Dấu hiệu tội phạm sau một bản hợp đồng giả mạo

(PLO) - Công ty Vĩnh Tường tìm cách chối bỏ việc đã vay số tiền bằng 10 triệu USD của Công ty Orient, nhưng những chứng cứ mà Công ty Vĩnh Tường đưa ra lại trở thành bằng chứng có thể kết tội chủ nhân Công ty này về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Khách sạn Wooshu
Khách sạn Wooshu
Bà Linda Tan Woo tự buộc tội mình?
Trong bài báo trước, Báo Pháp luật Việt Nam đã vạch rõ trò “tố cáo bẩn” của bà Linda Tan Woo nhằm đẩy ân nhân vào vòng tù tội với mục đích chiếm luôn khoản tiền đã vay của Công ty Orient. Tuy nhiên, sau khi điều tra rõ thì Công an tỉnh Đồng Nai đã không thể thay đổi sự thật mà gán tội cho chị Nguyễn Thị Bích Hạnh do việc Công ty Vĩnh Tường vay tiền để trả nợ đã rõ như ban ngày. Do đó, vụ việc đã khép lại mà không có một oan án xảy ra đối với chị Hạnh.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến việc vay tiền của Công ty Vĩnh Tường, Công ty này đã một mực chối bỏ việc vay khoản tiền khổng lồ bằng 10 triệu USD. Nhưng điều bất ngờ hơn là chính những bằng chứng mà Công ty Vĩnh Tường đưa ra trước tòa để chối bỏ nghĩa vụ lại chứng minh chủ nhân của Công ty này có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền đã vay.
Để khẳng định việc không vay 10 triệu USD của Công ty Orient, Công ty Vĩnh Tường đã xuất trình một hợp đồng hợp tác kinh doanh trò chơi đánh bạc với Công ty Orient. Trong bản hợp đồng hợp tác kinh doanh mà Công ty Vĩnh Tường đưa ra thì Công ty Orient góp vốn bằng 12 triệu USD để kinh doanh trò chơi đánh bạc. 
Trong đơn gửi Báo Pháp luật Việt Nam và các đơn đề nghị giám đốc thẩm, bà Linda Tan Woo tiếp tục khẳng định Công ty Vĩnh Tường nhận 11 triệu USD từ Công ty Orient là nhận tiền theo hợp đồng hợp tác kinh doanh trò chơi đánh bạc chứ không phải là vay tiền.
Nhưng, nếu đúng như bà Linda Tan Woo khẳng định việc nhận 11 triệu USD là xuất phát từ việc hợp tác kinh doanh trò chơi đánh bạc thì những chứng cứ mà Công ty Vĩnh Tường đưa ra trở nên “nguy hiểm” với chính chủ nhân của Công ty này. 
Theo đánh giá của HĐXX cấp phúc thẩm, tính đến thời điểm xét xử phúc thẩm là ngày 14/10/2013, Công ty Vĩnh Tường chưa có giấy phép kinh doanh trò chơi đánh bạc và thực tế đến cả thời điểm này, Công ty này chưa bao giờ có dự án kinh doanh sòng bạc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.
Với thực tế như trên thì việc Công ty Vĩnh Tường khẳng định rằng Công ty có giấy phép kinh doanh sòng bạc để ký hợp đồng với Công ty Orient và nhận tiền của họ (như Công ty Vĩnh Tường khẳng định) thì rõ ràng là có hành vi gian dối.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vậy, nếu bản hợp đồng “hợp tác kinh doanh” sòng bạc là có thật thì có lẽ đây là bằng chứng tố cáo chính bà Linda Tan Woo. Vì, sau khi nhận khoản tiền bằng 11 triệu USD của Công ty Orient, toàn bộ số tiền này đã được Công ty Vĩnh Tường đem trả nợ hết cho ngân hàng Nam Á, 1 triệu USD còn lại thì đã được chị Nguyễn Thị Bích Hạnh trả lại cho Công ty Orient. Công ty Vĩnh Tường đã không sử dụng một xu nào để đầu tư cho dự án sòng bạc. 
Với việc Công ty Vĩnh Tường sử dụng tiền đầu tư sòng bạc của Công ty Orient chuyển để trả nợ thì Công ty Vĩnh Tường đã hoàn tất một phi vụ gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. 
Sự nói dối nào cũng có đường cùng…
Trong các đơn gửi cấp có thẩm quyền đề nghị can thiệp để Tòa án Tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm, bà Linda Tan Woo tiếp tục che giấu sự thật về việc vay tiền trả nợ Ngân hàng Nam Á bằng việc đưa ra bản hợp đồng hợp tác kinh doanh sòng bạc nêu trên. 
Trường hợp này, nếu tin bà Linda Tan Woo thì có lẽ cơ quan nhận đơn phải chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra làm rõ sự thật Công ty Vĩnh Tường có giấy phép kinh doanh sòng bạc hay không, và việc sử dụng tiền đầu tư sòng bạc của đối tác để trả nợ có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không, như thế mới đúng pháp luật.
Nhưng sự thật chỉ có một và sự nói dối nào cũng có đường cùng. Chính Công ty Orient, “đối tác kinh doanh sòng bạc” của bà Linda Tan Woo đã thẳng thừng bác bỏ bản hợp đồng mà bà Linda Tan Woo đưa ra và cho rằng đây là hợp đồng giả tạo. 
Đại diện Công ty Orient cũng khẳng định rằng không hề có chuyện hợp tác kinh doanh sòng bạc với Công ty Vĩnh Tường, một doanh nghiệp chưa được cấp phép kinh doanh sòng bạc, mà theo quy định của pháp luật Việt Nam thì trò đánh bạc vẫn bị cấm dưới mọi hình thức. 
Theo ông Victo Wong, đại diện theo pháp luật của Công ty Orient thì Công ty Vĩnh Tường đã làm giả bản hợp đồng để tạo chứng cứ giả dối nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ đối với khoản tiền đã vay cũng như nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Khách sạn Wooshu). 
Hành vi giả mạo của Công ty Vĩnh Tường đã xâm hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của Công ty Orient. Đại diện Công ty Orient cũng khẳng định đã ủy quyền cho đại diện tại Việt Nam ký hợp đồng cho Công ty Vĩnh Tường vay tiền để trả nợ Ngân hàng Nam Á.  
Không chỉ đại diện Công ty Orient khẳng định các bản hợp đồng hợp tác kinh doanh sòng bạc mà Công ty Vĩnh Tường đưa ra là giả tạo mà Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng đã thực hiện việc giám định chữ ký trên các bản hợp đồng này và kết luận chữ ký của đại diện Công ty Orient trong bản hợp đồng này không phải là chữ ký thật. Người có tên trong hợp đồng cũng không phải là người đại diện của Công ty Orient.
Việc giả mạo hợp đồng hợp tác kinh doanh sòng bạc đã “rõ hơn ban ngày” và đã được phơi bày trước hai Hội đồng xét xử. Thế nhưng, trong các đơn đề nghị giám đốc thẩm và đơn gửi Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà Linda Tan Woo tiếp tục đưa bằng chứng giả tạo này ra để chứng minh cho việc không phải trả số tiền bằng 10 triệu USD đã vay, chưa kể lãi. Phải chăng do đây là số tiền quá lớn nên bà Linda Tan Woo và Công ty Vĩnh Tường đã không từ bỏ việc tìm mọi cách để không phải trả khoản tiền này, kể cả việc mạo hiểm nói dối và chấp nhận cả những lời nói dối đó có thể trở thành chứng cứ buộc tội?
Luật sư Trần Việt Hùng: 
Có dấu hiệu vi phạm luật hình sự
Nếu bản hợp đồng hợp tác kinh doanh là thật thì việc gian dối về chức năng kinh doanh sòng bạc để nhận tiền, sau đó đem tiền đó đi trả nợ có thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nếu bản hợp đồng đó là giả thì việc sử dụng tài liệu giả để chối bỏ trách nhiệm trả nợ có thể cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Đọc thêm