Trước mặt chúng tôi là một ông già thấp đậm đã gần 70 tuổi và là Chủ tịch HĐQT của Cty CP Thương mại đào tạo nhân lực Nam Sơn (Bắc Ninh). Ông chậm rãi trải lòng về cuộc đời chìm nổi và cái sự khởi nghiệp của mình.
Dấn thân, không đầu hàng
Dù đã có giấy gọi nhập Trường Đại học Y khoa Hà Nội, nhưng năm 1969, ông quyết định nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào Nam, chiến đấu ở mặt trận 44 Quảng Đà. Mùa mưa năm 1971, trong một trận chống càn ở Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam, ông bị thương và ngất đi, bị địch bắt và đưa ra Phú Quốc giam cầm. Ngày 16/3/1973, thực hiện Hiệp định Paris, ông được địch trao trả tại Thiện Ngôn, Sa Mát, Tây Ninh. Ông tâm sự: Những năm tháng lao tù, dù ở trong đất liền hay ở nơi mệnh danh là “địa ngục trần gian”, mặc dù bị địch tra tấn, bị bức tử về mặt tinh thần, tâm lý, nhưng tư tưởng, niềm tin vào chiến thắng đã giúp ông cùng nhiều đồng đội khác khôn khéo đấu tranh, không để ảnh hưởng tới đơn vị và trở về, tiếp tục cống hiến cho đất nước, cho dân tộc.
Nhưng số phận chìm nổi không buông tha ông. Thời bao cấp cái gì cũng thiếu, nhà lại có tới 6 đứa con nên khó trăm bề. Trước cái đói bủa vây, len lỏi vào tận dạ dày lép kẹp của trẻ con, sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định xin về nghỉ mất sức, mở quán lòng lợn tiết canh tại nhà, bởi ít vốn và thu lời ngay. Nhưng ở chợ Thứa có rất nhiều hàng lòng lợn, tiết canh, phải làm sao để có thể lãi 30.000 đồng/ngày? Ngẫm kỹ, ông quyết định thay đổi kiểu cách kinh doanh từ chính bát tiết canh - món khoái khẩu dễ thu hút mọi người - nên phải ngon và có sự khác biệt. Ông thay đổi, đánh tiết canh bằng nước đun sôi để nguội, thay vì bằng nước luộc thịt để nguội như cách làm truyền thống. Kết quả là tiết canh rất nhanh đông, đỏ tươi. Mùa đông trời lạnh, ông “chơi” món tiết canh “nóng”: Khi khách gọi, ông nhúng bát trong nước sôi, lau khô bằng khăn sạch, cho nguyên liệu đã băm sẵn rồi mới đổ tiết vào. Tiết canh đông, bát vẫn nóng, nên mọi người gọi là tiết canh “nóng”. Món “lạ” ấy đã giúp ông cạnh tranh và tồn tại, mang lại thu nhập cho gia đình.
Rồi khi mức sống của gia đình khấm khá hơn và có tích lũy, ông lập Cty CP Thương mại đào tạo nhân lực Nam Sơn, liên kết với các DN xuất khẩu lao động và trung tâm dạy tiếng Nhật, Hàn Quốc. Ông hướng vào đào tạo cho người có nhu cầu xuất khẩu lao động, nhất là con em các cựu chiến binh, những người bạn đã từng một thời chịu giam cầm ở Phú Quốc để có cơ hội tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, thay đổi cuộc sống.
Đến năm 2008, tỉnh Bắc Ninh có chủ trương xóa lò gạch thủ công, ông chuyển sang làm gạch, viết 2 dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel ở Gia Bình và Quế Võ được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt.
Ông đóng vai người mua gạch, đi khắp các lò gạch ở miền Bắc để tìm hiểu thị trường và tích lũy kinh nghiệm quản lý, sản xuất. Ngày 17/4/2011, ông khánh thành Nhà máy gạch Nam Sơn tại xã Đức Long, huyện Quế Võ với diện tích 5ha với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng, năng suất 30 triệu viên/năm và mang lại việc làm cho gần 200 lao động. Ông Hải cho biết, giai đoạn đầu, trung bình lương công nhân đạt hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng hiện thu nhập của người lao động đã đạt mức ổn định hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Tiếp, năm 2012 ông hoàn thành dự án xây dựng nhà máy gạch tại huyện Gia Bình.
