Đặc sản ngon, “độc” Đồng Tháp Mười

Đến Đồng Tháp Mười, du khách không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú mà còn có cơ hội được thử những món ngon đặc sắc đầy hương vị đồng quê.
Nem Lai Vung
Du khách gần xa khi qua cầu bắc đến với Lai Vung sẽ mang về cho bà con mình món đặc sản đó là Nem Lai Vung là thứ nem chua làm tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Nhìn từ ngoài vào trong ta sẽ thấy nem có màu đỏ hồng tươi, được gói trong lá chuối và dùng làm món ăn trong những buổi tiệc hoặc trong bữa cơm gia đình giản dị.Chúng ta cũng có thể ăn nem bình thường khi ta thích vì nó có vị chua ngọt cay ăn vô thấy rất ngon miệng.
Nem Lai Vung không chỉ là món ăn phổ biến trong các bữa tiệc của người dân Nam bộ mà còn chinh phục cả những thực khách nước ngoài. Hương vị của nem Lai Vung đã thắm đượm trong từng lời ca dân gian khi thưởng thức món nem Lai Vung: “Lai Vung là xứ lạ lùng, nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.
Bánh phồng tôm Sa Giang
Chính từ tôm cá thiên nhiên ban tặng, người dân Sa Giang, Đồng Tháp đã chế biến ra loại phồng tôm ngon bậc nhất. Hàng chục năm qua, đặc sản nổi tiếng của Đồng Tháp là bánh phồng tôm mang thương hiệu Sa Giang, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Cũng là bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ, cộng thêm vài thành phần nguyên liệu khác, nhưng phồng tôm Sa Giang - món ngon Đồng Tháp này vẫn cứ nổi bật và khiến người ta chú ý nếu đã thử qua một lần. Nó không bị cứng, dai mà trở nên giòn, xốp. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm, béo ngậy và cay cay rất tuyệt vời.
Chuột xào xả ớt
Sau khi săn chuột về, người ta đun nước cho sôi, trụng chuột vào chảo nước, lột da cho sạch, lộ ra lớp thịt chuột trắng phau đem treo lên cho ráo nước, chặt bỏ đầu, đuôi, chân v.v.. Sau đó, chặt thịt chuột thành từng miếng vừa miệng, ướp tỏi, bột ngọt, đường, muối, ngũ vị hương, nước tương v.v. độ chừng 5 phút cho thấm. Xong đâu đó, bắc chảo lên bếp, để thật nóng, cho mỡ, phi tỏi thật vàng, thơm, đổ sả ớt giã nhuyễn vào xào liên tục đến khi se lại mới cho thịt vào đảo đều tay. Khi thịt chín múc ra dĩa, rắc tiêu, đậu phộng lên. Dùng khi thịt còn nóng thì càng ngon tuyệt.
Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất
Đồng Tháp Mười nổi tiếng có nhiều rùa, rắn. Khi bắt được rắn hổ đất, đem đập đầu cho chết, dùng nước sôi cạo vẩy thật sạch. Kế đến mổ lấy ruột gan, rồi chặt rắn thành từng khúc dài khoảng tấc tây, đem hầm cho nhừ mới vớt ra. Sau đó, đổ gạo và đậu xanh vào nồi nước hầm rắn. Cháo chín nêm nếm vừa miệng, xé thịt rắn hổ đất nhỏ như thịt gà, trộn chanh, rau răm. Múc mỗi tô cháo cho vào một ít thịt rắn, có rắc tiêu hành trộn đều, ăn đến đâu mát đến đó vì cháo đậu xanh rắn hổ đất có tác dụng làm mát gan, giải nhiệt, vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng.
Hủ tiếu Sa Đéc
Hủ tiếu Sa Đéc là 1 trong 2 thương hiệu nổi tiếng nhất phía Nam. Sợi bánh hủ tiếu mềm, không bở, không dai, không chua, thơm mùi gạo mới. Nước lèo nấu công phu bằng xương heo. Nạc băm, nạc nguyên miếng dày, tim, gan, phèo… đều làm từ heo mới xả thịt. Hành lá, ngò rí, đặc biệt “tang xại” – gia vị đặc trưng của người Tiều (Hoa) giúp tô hủ tiếu ngon thêm khi ăn với giá hẹ, cần tàu, xà lách cùng chén nhỏ xì dầu, ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Muốn no, ăn thêm giò chá quẩy.
Tắc kè xào lăn
Đây là món ăn khá phổ biến của nhân dân quanh vùng. Sau khi bắt tắc kè, người ta chặt bỏ đầu, nhúng nước sôi, cạo cho sạch lớp vảy. Trước khi ướp, chặt tắc kè ra từng mếng, ướp với đại hồi, tiểu hồi, bắc chảo phi mỡ tỏi, rồi đổ thịt tắc kè vào xào cho săn lại; sau đó vắt nước cốt dừa vào xâm xấp, chụm lửa liu riu để thịt hoà quyện với gia vị và nước cốt, nhưng đừng để lửa nóng quá sẽ mất ngon.
Hễ thấy nước cốt dừa sắc xuống, ta bắc chảo ra, rắc đậu phộng lên là xong. Thịt tắc kè thơm ngon lạ lùng, đặc biệt là phần đuôi béo ngậy, tập trung mỡ và xương sụn, bồi bổ cho ngũ tạng, lục phủ rất tốt. Nếu có thêm rượu đế nhâm nhi thì quả là không còn gì bằng!

Đọc thêm