Cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận đề nghị xem xét lại tội danh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hôm qua (11/10), phiên tòa xét xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thành ủy TP HCM) và 9 người liên quan đến sai phạm tại Dự án khu dân cư Phước Kiển, khu dân cư Ven Sông bước sang ngày làm việc thứ 2.
Các bị cáo tại tòa (Nguồn: Vnexpress)
Các bị cáo tại tòa (Nguồn: Vnexpress)

Sau bục khai báo, bị cáo Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Cty Tân Thuận) cho rằng mình không phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Bởi theo ông Thiện, nguồn vốn của Cty Tân Thuận là tài sản thuộc sở hữu của Đảng bộ TP, thuộc quyền định đoạt của Đảng bộ TP theo luật dân sự.

Cáo buộc cho rằng ông Thiện là người có vai trò cầm đầu, chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều sai phạm trong việc chuyển nhượng đất tại dự án Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM) và khu dân cư Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7, TP HCM), gây thiệt hại khoảng 730 tỉ đồng.

Quá trình khai báo, ông Thiện nói rằng trong thời gian ông làm lãnh đạo, vốn của công ty được bảo toàn và phát triển hơn trước. Ngoài ra, ông Thiện bảo ông lấy làm tiếc vì không ai khuyến cáo khi chuyển nhượng dự án phải thực hiện theo quy định quản lý vốn Nhà nước.

Theo trình bày của ông Thiện, trong thời gian ông làm Tổng Giám đốc, Cty Tân Thuận thực hiện 15 dự án, trong đó có dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM) và dự án Khu dân cư Ven Sông (quận 7, TP HCM).

Dự án Khu dân cư Phước Kiển có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng, muốn triển khai dự án phải chứng minh vốn chủ sở hữu là 1.200 tỉ đồng. Vì vốn điều lệ của Cty Tân Thuận thời điểm này là 162 tỉ đồng (không có tiền mặt) nên công ty không thể chứng minh năng lực tài chính để triển khai dự án.

“Một dự án còn không đủ vốn mà làm đến mười mấy dự án?” - HĐXX hỏi. Ông Thiện phân trần, trước đây không quy định vốn chủ sở hữu phải có nhiều tiền, sau này mới có quy định. Trước câu trả lời trên, HĐXX giải thích luật quy định như vậy để tránh các công ty “tay không bắt giặc”, không có tiền nhưng lập dự án rồi huy động tiền.

Do không đủ vốn nên Cty Tân Thuận đã hợp tác với Cty Quốc Cường Gia Lai để thực hiện dự án. “Vì sao Cty Quốc Cường Gia Lai biết để đề nghị tham gia”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Thiện khai không nhớ ai giới thiệu, chỉ nhớ Cty Quốc Cường Gia Lai gửi văn bản đề xuất hợp tác với tỉ lệ 75:25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Khu dân cư Phước Kiển.

Đối với dự án Khu dân cư Ven Sông, bị cáo Thiện khai khi hợp tác thì Cty Tân Thuận có báo cho Văn phòng Thành ủy về việc Cty Quốc Cường Gia Lai đề nghị chuẩn bị nguồn vốn để triển khai dự án. Sau đó, Cty Tân Thuận đã phân công các phòng, ban xem xét và chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp tại dự án Khu dân cư Ven Sông cho Cty Quốc Cường Gia Lai.

Bị cáo Thiện thừa nhận mình là người ký kết hợp đồng thuê các công ty thẩm định giá; tổ chức, chủ trì 4 cuộc họp để xây dựng giá chuyển nhượng, hoán đổi vốn góp với Cty Quốc Cường Gia Lai, thống nhất giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp; hoán đổi 10% vốn góp và lập thủ tục chuyển nhượng khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông tại Khu IV – Khu dân cư Ven Sông; chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển.

Bị cáo cho rằng bản chất các hành vi đã thực hiện là hợp tác đầu tư chuyển nhượng phần vốn góp, do đó Hội đồng xây dựng giá sử dụng kết quả các chứng thư thẩm định để xây dựng giá chuyển nhượng, hoán đổi là không sai với Luật Giá năm 2012. Do đó, ông Thiện đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh cho mình.

Đọc thêm