Ông Hải thổ lộ: “Đời tôi toàn bị xô vào chỗ khó, phải nỗ lực lắm mới vượt qua được những “vũng lầy”. Khi ở bộ đội, chúng tôi được huấn luyện và giáo dục kỹ lưỡng, tuyệt đối không được đầu hàng hoàn cảnh, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng”. Có lẽ, chính phản xạ ấy đã giúp ông khởi nghiệp thành công.
Công nhân Nhà máy gạch Nam Sơn. Ảnh: Hùng Minh |
Khởi nghiệp bền vững
Hiện cả hai nhà máy sản xuất gạch của CCB Trần Thanh Hải đều hoạt động tốt. Sản phẩm gạch lỗ và đặc từ đất sét nung của Cty Nam Sơn được tiêu thụ khá mạnh ở Bắc Ninh, Hà Nội. Khách hàng tìm đến sản phẩm của Nam Sơn bởi 3 yếu tố chính là chất lượng, màu sắc và đặc biệt là uy tín.
Ông Hải kể, khi chuẩn bị xây dựng nhà máy gạch thứ hai ở Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đình chỉ thi công vì cho rằng công nghệ ông áp dụng sản xuất gạch kém bền vững, tác động xấu tới môi trường; Ngân hàng không cho ông tiếp cận vốn. Nếu để kéo dài, nguy cơ vỡ nợ sẽ rất lớn vì kinh phí giải phóng mặt bằng đã trả, hợp đồng mua vật liệu xây dựng và dây chuyền công nghệ cũng đã ký. Rất may, sau nhiều ngày kiên trì theo đuổi quyết tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng tài liệu và giúp đỡ của đồng đội, ông đã chứng minh và thuyết phục được các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh cho tiếp tục triển khai dự án. Một ngân hàng đồng ý cho vay vốn nhưng lãi suất lên đến 24%/năm. Đến nay, nhà máy hoạt động ổn định và cho năng suất tốt, ông đã rút ra 2 câu: “Bản lĩnh, tài năng, nên sự nghiệp/ Nhân hòa, đức độ, nên thành công”.
Ông triết luận: Làm kinh doanh có nhiều vấn đề cần rút ra, trong đó uy tín được coi là số một. Nhưng để làm nên uy tín thì phải có sự trung thực. Chính trung thực, cốt cách của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã giúp ông lấy được uy tín thông qua sản phẩm gạch mà khách hàng tin dùng. Ông đã thành lập công đoàn cơ sở nhà máy, hỗ trợ đoàn viên công đoàn ốm đau, tai nạn… trả viện phí, thăm hỏi ân cần chu đáo. Ông cũng tài trợ 100 triệu đồng, tặng UBND xã Đức Long nâng cấp đường liên thôn; tài trợ 60 triệu đồng xây nhà, tặng chị Trần Thị Tuyết, người xã Đức Long, là công nhân của công ty có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, CCB Trần Thanh Hải tiếp tục đầu tư 37 tỷ đồng để nâng cấp dây chuyền sản xuất gạch nung tại Nhà máy gạch Nam Sơn (Quế Võ) theo hướng tự động hóa, giảm thiểu tác hại môi trường, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm. Ông phân tích, thương trường là chiến trường không tiếng súng. Muốn lấy được niềm tin của khách hàng vào sản phẩm thì phải có sự chuẩn bị chu đáo. Công tác chuẩn bị ấy cũng giống như khi người lính trước một chiến dịch, một trận đánh với quân thù. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ không có thế, không có tính chủ động để xử lý các tình huống và không tận dụng được thời để thành công.
Khởi nghiệp từ tay trắng khi đã gần 50 tuổi, CCB Trần Thanh Hải đã viết thêm một kỳ tích trong cuộc đời mình. Hiện nay, doanh nghiệp của ông không chỉ đóng thuế và nghĩa vụ cho ngân sách nhà nước, địa phương hơn 12 tỷ đồng/năm mà còn mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho gần 400 lao động…