Đại biểu QH và nỗi lo “bần hàn sinh đạo tặc“

(PLO) - Bản báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2014 cho thấy những tín hiệu lạc quan của sự phát triển, nhưng trên diễn đàn QH hôm nay, các ĐB vẫn còn lo lắng khi những khó khăn vẫn còn chống chất trên những khó khăn.
Đại biểu QH và nỗi lo “bần hàn sinh đạo tặc“
Dân số và câu chuyện chất lượng lao động
Trong phần phát hiểu của đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) những “gam màu nóng” đó thể hiện trong những con số về tình trạng sinh viên không tìm được việc làm, nạn gia tăng tội phạm gây bức xúc dư luận, đời sống vật chất và tinh thần một bộ phận dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn…
ĐB Nguyễn Cao Sơn kiến nghị Chính phủ kiểm soát tốt nợ công, nợ nước ngoài, kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu…
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) ghi nhận sự nỗ lực trong công tác điều hành, nên tình hình KTXH 9 tháng qua đã dần ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ĐB lo ngại về mặt khách quan, nền kinh tế của nước ta đang bộc lộ những điểm yếu: bội chi ngân sách lớn, nợ công áp trần, doanh nghiệp phá sản ngừng hoạt động, người lao động thất nghiệp; nhen nhóm hiện tượng “bần hàn sinh đạo tặc” với những vụ án hình sự cướp của giết người; tai nạn giao thông chưa giảm nhiều; y đức, y thuật, giáo dục đào tạo đều có những vấn đề nổi cộm; dư luận người dân lo lắng.
ĐB cũng lo ngại khi Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, đồng nghĩa với việc đang chuyển dần sang già hóa dân số, tương ứng là quy mô lao động không thể tăng thêm. Vì vậy đại biểu cho rằng, vấn đề tăng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng, sống còn, giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác.
Những lo ngại về năng suất lao động được ĐB thể hiện qua một mô tả khá ảm đạm khi: thủ khoa đi làm thợ mộc; kỹ sư làm xe ôm; cử nhân làm giúp việc; việc tổ chức lao động chưa khoa học, còn nhiều quản trị theo thói quen, tùy tiện; năng lực cạnh tranh chưa được chú trọng đúng mức; cạnh tranh chủ yếu bằng giá khiến nhiều DN chỉ cần giảm giá để cạnh tranh thay vì tăng chất lượng; bộ máy hành chính cồng kềnh.
Tìm đường cho nông sản
Bức xúc từ câu chuyện đầu ra trong nông nghiệp ĐB  Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) đặt câu hỏi: “Tại sao không đặt ra những định chế để phát triển sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa như các nước trên thế giới đã làm hàng trăm năm qua?”.
QH thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội
 QH thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội
Bà cho rằng pháp luật VN đang thừa những quy định mang tính tự trói buộc nhưng thiếu những biện pháp hỗ trợ người nông dân tham gia và quyết định thành quả của họ. Ví như gạo, nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh về việc tạo cơ chế cho sự độc quyền xuất khẩu phát triển nhưng chưa có biện pháp khả dĩ nào khống chế điều này. Người nông dân chưa hề có niềm vui được mùa bởi họ biết trước mắt họ là nguy cơ bị ép giá. Trong quá khứ ta đã từng có sàn giao dịch Bình Phước, sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột, trung tâm giao dịch thủy sản Cần Giờ nhưng tất cả đều nhanh chóng chết yểu mặc dù nhà nước đã đầu tư số tiền hàng trăm tỷ đồng vào đó.
Theo ý kiến của bà Huệ, đã đến lúc tìm kiếm những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực sàn giao dịch để tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền ban hành những quy định phù hợp. Chưa làm được điều này, theo đại biểu, người nông dân chưa thể có một chỗ đứng minh bạch tham gia định đoạt công khai giá cả cho sản phẩm của mình.  
“Chúng ta tự hào về xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng thực chất giá trị lợi nhuận mang lại không lớn; người nông dân làm ra những mặt hàng nông sản còn gặp nhiều khó khăn; tham gia kết nối cung cầu yếu kém thì việc đứng đầu thế giới không có ý nghĩa gì”- bà nói. 
Cũng phản án những lo lắng về nền nông nghiệp, ĐB Đinh Thị Phương cảnh báo tình trạng ở ĐBSCL: Điệp khúc được mùa mất giaá do thiếu liên kết, nhất là liên kết vùng, chưa có dự báo cung- cầu hợp lý, chưa phát huy lợi thế so sánh giữa các địa phương, thiếu liên kết giữa nông dân-nông dân, nông dân- doanh nghiệp.
Do đó, đại biểu cho rằng cần có giải pháp thật căn cơ, tăng liên kết vùng và lãnh thổ, phát huy vai trò động lực và lợi thế của các địa phương cũng như công tác dự báo thị trường
Cho rằng chỉ số cạnh tranh của các ngành hàng nông sản còn thấp, đại biểu đề nghị Chính phủ cần dành khoản ngân sách thỏa đáng để nghiên cứu về giống và chuyển đổi khoa học công nghệ, đặc biệt là sau thu hoạch; cần có giải pháp mạnh tay hơn trong khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và nông nghiệp.
ĐB cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp không phát triển như mong muốn là do công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực Tam Nông còn kém. Lấy ví dụ về phân bón giả, kém chất lượng tràn lan nhưng ít khi thấy doanh nghiệp bị xử lý. 
ĐB  đề nghị cần rà soát lại chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để chính sách thực sự là cú hích cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.
Chính sách ngư dân và câu chuyện chủ quyền trên biển
Trên lĩnh vực đối ngoại, ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La)  cho rằng: Mặc dù với nhiều thách thức nảy sinh, hoạt động đối ngoại trong năm đạt nhiều kết quả tích cực nổi bật là lập trường của Việt Nam trong các quan hệ, diễn đàn quốc tế và vấn đề Biển Đông đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều Chính phủ, Nghị viện trên thế giới. Các điều ước, thỏa thuận quốc tế đặc biệt các Hiệp định thương mại tự do đã được đàm phán hứa hẹn sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Về phương hướng và giải pháp, ĐB đề nghị Chính phủ cần quan tâm rà soát các điều ước quốc tế như các hiệp định, hiệp ước, thỏa thuận và đánh giá lại hiệu quả triển khai nội dung trong các điều ước này; đồng thời cần định hướng cụ thể đối với các ngành và địa phương khi tham gia ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác trên cơ sở tương quan về năng lực, khả năng của ngành và địa phương trong nước để đảm bảo cho những ký kết được triển khai có thực chất, làm lợi cho địa phương, cho đất nước, đạt được các mục tiêu của hoạt động đối ngoại.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng thực trạng đất nước đang hiện hữu nhiều khó khăn, yếu kém, nhất là các ngành sản xuất vật chất. Nhiều chuyên gia và các nhà kinh tế đều bình luận về động lực của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đã không còn dư địa. Những bài học tổng kết từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI giờ vẫn còn tính thời sự, bài học lấy dân làm gốc, bài học tôn trọng thực tế và quy luật khách quan, bài học phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.
Nhấn mạnh đến ngư dân trong trình hình chính trị vẫn còn rất nhạy cảm, theo đại biểu, tại kỳ họp này, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra đều đề cập đến ngư dân rất khiêm tốn và mờ nhạt. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội dành 16.000 tỷ đồng để tăng cường đầu tư bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đã thực hiện như thế nào, chưa thấy báo cáo nào của Chính phủ gửi đến Quốc hội.
“Cử tri là ngư dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tích cực hơn, quyết liệt hơn nữa trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện một chính sách quá đúng đắn, quá hợp lòng dân. Chính phủ cần báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết dành 16.000 tỷ đồng để bảo vệ chủ quyền trên biển.” ông nói./.

Đọc thêm