Đặc sắc Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tháng giêng xem hội chùa Ông/ Mà lòng nhấc nhổm chờ mong hội Bà/ Ai đi buôn bán nơi xa/ Lo về kịp hội quê nhà thường niên”. Hội Bà chính là Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn lưu truyền từ thuở cảng thị Nước Mặn còn phồn vinh đến giờ.
Chùa Bà tọa lạc tại thôn An Hòa (ảnh: Dũng Nhân).
Chùa Bà tọa lạc tại thôn An Hòa (ảnh: Dũng Nhân).

Từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Nước Mặn là một cảng thị lớn, quan trọng và sầm uất ở Đàng Trong. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào được nên cảng thị suy tàn. Do nhiều biến đổi địa chất, vị trí cảng thị Nước Mặn xưa kia bao gồm các thôn An Hòa, Lương Quang (xã Phước Quang) và thôn Kim Xuyên (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) ngày nay.

Từ những năm 1610, khi cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh, cùng với người Việt, người Minh Hương, cộng đồng các sắc tộc cư trú từ một số vùng, miền di cư đến Nước Mặn mua bán đông đúc thì chùa Bà được khởi dựng ở thôn An Hòa.

Chùa Bà nằm ở một vùng quê yên tĩnh ở huyện Tuy Phước (ảnh: Dũng Nhân).
Chùa Bà nằm ở một vùng quê yên tĩnh ở huyện Tuy Phước (ảnh: Dũng Nhân).

Chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, theo truyền thuyết là người có công cứu vớt thuyền bè mắc cạn trên biển. Tục thờ Thiên Hậu là của người Hoa. Tục thờ này khi du nhập vào Đàng Trong thì bắt gặp tục thờ Mẫu truyền thống của người Việt nên được dân tộc ta tiếp nhận.

Từ khi lập chùa Bà, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn cũng ra đời và được tổ chức tại đây. Lễ hội ra đời vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt - Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (thuộc Đèo Cả, tỉnh Phú Yên) và cứ thế duy trì cho đến ngày nay.

Chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (ảnh: Dũng Nhân).
Chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (ảnh: Dũng Nhân).

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội dân gian truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở tỉnh Bình Định. Trải qua bao đời tiếp nối gìn giữ, lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, mang tính cộng đồng cao của địa phương.

Hằng năm, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, gồm: ngày cuối tháng giêng và 2 ngày đầu tháng 2 âm lịch. Vào dịp này, người dân địa phương tự nguyện mỗi người mỗi việc tham gia vào các khâu chuẩn bị để tổ chức lễ hội trọn vẹn. Nhiều người ở xa không về được trong dịp Tết Nguyên đán thì lễ hội này họ sắp xếp về nên không khí ở địa phương luôn nhộn nhịp, đông vui.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được tổ chức vào ngày cuối tháng giêng và 2 ngày đầu tháng 2 âm lịch (ảnh: Dũng Nhân).
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được tổ chức vào ngày cuối tháng giêng và 2 ngày đầu tháng 2 âm lịch (ảnh: Dũng Nhân).

Hiện nay, nội dung cũng như hình thức Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được tổ chức phù hợp với công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Trình tự nghi lễ được các nghệ nhân cũng như các bậc cao niên ở địa phương tiến hành theo tâm thức trao truyền.

Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ mang tính đặc trưng vùng cảng thị Nước Mặn xưa như: lễ tế Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thần Hoàng làng, bà Thai sinh (bà mụ)… là những vị phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như: người đốn cây phá rừng ngập mặn, nông dân vỡ ruộng đắp bờ, ngư dân bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc… để tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất.

Đông đảo người dân, du khách đến chùa Bà cúng bái dịp Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (ảnh: Dũng Nhân).
Đông đảo người dân, du khách đến chùa Bà cúng bái dịp Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (ảnh: Dũng Nhân).

Ngoài phần lễ, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, hát tuồng, đánh bài chòi cổ, biểu diễn võ thuật, múa lân, múa cờ… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Trải qua bao biến cố lịch sử, cảng thị Nước Mặn đã trở thành một vùng quê yên tĩnh. Tuy nhiên, chùa Bà vẫn còn, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định.

Lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục trong Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (ảnh: Đình Phùng).
Lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục trong Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (ảnh: Đình Phùng).

Ngày 4/8/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch đã ban hành quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 19/2/2023, tại chùa Bà, UBND huyện Tuy Phước phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

“Huyện Tuy Phước quyết tâm xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy di sản Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trên địa bàn; tổ chức khôi phục, nhận diện các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan đến di sản và định kỳ tổ chức liên kết, giao lưu các địa phương có di sản tương đồng; xây dựng, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch”, ông Huỳnh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết.