Sửa Luật Hôn nhân và Gia đình để phù hợp xu thế mới

(PLO) - Ngày 23/12, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) (sửa đổi) tại các tỉnh, thành phía Nam. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng - Phó Trưởng ban soạn thảo - chủ trì Hội nghị.
Sửa Luật Hôn nhân và Gia đình để phù hợp xu thế mới
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Luật HNGĐ năm 2000 đã bộc lộ những hạn chế và bất cập như độ tuổi kết hôn của nam và nữ; nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, chung sống của những người đồng giới tính, mang thai hộ,…
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết: “Trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động tích cực và tiêu cực, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về mặt văn hóa, xã hội. Gia đình với tư cách là tế bào của xã hội cũng không tránh khỏi sự tác động đa chiều đó. Gia đình hạt nhân (hai thế hệ) đang dần thay thế cấu trúc gia đình truyền thống (nhiều thế hệ). Việc đề cao vai trò của cá nhân trong gia đình đã làm cho sự gắn kết giữa cha, mẹ, con và giữa các thành viên khác có xu hướng giảm sút, sự thiếu bền vững về hôn nhân, quan hệ sở hữu, giao dịch được thực hiện không chỉ nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình mà còn nhằm mục đích kinh doanh, thương mại ngày càng phổ biến, một số quan niệm mới về hôn nhân, gia đình ở nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam và gây ra nhiều hệ lụy khác nhau…”.
Dự thảo Luật HNGD sửa đổi gồm 135 điều, được bố cục thành 9 chương, so với Luật HNGĐ năm 2000 thì Dự thảo Luật đã sửa đổi 62 điều, bổ sung mới 54 điều. Có 14 điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật so với Luật HNGĐ năm 2000 như: Bảo vệ, hỗ trợ những nhóm người yếu thế trong HNGĐ; bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong HNGĐ như bạo lực gia đình, ly thân giả tạo, cản trở kết hôn, cản trở ly hôn, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, lựa chọn giới tính, sinh sản vô tính…; áp dụng các tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của chế độ HNGĐ Việt Nam…; nam nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì được kết hôn…; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập; bổ sung quy định giải quyết việc ly thân theo yêu cầu của vợ chồng… 
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể và chặt chẽ về các điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quyền và nghĩa vụ của con dâu, con rể, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, quyền và nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; đồng thời Dự thảo Luật bổ sung các quy định về xác định cha, mẹ, con, cấp dưỡng, giải quyết quan hệ nam nữ chung sống như vợ chồng, chung sống giữa những người đồng giới, ly thân có yếu tố nước ngoài…

Đọc thêm