Bệnh nhân nữ N. T. K. T., sinh năm 1983 (Hậu Giang) được chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ ngày 05/01/2022 với tình trạng mệt, chóng mặt, huyết áp tăng, đau đầu nhiều.
Bệnh nhân được nhập viện Khoa Nội Thần kinh theo dõi, sau xét nghiệm phát hiện bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được chuyển trung tâm điều trị COVID-19 của bệnh viện.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não ghi nhận bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện và túi phình động mạch thông trước kích thước 2.5x5mm. Ngoài ra, người bệnh còn có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị, các bác sĩ tiến hành hồi sức nội khoa tích cực, ổn định huyết áp.
Ngày 14/01, bệnh nhân được chỉ định chụp và nút phình động mạch số xóa nền. Kết quả ghi nhận phình động mạch thông trước 4x4mm, các bác sĩ đã bít hoàn toàn túi phình bằng 3 vòng xoắn kim loại (nút coil).
Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, đau đầu nhẹ, không yếu liệt chi, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đồng thời quá trình điều trị COVID-19 đang tiến triển thuận lợi, đang được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Đột quỵ.
Theo TS.BS Hà Tấn Đức - Trưởng Khoa Đột quỵ (BVĐK Trung ương Cần Thơ) cho biết: Túi phình mạch não là hậu quả của quá trình suy yếu các lớp của thành mạch máu, dẫn đến hình thành phình mạch não.
Biến chứng nguy hiểm của túi phình mạch não là vỡ túi phình gây xuất huyết dưới nhện với tỉ lệ tử vong lên đến 45-65%. Trong đó khoảng 12% trường hợp tử vong ngay lập tức và khoảng 20% người còn sống vẫn phải cần sự trợ giúp của người khác trong các hoạt động thường ngày.
Đa số các trường hợp phình mạch não chưa vỡ thường không có triệu chứng. Đến khi phình mạch lớn hơn hoặc dọa vỡ thì có thể gây ra một số triệu chứng không đặc hiệu như nhức đầu, tê tay, giảm trí nhớ, nhìn mờ...
Khi phình mạch não bị vỡ, người bệnh có thể xuất hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, hôn mê, liệt tay chân...
Vỡ phình động mạch não là một cấp cứu nội khoa bắt buộc phải được điều trị can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật thần kinh. Can thiệp nội mạch hiện nay được sử dụng phổ biến hơn phẫu thuật thần kinh do tính chất ít xâm lấn và lợi ích sau điều trị.
Mục đích của can thiệp là thả coil vào túi phình, loại bỏ phình mạch ngăn chặn chảy máu tái phát do vỡ lại. Phương pháp can thiệp cần được tiến hành khẩn trương, càng sớm càng tốt, tạo điều kiện cho việc điều trị tích cực để giảm thiểu các biến chứng khác, hạn chế tử vong và di chứng.
Xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình mạch não là bệnh lý cấp cứu có tỷ lệ di chứng và tử vong cao. Vì vậy, bệnh nhân phải được chẩn đoán nhanh chóng và can thiệp kịp thời tại các trung tâm y tế lớn với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân viên y tế chuyên sâu.
Trên một bệnh nhân mắc COVID-19, việc chẩn đoán và điều trị vỡ phình mạch não trở nên khó khăn hơn do các triệu chứng của vỡ phình mạch có thể bị che lấp bởi các triệu chứng của COVID-19.
Bản thân việc nhiễm COVID-19 cũng làm xấu hơn tổng trạng của bệnh nhân, từ đó khiến tiên lượng khi vỡ phình mạch não của người bệnh xấu hơn những người không nhiễm COVID-19. Việc phải đảm bảo điều trị nhanh chóng và chính xác phình mạch não để cứu sống người bệnh vừa phải đảm bảo công tác an toàn dịch tễ COVID-19 đặt ra nhiều thử thách cho nhân viên y tế.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 có kèm bệnh lý nền nghiêm trọng là một thách thức rất lớn đối với các y bác sĩ, vừa theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân, vừa đánh giá kịp thời bệnh lý nền để lựa chọn phương pháp xử trí kịp thời, với đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm và đặc biệt vai trò của hồi sức tích cực sau can thiệp nhằm mục tiêu đạt được hiệu quả tối ưu trong điều trị.