Đại biểu Quốc hội 3 đặc khu tương lai nói gì trước Quốc hội?

(PLO) -Nghị trường Quốc hội chiều qua "nóng" bởi những tranh luận xung quanh dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu). Là đơn vị chịu tác động trực tiếp, 3 Đại biểu Quốc hội của 3 tỉnh có thể hình thành đặc khu trong tương lai đề xuất bổ sung một số ngành nghề ưu tiên...
Toàn cảnh kỳ họp Quốc hội lần thứ 5

Đại biểu Quảng Ninh mong muốn thông qua Luật Đặc khu

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Quảng Ninh nói cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật và xin được tham gia một số nội dung:

Thứ nhất, bà Lan đề nghị bổ sung thêm ngành nghề ưu tiên phát triển ở Vân Đồn là y tế, giáo dục đào tạo, công nghệ sáng tạo và chống biến đổi khí hậu. Đây là những ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng lợi thế so sánh và điều kiện thực hiện của Vân Đồn.

“Về phát triển ngành nghề y tế, giáo dục và đào tạo có ý nghĩa cả về lĩnh vực kinh tế và có ý nghĩa về lĩnh vực xã hội, cần thiết quy định những cơ chế chính sách để ưu tiên phát triển cho cả 3 đặc khu. Về công nghiệp sáng tạo và chống biến đổi khí hậu là xu hướng phát triển mới của thế giới”,đại biểu đoàn Quảng Ninh nói. 

Đại biểu Đỗ Thị Lan 

Về cơ chế hỗ trợ nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho đặc khu theo bà Lan  quy định như trong dự thảo Luật là chưa rõ về mức hỗ trợ, về thời gian hỗ trợ và quy trình thủ tục tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư hạ tầng của đặc khu. 

Đại biểu nói: “Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh quy định cụ thể hơn mức bổ sung ngân sách nhà nước đầu tư có mục tiêu cho các đặc khu trong những năm đầu rõ hơn về mức hỗ trợ, về thời gian hỗ trợ và có thể quy định theo tỷ lệ trên tổng mức đầu tư”.

Đại biểu Lan cũng đề nghị điều chỉnh theo hướng giảm thời hạn giải ngân vốn bởi vì Chủ tịch đặc khu đã tiến hành thu hồi đất và giao mặt bằng đất cho nhà đầu tư, do vậy thời gian để hoàn thành giải ngân dự án đầu tư thì vốn đầu tư có thể rút ngắn hơn.

Đại biểu đoàn Quảng Ninh cho biết, tới nay Quảng Ninh đã đầu tư 150km đường cao tốc kết nối thuận lợi giữa Hạ Long với Vân Đồn, cũng như với Hải Phòng, Hà Nội để rút ngắn thời gian, khoảng cách về giao thông, xây dựng cầu Bạch Đằng, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và tiếp tục chuẩn bị cho khởi công đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng số vốn đầu tư các dự án hạ tầng trên địa bàn lên tới gần 100.000 tỷ: “Vì vậy, chúng tôi đề nghị Quốc hội sẽ thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 5 và để kỳ họp thứ 6 có thể có nghị quyết để ban hành thành lập 3 đặc khu kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới”, đại biểu kết thúc lời phát biểu. 

Đại biểu đoàn Kiên Giang mong muốn bổ sung ngành nghề ưu tiên

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang cũng cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đặc khu, đồng tình với quyết định sẽ thông qua dự án luật tại kỳ họp này song cần hoàn hoàn thiện một số nội dung.

Bà Bé đề nghị với Phú Quốc, ngoài các ngành nghề ưu tiên thì nơi đây còn được Thủ tướng quy hoạch là vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với gần 3.000 ha, đây là khu vực đất đa phần là sở hữu của người dân.

Vẫn theo nữ đại biểu này, nếu ngành nghề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đưa vào ngành nghề ưu tiên người dân sẽ mạnh dạn đầu tư và trực tiếp hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi này. Vì chính sách này không phải nhằm thu hút nhà đầu tư mà tạo điều kiện để dân đảo trực tiếp tiếp cận chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang

Liên quan tới ngành nghề ưu tiên, bà Bé đề nghị bổ sung dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng tầm quốc tế, đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư và là cơ hội để phát triển kinh tế đất nước. 

Về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND đặc khu, đại biểu đoàn Kiên Giang không đồng tình với quy định số lượng gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch: “Quy định như dự thảo tôi cho rằng không có cơ chế tự chủ cho Chủ tịch UBND đặc khu, cũng chưa tạo ra chính sách vượt trội, linh hoạt cho người đứng đầu”, đại biểu nêu ý kiến.

Khánh Hòa đề nghị bổ sung ngành nghề công nghệ cao

Đại biểu Lê Xuân Thân - đoàn Khánh Hoà nhất trí với nội dung đã trình. Liên quan đến quy định về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh. Đại biểu Thân nói chỉ nên đặt vấn đề 99 năm đối với những trường hợp thật đặc biệt và quy trình này phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định một cách thận trọng. 

Ông Thân đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát kỹ lại và quan tâm các quy định về thủ tục hành chính sao cho gọn nhẹ, nhanh nhưng quản lý Nhà nước một cách hiệu quả. Đặc biệt, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Đại biểu Lê Xuân Thân - đoàn Khánh Hoà 

Liên quan tới đặc khu Bắc Vân Phong, đại biểu Thân cho biết tới giờ này Khánh Hòa cùng với các bộ, ngành Trung ương đã chuẩn bị đầy đủ và tất cả các nội dung liên quan đã trình và đang chờ ý kiến: “Tuy nhiên những ngành nghề ưu đãi của Khánh Hòa, trong đó chúng tôi có văn bản đề nghị nhiều lần và lần này cũng tiếp tục đề nghị nên cho Bắc Vân Phong có ưu đãi ngành nghề về công nghệ cao vì đây cũng là một trong những nội dung rất cần thiết”, ông Thân nói. 

Đọc thêm