Đã đầy đủ cơ sở pháp lý để siết chặt quản lý thuốc lá thế hệ mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại buổi tọa đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành", các chuyên gia đã khẳng định Việt Nam đã có đầy đủ hành lang pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới, quan trọng là cần ban hành những văn bản cụ thể, thiết thực để quản lý cho hiệu quả.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tọa đàm do Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia như ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương); ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng cục nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương); ông Vũ Hoài Linh, Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro)... và nhiều đại diện các đơn vị khác.

Thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), mặc dù đã lưu hành tại Việt Nam từ nhiều năm nay, được buôn bán công khai, mạnh mẽ, người dân rất dễ tiếp cận mặc dù chưa được phép thương mại hóa, đó là một thực trạng cần nhìn nhận hiện nay.

Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công thương), do chưa có biện pháp quản lý và chế tài nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo phi pháp, vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước không thu được thuế, người dân sử dụng thì tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc và ảnh hưởng sức khỏe.

Các đại biểu cho rằng, vấn nạn thuốc lá điện tử, TLYHM tràn lan gây hại đến người dân, có nguyên nhân từ việc chúng ta chưa ban hành khung pháp lý rõ ràng, cụ thể để quản lý mặc dù cơ sở pháp lý đã có.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều quan điểm, kiến nghị, đề xuất giải pháp để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, các đại biểu đã thống nhất rằng không có rào cản về pháp lý đối với việc quản lý TLTHM, có thuận lợi là khung pháp lý hiện hành của quốc gia với luật và các văn bản dưới luật, cùng các hiệp ước hợp tác, thông lệ quốc tế mà VN đã tham gia ký kết và là thành viên tích cực.

Theo đó, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành cùng với Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá sẽ là cơ sở phù hợp để quản lý ngay các sản phẩm TLTHM phù hợp rõ với định nghĩa của luật, cụ thể như thuốc lá làm nóng (vì chứa nguyên liệu thuốc lá).

Ở góc độ khoa học, hiện có không ít các công trình nghiên cứu khoa học về hoạt động, khả năng giảm tác hại, cũng như tác động lên sức khỏe sau khi sử dụng TLTHM. Các nghiên cứu này được đúc kết từ những quốc gia gần với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines… bên cạnh nghiên cứu của các tổ chức y tế quốc tế như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR)…

Đáng chú ý, Việt Nam cũng sắp tham gia vào Hội nghị các bên lần thứ 10 (COP10) của Công ước FCTC vào tháng 11 tới đây, trong đó tâm điểm của sự kiện sẽ thảo luận về quan điểm quản lý của các nước đối với TLTHM.

Vì vậy, ông Ngô Khải Hoàn đánh giá: “Trước đó Bộ Công thương dự kiến trình Chính phủ trong quý 2/2023 trên cơ sở tiếp tục trao đổi về thống nhất với Bộ Y tế về dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Đối với sự kiện COP10, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai để thống nhất về ý kiến, chính sách và quan điểm về TLTHM.

Với COP10, đây là sự kiện quan trọng, do đó việc thống nhất trước khi COP10 diễn ra là rất cần thiết về tiếng nói chung. Chúng ta cần có sự thống nhất giữa các bên liên quan đến việc xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm TLTHM cụ thể”.

Đọc thêm