Đại biểu quốc hội phản đối dỡ trạm thu phí dựng cổng chào

Các đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia đều phản đối “sáng kiến” dựng cổng chào ngay tại trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long  theo như đề xuất của Hà Nội!

Các đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia về xây dựng, văn hóa đều phản đối  “sáng kiến” dựng cổng chào ngay tại trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long  theo như đề xuất của Hà Nội!

TIN LIÊN QUAN
Đặt cổng chào Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài "không có ý nghĩa lịch sử"

Chọn trạm thu phí là chưa hợp lý!

Theo đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội), việc dựng cổng chào trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài cũng hợp lý vì đó là trục đường từ sân bay quốc tế vào Thủ đô. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng chọn vị trí trạm thu phí hiện nay để làm cổng chào lại chưa hợp lý. Bởi, thứ nhất, cổng chào phải  nhìn được từ xa nhưng trước trạm thu phí lại là một cầu vượt nên sẽ che khuất cổng chào nếu dựng tại vị trí đó. Thứ hai, khi quyết định trạm thu phí là đã tính toán đến khả năng thu phí của các phương tiện đi lại, nếu di dời có thể làm ảnh hưởng đến giá trị kinh tế. Do đó, có thể làm cổng chào lùi lại sau trạm thu phí cũng có thể phát huy tác dụng.

Trong khi đó, một đại biểu (xin được giấu tên) lại băn khoăn cho rằng, dựng cổng chào cũng cần thiết nhưng có thể chọn một vị trí khác trên trục đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, gần trạm thu phí hơn là dỡ bỏ trạm thu phí. Dỡ bỏ hoặc di dời trạm thu phí đều ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, thậm chí sẽ lãng phí nếu phải xây trạm thu phí khác.

Cũng theo đại biểu này, nếu cần thì nên dựng cổng chào để phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chứ không làm cho lâu dài vì có nhiều hướng để vào Hà Nội, không chỉ có đường Bắc Thăng Long – Nội Bài. Do đó, một cổng chào ở đây sẽ là chưa đủ. Nếu cần một công trình để đón tiếp vào Hà Nội thì phải được thiết kế như một khải hoàn môn trên trục Thăng Long (như đồ án qui hoạch chung Hà Nội đang trình Quốc hội). “Tôi đi thấy các nước đều làm như vậy!” – đại biểu nói.

Không có ý nghĩa lịch sử

Ở góc độ chuyên môn, Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, mục đích đặt cổng chào để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đón ai thì đặt ở vị trí thích hợp để đón người đó. Nếu nói đón khách sân bay thì đặt gần sân bay Nội Bài, còn như đón tất cả khách vào Hà Nội bằng đường Thăng Long – Nội Bài thì có thể vị trí ở Quang Minh (Khu công nghiệp Quang Minh – PV) sẽ đón được tất cả các khách về từđường số 2 và các hướng khác…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và Phát triển (Đại học Hà Nội) cho rằng, việc dựng cổng chào để mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long có mấy vấn đề, như thành Thăng Long cũ có thể hình dung đó là La Thành được xây từ đời Đường, sau này được Lý Công Uẩn chọn làm kinh đô.

Chúng ta lấy sự kiện 1.000 năm Thăng Long là gắn với việc dời đô, vậy tại sao lại đặt cổng chào ở nơi chưa bao giờ liên quan đến sự kiện dời đô đó? Nếu lấy trục đường ra cảng sân bay Nội Bài làm cổng chào thì không đầy đủ lắm. Chúng ta biết một cách đơn giản nhất là nhà Lý đi từ Ninh Bình đến Hà Nội, đi từ Nam ra Bắc. Để kỷ niệm sự kiện 1.000 năm Thăng Long thì chắc chắn phải từ cửa ngõ phía Nam của thành phố.

“Đặt cổng chào ở đường Bắc Thăng Long – Nội Bài vì có thể người ta cho rằng đường rộng, khách vào Hà Nội nhiều nên dễ nhìn thấy đầu tiên. Nếu như vậy chỉ giải quyết được một chuyện là đông khách vào và nhìn thấy Hà Nội, còn đạt được ý nghĩa lịch sử nào về 1.000 năm Thăng Long thì tôi không nhìn thấy ở đây”, ông Vịnh nói.

Cũng theo ông Vịnh, nếu như Hà Nội không sử dụng trạm thu phí đó, và khi trạm thu phí đó phá đi có thể thành phố muốn tận dụng lại để làm cổng chào. Thực tế mà nói thì làm một cổng chào đơn giản sẽ không tốn kém bao nhiêu cả.

Còn nếu như trạm thu phí đang hoạt động mà “ông nói dừng lại để làm cổng chào” thì đó là hai việc hoàn toàn khác nhau, chẳng liên quan gì nhau. “Có thể người ta giải thích rằng tận dụng trạm thu phí để tiết kiệm kinh phí, nhưng tôi cho rằng điều này là không đúng. Chẳng qua làm như thế để tiện việc cho họ, đó là cách nghĩ  hơi tùy tiện” – ông Vịnh phân tích – “Trạm thu phí vẫn phải hoạt động bình thường nếu như Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục thu để đảm bảo cho việc đầu tư cho các con đường khác, vì vậy nó phải hoạt động độc lập. Muốn làm cổng chào thì phải làm chỗ riêng. Cách làm của chúng ta bây giờ là theo kiểu ăn theo, tiện thể rồi làm, cái này là điều hoàn toàn không nên”.

“Làm gì có chuyện ông đi mượn cổng nhà khác để đi nhờ làm lễ, trong khi đó ông có bao nhiêu là địa điểm, bao nhiêu là cổng, thiếu gì cách mà cứ lấy trạm thu phí để dựng cổng chào”, ông Vịnh ví von.

“Tôi không rõ vì sao Hà Nội lại chọn đúng địa điểm trạm thu phí để làm cổng chào và cũng không rõ tại sao doanh nghiệp lại không đồng tình với đề xuất của Hà Nội nên cũng khó nêu quan điểm. Tuy nhiên, theo tôi, việc chỉnh trang Thủ đô chào mừng Đại lễ là nên làm, nhưng cần tránh phô trương, lãng phí” - ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết.

Việt Hưng - Hương Giang

Đọc thêm