Đại án Oceanbank: Nước mắt và sự khiêm cung

(PLO) - Chưa có phiên tòa nào lại nhiều nước mắt như phiên xử Ngân hàng Oceanbank lần này. 
Đại án Oceanbank: Nước mắt và sự khiêm cung

Mở đầu đã thấy nghệ sỹ Hồng Tứ khóc, than thân trách phận sao mình không chuyên tâm hành cái nghề mình được đào tạo lại rẽ ngang sang ngân hàng làm gì. Cuối phiên tòa cô vẫn khóc và xin hưởng sự khoan hồng vì cô quá tin vào các Tiến sỹ luật,, sau nữa là còn bố mẹ già, người anh trai bị di chứng chất độc da cam. Đây có thể coi là dẫn chứng điển hình về việc làm Giám đốc một ngân hàng mà không hiểu mình làm gì cả.

Tiếp tục, các bị cáo khác cũng khóc nhưng xúc động hơn cả là lời tự bào chữa của nguyên Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Những lời rút từ gan ruột của bị cáo này khiến sếp lớn của ông là Hà Văn Thắm mấy lần đưa tay quệt nước mắt. Nữ bị cáo – nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank khi trình bày trước tòa cũng không ít lần rưng rưng nước mắt và khiến các đồng nghiệp và thuộc cấp cũ cũng khóc theo. Khóc đồng loạt, khóc không ra nước mắt là 34 bị cáo, nguyên giám đốc các chi nhánh, chỉ vì tuân lệnh cấp trên và nghĩ rằng mình đóng góp tâm sức để ngân hàng phát triển, không ngờ lại kéo nhau ra vành móng ngựa đông đảo như vậy.

Hầu như các bị cáo, khi được trình bày trước tòa đều khóc, kể cả những người dày dặn thương trường và quan trường như Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm. Rõ ràng, đây là những giọt nước mắt thật, có phần oan uổng nhưng nhiều phần ân hận. Nước mắt nhiều đến thế chứng tỏ họ đã một thời gắn bó, trên dưới một lòng, chỉ tội đi sai đường một chút mà vướng vào vòng tố tụng.

Điều đáng ghi nhận nhất tại phiên tòa đại án này là các bị cáo không hề đổ lỗi cho nhau, thậm chí còn nhận tội thay nhau. Đó là điều khác biệt so với các phiên xử các quan chức tham nhũng trước đây, phần lớn là đổ tội cho nhau hòng chạy tội. Nét ứng xử này đã làm phiên tòa mang sắc thái nhân văn cho dù lời buộc tội có nặng nề đến đâu chăng nữa.

Và, một sự ứng xử khác, rất khiêm cung và văn hóa, đó là các bị cáo cảm ơn các vị đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa. Có lẽ rất ít phiên tòa nào có động thái này, đặc biệt lại là phiên tòa thuộc diện đại án.

Dẫu phán xử của Tòa nghiêm khắc đến đâu thì cách xử sự của Hội đồng xét xử, của các luật sư và cách thể hiện của các bị cáo đã làm cho người dự khán hoặc những người theo dõi phiên tòa từ xa xúc động và có sự đồng cảm, sẻ chia. Có thể, đây là một bước mới của tiến trình cải cách tư pháp khi Hội đồng xét xử biết lắng nghe, tuy rằng một số đề nghị của luật sư chưa được người giữ quyền công tố trả lời. Vì vậy, sự tranh tụng trước tòa được coi trọng nhưng đạt mức độ thấu đáo thì chưa.

Đã ở chốn pháp đình thì chủ yếu là lý, song phiên tòa này lại thể hiện cái tình. Về góc nhìn văn hóa ứng xử thì điều này rất đáng ghi nhận. 

Đọc thêm