DA đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: người dân được đền bù thỏa đáng

PLVN có bài phản ánh dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu hồi đất của gia đình bà Nguyễn Thị Thuận, nhưng xác định sai nguồn gốc khiến quyền lợi của gia đình này bị ảnh hưởng. Theo phương án của Hội đồng bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện An Lão, đất bà Thuận là đất nông nghiệp - giá 60.000 đồng/m2, tổng cộng chỉ được 335 triệu đồng.

PLVN có bài phản ánh dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu hồi đất của gia đình bà Nguyễn Thị Thuận, nhưng xác định sai nguồn gốc khiến quyền lợi của gia đình này bị ảnh hưởng. Theo phương án của Hội đồng bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện An Lão, đất bà Thuận là đất nông nghiệp - giá 60.000 đồng/m2, tổng cộng chỉ được 335 triệu đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Căn cứ thuyết phục

Gia đình bà Thuận cho rằng, đất của mình là đất thổ cư, phải được đền bù theo giá đất ở. Sau nhiều cuộc họp, chính quyền không chấp nhận khiếu nại của bà Thuận và đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất vào 15/6/2012.

Trong đơn phản ánh tới PLVN, gia đình này hết sức lo lắng: “Trong thời gian qua, gia đình tôi nhiều lần gửi đơn tới UBND xã và UBND huyện thì họ không nhận đơn, gửi lên UBND TP.Hải Phòng thì họ bảo phải để UBND huyện giải quyết. Cho đến nay, gia đình tôi không biết  phải cầu cứu cơ quan nào, trong khi ban GPMB sẽ cưỡng chế thu hồi đất”.

Ngay sau đó, phóng viên đã về tận địa bàn xã để điều tra, xác minh đơn của bà Thuận, gặp từng nhân chứng là những cán bộ chủ chốt của xã, huyện vào những năm 1960 để làm rõ nguồn gốc đất của gia đình này. Tất cả các nhân chứng đều khẳng định, gia đình bà Thuận trước đây ở trong làng thuộc thôn Câu Đông, xã Quang Trung có diện tích đất 2 sào 1 thước, tương ứng khoảng 744m2. Sau đó, xã và HTX có mở con đường từ làng đi qua thôn ra quốc lộ 10A.

Do con đường đi qua khu đất của gia đình nên lãnh đạo xã đã đổi cho gia đình một mảnh đất khác để ở là đất đê, tại bãi Câu Đông. Đến năm 1967, do bão lụt làm sụt đê, xã và chính quyền huyện một lần nữa thương lượng với gia đình chuyển đi nơi khác để lấy đất đào đắp đê. Mảnh đất được đổi lần cuối đó chính là mảnh đất hiện đang bị thu hồi cho dự án xây đường cao tốc. Như vậy, đất được đổi phải được coi là đất ở.

Ngoài các nhân chứng, phóng viên còn phát hiện ra một tài liệu rất quan trọng khác chứng minh đất của gia đình bà Thuận là đất ở. Đó là năm 2000, một phần đất của gia đình bà Thuận (319m2) đã bị thu hồi cho dự án làm quốc lộ 10. Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của dự án này đã xác định và bồi thường theo giá đất ở, không phải là đất nông nghiệp. Điều đáng nói là, chính UBND xã Quang Trung, UBND huyện An Lão vào thời điểm đó đã xác định đất gia đình bà Thuận là đất ở.

Nâng giá đền bù

Ngay sau khi thu thập và phát hiện ra những tài liệu nói trên, phóng viên đã chuyển tới lãnh đạo UBND huyện. Cụ thể, tại buổi làm việc ngày 25/6/2012, ông Lương Văn Lịch, Thường vụ Huyện ủy, Viện trưởng VKSND huyện An Lão (người được phân công theo dõi Đảng bộ xã Quang Trung) đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ gặp gỡ lại các nhân chứng như phản ánh của PLVN để có những thông tin cần thiết dựng lại hồ sơ. Những xác nhận của các nhân chứng cũng chưa được gửi đến cho chính quyền và chúng tôi sẽ xác minh các tình tiết mới này để quyền lợi của người dân được đảm bảo nhất”.

Ngay sau đó, ngày 5/7/2012, theo chỉ đạo, Phòng TN&MT huyện An Lão đã tổ chức hội nghị xác minh nguồn gốc đất và ngày 6/7/2012, UBND xã Quang Trung đã có thông báo công khai nguồn gốc đất của gia đình bà Thuận. Kết quả xác minh của cơ quan chuyên môn UBND huyện đúng như thông tin mà phóng viên đã xác minh trước đó.

Chính quyền đã công nhận đất của gia đình bà Thuận là đất ở với “lịch sử” mảnh đất như sau:“Diện tích 742m2 của gia đình bà Thuận là đất thổ cư đã được tập thể sử dụng để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Địa phương đã chuyển trả về  khu bãi bến phà Tiên Cựu.

Do nhu cầu phải có đất đẻ đắp đê chống bão lụt, toàn bộ diện tích trên địa phương đã chuyển trả cho hộ gia đình bà Thuận về khu lò vôi cống xây thôn Câu Đông. Năm 2000 mở rộng nâng cấp quốc lộ 10 đã được dự án bồi thường giải phóng mặt bằng 319,9m2, còn lại 422,1m2”. Vì vậy, giá đất tính bồi thường được tính là giá đất ở 3.500.000đ/m2, tổng số tiền được bồi thường hơn 2,5 tỷ đồng.

Như vậy, quyền lợi của gia đình bà Thuận đã được giải quyết thỏa đáng. Việc vào cuộc kịp thời của chính quyền huyện An Lão thực sự đã đem lại niềm tin cho người dân. PLVN hoan nghênh sự tiếp nhận và xử lý thông tin một cách nghiêm túc và khẩn trương của lãnh đạo UBND huyện An Lão, TP.Hải Phòng.

Thanh Quý - Tuấn Anh

Đọc thêm