấp có minh bạch, đáp ứng yêu cầu như kỳ vọng hay không nhưng chắc chắn là: mất thời gian đi học và lại tốn kém không ít kinh phí của mỗi trường để có được “chứng chỉ hành nghề”. Điều này không phải “võ đoán” mà lĩnh vực xuất bản đã như vậy.
Câu chuyện không chỉ một lĩnh vực mà nó cảnh báo một “nguy cơ”: biến tướng của các loại “giấy phép con” nhưng trên thực tế, rất hình thức.