Đã đến lúc Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế

(PLO) - TS.LS Hoàng Ngọc Giao bày tỏ: “Cùng với những kết quả trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam cần có hành động đấu tranh pháp lý bằng việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế”.
Tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam
Tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam
Trước hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với TS.LS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), thành viên Ban nghiên cứu biển Đông của Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam về vấn đề này.
Từ góc độ một LS, theo ông, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD- 981 và tấn công lực lượng kiểm ngư, ngư dân Việt Nam trên biển Đông những ngày qua đã vi phạm pháp luật quốc tế, cụ thể là Luật Biển, như thế nào?
- Có thể khẳng định rằng, về hành vi và không gian thì Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng biển được Luật Biển quốc tế xác định là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngang nhiên cướp tài nguyên biển của Việt Nam. Việc Trung Quốc đưa tàu quân sự vào khu vực đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam, có hành vi tấn công tàu công vụ của Nhà nước Việt Nam còn cho thấy tính chất nguy hiểm, trắng trợn và thô bạo trong hành vi ứng xử của Trung Quốc đối với Việt Nam, xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. 
Những hành động đó cho thấy Trung Quốc không chỉ vi phạm Luật Biển quốc tế, không tôn trọng “luật chơi” trên biển đã được gần 190 quốc gia ký kết, thiết lập thông qua việc tham gia Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, mà còn vi phạm pháp luật quốc tế khi xâm phạm, chà đạp lên qui định về nguyên tắc cơ bản, có tính “cột sống” trong quan hệ quốc tế của luật pháp quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương của LHQ là “không dùng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. 
Không thể cứ nhún nhường!
Theo ông, với những vi phạm rõ ràng như vậy của Trung Quốc, Việt Nam có nên khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã làm?
- Khởi kiện là việc mà theo tôi là cần phải làm, đã đến lúc phải làm và làm khẩn trương; đáng lẽ ngay từ những hành động vi phạm trước đây của Trung Quốc, chúng ta đã phải khởi kiện rồi, nhưng tôi hiểu rằng Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì, kiên nhẫn hy vọng Trung Quốc sẽ không có những hành vi quá đáng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự nhún nhường đó có lẽ đã không thể giải quyết vấn đề gì vì Trung Quốc đã có hành vi xâm chiếm trên lãnh hải nên không thể lùi mãi được.
Bên cạnh mặt trận ngoại giao đã làm tích cực và rất tốt thì chúng ta cũng cần có hành động đấu tranh pháp lý bằng việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Như tôi đã phân tích, từ trước đến nay Việt Nam luôn trân trọng và cố gắng để giữ quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, nhưng trên thực tế, chúng ta càng tỏ ra nhân nhượng, càng nỗ lực giữ gìn quan hệ thì dường như Trung Quốc lại đang lợi dụng sự nỗ lực, nhún nhường đó để lấn tới và thực hiện những hành vi thể hiện rõ sự bành trướng, thôn tính và áp đặt đối với Việt Nam. 
TS.LS Hoàng Ngọc Giao
TS.LS Hoàng Ngọc Giao
Việt Nam có thể tiến hành vụ kiện này tại cơ quan tài phán nào, thưa ông?
- Hiện có 2 cơ quan tài pháp quốc tế mà Việt Nam có thể tiến hành khởi kiện Trung Quốc. Đó là Tòa án Công lý quốc tế - với đặc thù là chỉ giải quyết tranh chấp, xung đột khi các bên liên quan phải cùng đồng ý đưa vụ việc ra tòa - và Tòa án Luật Biển quốc tế mà Philippines đang tiến hành vụ kiện đối với Trung Quốc.
Dù Trung Quốc không chấp nhận việc giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán này, nhưng việc Việt Nam có động thái khởi kiện Trung Quốc về hành vi xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển Đông ra Tòa án công lý quốc tế sẽ là một thách thức pháp lý quốc tế đối với Trung Quốc ở chỗ, Trung Quốc luôn khẳng định đang hành động theo pháp luật nhưng việc Trung Quốc từ chối để một cơ quan tài phán quốc tế xem xét tính hợp pháp của các hành động đó chắc chắn là sợ do không có căn cứ pháp lý. Như vậy, đây sẽ là một thông điệp rất quan trọng cho cộng đồng quốc tế thấy và hiểu được bản chất những xung đột giữa hai quốc gia về vấn đề biển Đông.
Còn trong trường hợp đối với giàn khoan HD- 981, chúng ta phải khởi kiện ngay ra Tòa án Luật Biển quốc tế với cơ chế giải quyết không bắt buộc các bên liên quan phải đồng ý (trọng tài bắt buộc) như Philipines đang áp dụng để kiện Trung Quốc là thích hợp. Tòa án này sẽ xem xét hành vi của Trung Quốc có đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam hay không, vùng biển đó có phải thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam hay không.
Kiện để có thêm nhiều căn cứ pháp lý cho chủ quyền trên biển Đông
Vậy, nếu khởi kiện Trung Quốc, chúng ta sẽ có nhiều lợi ích?
- Tất nhiên rồi. Chúng ta phải lưu ý rằng, trên thực tế, với cách thức tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc luôn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc đã khiến dư luận nhiều nước không phân định được tính chính xác về chủ quyền hai quần đảo này. Vì vậy, nếu Trung Quốc từ chối đưa vụ kiện ra Tòa án Công lý quốc tế sẽ góp phần làm rõ hơn nhận thức của cộng đồng quốc tế về những căn cứ pháp lý rõ ràng hơn đối với chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. 
Cái được nữa là từ những căn cứ pháp lý chúng ta chuẩn bị cho vụ kiện, tuyên bố của Tòa án Luật Biển về vụ kiện và phán quyết trong vụ kiện của Philippines sẽ góp phần củng cố căn cứ cho chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, góp phần đẩy lùi, làm “lạnh bớt cái đầu nóng” bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông và cũng sẽ làm lộ rõ những hành vi bất chấp pháp luật và thông lệ quốc tế mà Trung Quốc đang tiến hành ở khu vực này. 
Nên xem xét đưa vấn đề biển Đông lên bàn nghị sự của Hội đồng Bảo an
Như vậy, việc khởi kiện sẽ là một động thái quan trọng để góp phần giải quyết tranh chấp này bằng con đường hòa bình, tránh đụng độ. Theo ông, còn giải pháp nào mà Việt Nam có thể áp dụng để khẳng định chủ quyền đối với biển Đông trước hành vi vi phạm của Trung Quốc?
- Đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhất là chủ quyền trên biển, là rất nhạy cảm và phức tạp vì không như trên đất liền, trên biển và đại dương luôn có tính “mở” nên luật pháp quốc tế đã ghi nhận chủ quyền của quốc gia ven biển đối với lãnh hải nhưng vẫn dành cho các quốc gia khác quyền “được đi qua không gây hại”, tôn trọng quyền của quốc gia ven biển về tài nguyên biển và chỉ được khai thác tài nguyên khi có hợp tác chính thức với quốc gia ven biển. 
Do đó, trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, tôi cho rằng  Việt Nam nên có một bước mạnh hơn nữa là yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp để xem xét về tranh chấp trên biển Đông vì Trung Quốc đang gây ra một tình huống đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, vi phạm pháp luật quốc tế. Dù không hy vọng Hội đồng Bảo an có được một nghị quyết về vấn đề này, nhưng việc đưa được vấn đề biển Đông giữa Việt Nam - Trung Quốc lên bàn nghị sự của Hội đồng Bảo an sẽ là một thắng lợi ngoại giao rất lớn cho Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm