Thành phố cao nguyên xinh đẹp
Hơn 130 năm trước, Đà Lạt là một vùng đất hoang sơ, nơi những người đồng bào K’ho Lạch sinh sống. Ngày nay, Đà Lạt là thành phố trẻ của Tây Nguyên, là địa danh quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế.
Cái tên Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ khoảng năm 1893 khi bác sỹ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên và nhờ đó ông có ý kiến hết sức thuyết phục khi Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương hỏi tìm một địa điểm vùng cao để xây dựng nơi nghỉ dưỡng.
Theo đó, ngày 21/6/1893, trong một chuyến thám hiểm vùng rừng núi ở Nam Trung Kỳ giữa biển Đông và sông Mê Kông, đầu nguồn sông Đồng Nai và Xê Băng Can, bác sỹ Alexandre Yersin đã đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên.
Nhân chuyến thăm một vài nơi nghỉ dưỡng vùng cao ở Ấn Độ, toàn quyền Paul Doumer bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm những nơi nghỉ dưỡng ở Đông Dương. Trong thư gửi cho các khâm sứ, công sứ, ông nêu bốn điều kiện cần thiết cho một trạm nghỉ dưỡng: độ cao trên 1.200m, nguồn nước dồi dào, đất đai canh tác được và khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng. Nhờ chuyến thám hiểm Lâm Viên năm 1893, Yersin đã đề xuất chọn cao nguyên Lâm Viên làm nơi nghỉ dưỡng và được Toàn quyền Paul Doumer ghi nhận.
Đến ngày 1/11/1899, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với thủ phủ là Djiring và hai trạm hành chính là Tánh Linh và Lâm Viên. Đó là tiền đề pháp lý đầu tiên cho việc hình thành chức năng hành chính của Đà Lạt sau này.
Ngày 20/4/1916, Hội đồng nhiếp chính của Vua Duy Tân thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Ngày 31/10/1920 thành lập thị xã Đà Lạt và đến năm 1941, khi tái lập tỉnh Langbian, Đà Lạt trở thành trung tâm của tỉnh Langbian, thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Langbian.
Giai đoạn từ năm 1916 đến Chiến tranh thế giới thứ hai, các công trình cơ sở hạ tầng của Đà Lạt cũng dần hoàn thiện. Năm 1918, nhà máy điện được xây dựng. Từ năm 1919 đến 1921, trường học, kho bạc, bưu điện và trạm xá lần lượt xuất hiện.
Những năm đầu thế kỷ XX, ở Đà Lạt chỉ có những ngôi nhà gỗ, năm 1908 mới xuất hiện ngôi nhà gạch không tô đầu tiên. Nhưng đến thập niên 1920 và 1930, hàng loạt những công trình kiến trúc quy mô lớn đã được xây dựng, như khách sạn Langbian Palace, Trường Trung học Yersin, ga Đà Lạt, dinh Toàn quyền... Giai đoạn này, các cơ sở văn hóa và giáo dục cũng bắt đầu phát triển, một số trường học như Trung học Yersin, Couvent des Oiseaux hay Thiếu sinh quân thu hút học sinh đến từ khắp Việt Nam và cả Đông Dương.
|
Đại diện UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố sáng tạo Âm nhạc” cho TP Đà Lạt. (Ảnh: TN) |
Từ chỉ có 1.500 dân cư vào năm 1923 đến năm 1944, Đà Lạt đã trở thành một đô thị hơn 25.000 dân. Năm 1938, khi nhà ga xe lửa hoàn thành, thời gian đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ, du khách tìm đến thành phố nghỉ dưỡng ngày một đông. Và đến năm 1944, Đà Lạt gần như là “thủ đô mùa hè” của Liên bang Đông Dương khi Toàn quyền và hầu hết các công sở quan trọng đều chuyển về làm việc ở đây.
Đà Lạt vào năm 1945 đã trở thành một thành phố xinh đẹp của vùng Viễn Đông, một trung tâm giáo dục quan trọng và một điểm du lịch hấp dẫn.
Hướng tới đô thị di sản thế giới
Trải qua 130 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố luôn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng phát triển TP Đà Lạt ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Từ miền đất hoang sơ được bác sĩ Alexandre Yersin khám phá cách đây 130 năm, ngày nay diện mạo của Đà Lạt đã từng bước đổi thay, kinh tế - xã hội phát triển, cơ sở kết cấu hạ tầng được quan tâm chú trọng; giao thông phát triển; trình độ dân trí ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng…
TP Đà Lạt đã trở thành thành phố du lịch nổi tiếng, thành phố Festival Hoa duy nhất của Việt Nam, là thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí của cả nước và đang trong giai đoạn xây dựng đô thị thông minh, đô thị di sản. Đà Lạt được 2 lần công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN”; là một trong những điểm đến lãng mạn nhất châu Á.
Đà Lạt không những là vùng đất có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp cho các loại nông sản phát triển mà còn là miền đất lành với thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Sự kết tinh diệu kỳ này không chỉ thể hiện ở những sản vật địa phương, mà còn là sự kết tinh về con người, về văn hóa, xã hội được duy trì qua nhiều thế hệ ở mảnh đất này. Tất cả đã xây dựng lên một thương hiệu về con người Đà Lạt “hiền hòa - thanh lịch - mến khách”.
|
Sở hữu cảnh sắc nên thơ, khí hậu mát mẻ nên Đà Lạt là địa điểm du lịch lý tưởng. (Ảnh: TN) |
Kiến trúc, văn hóa, khí hậu và cảnh quan, con người Đà Lạt chính là những kết tinh quý báu để vùng đất này trở thành một địa danh độc đáo trên bản đồ du lịch - văn hóa của Việt Nam. Đà Lạt đã và đang từng ngày giữ gìn những giá trị cốt lõi để hướng đến trở thành một đô thị di sản thế giới. Và sự phát triển song hành của hai yếu tố: bản sắc và hiện đại, đã tạo nên một bản hòa ca vĩ đại trong quá trình hội nhập và phát triển của Đà Lạt trong 130 năm qua.
Đà Lạt hôm nay tự hào với những giá trị văn hoá lâu đời, bên cạnh đó hướng đến một thành phố phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một thành phố hiện đại, thông minh, năng động, thành phố sáng tạo về âm nhạc.
Ngày 31/10/2023, TP Đà Lạt chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc - đây là niềm vinh dự và tự hào của tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng, là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Đà Lạt tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đột phá, tăng tốc nhằm xứng đáng với danh hiệu “Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO”. Và đích đến là "Phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, có bản sắc".
Hành trình Đà Lạt gia nhập thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO
Tháng 9/2022, Bộ VH,TT&DL được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO trong năm 2022. Đà Lạt được lựa chọn là một trong 8 thành phố của Việt Nam tham gia phối hợp thực hiện việc xây dựng Đề án.
Tháng 5/2022, đội ngũ các chuyên gia tư vấn của Đề án đã thực hiện các đợt nghiên cứu đánh giá tiền khả thi đối với TP Đà Lạt và nhận định lĩnh vực âm nhạc là lĩnh vực mà thành phố có lịch sử phát triển, có thành tựu và tiềm năng trở thành một lĩnh vực mang lại nhiều tác động kinh tế - văn hoá - xã hội trong thời gian tới. Ba tháng sau, UBND TP Đà Lạt đã báo cáo và nhận được sự thống nhất của UBND tỉnh Lâm Đồng về chủ trương TP Đà Lạt nộp hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới UCCN năm 2023 trong lĩnh vực âm nhạc.
Cuối tháng 6/2023, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ký Thư đề nghị UNESCO cùng hồ sơ đăng ký Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Đến ngày 31/10/2023, Trang thông tin chính thức của UNESCO công bố chính thức Đà Lạt được UNESCO vinh danh, gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc.