Theo tài liệu mật trong loạt bài điều tra của Đài Al Jareeza, đơn xin quốc tịch của bà Nguyễn Phan Diệu Phương cùng chồng là ông Quốc được Bộ Nội vụ Cộng hòa Cyprus thông qua ngày 12/12/2018. Trả lời báo chí sau đó, ông Quốc thừa nhận có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018, tuy nhiên quốc tịch này là “do gia đình bảo lãnh”.
Cơ quan chức năng TP HCM sau đó đã chính thức thông tin về sự việc. Ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP, khẳng định tháng 2/2018, ông Quốc có quốc tịch thứ hai nhưng không báo cáo tổ chức, thể hiện sự không gương mẫu, không chấp hành quy định của Đảng và tổ chức.
Ông Thắng thông tin, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ họp và báo cáo Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Quốc.
Riêng việc xử lý về mặt Đảng, trong tháng 9/2020, tổ chức sẽ làm việc với ông Quốc, đối chiếu với các quy định của Đảng để xem xét trách nhiệm của người đảng viên.
Với chức vụ tại Công ty IPC, lãnh đạo TP chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu và có quyết định đình chỉ chức vụ TGĐ của ông Quốc. Ngoài ra, sẽ giao đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm của ông Quốc khi công tác tại Cty Đầu tư tài chính nhà nước TP và tại IPC để giải quyết trách nhiệm ông Quốc trước khi có quyết định cho thôi việc.
Theo đề nghị của nhiều bạn đọc, PLVN đã có cuộc nói chuyện với bà Vũ Thị Thảo (Trưởng Phòng Quản lý Quốc tịch; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Bộ Tư pháp) để tìm hiểu các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 có quy định “nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam”. Bà có thể giải thích cụ thể quy định này?
- Nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam được nêu rõ tại Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Theo đó, “Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác”.
Đây được coi là nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt của pháp luật quốc tịch Việt Nam từ 1945 đến nay, được thể hiện trong Luật Quốc tịch các năm 1988, 1998 và 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014). Trải qua các thời kỳ khác nhau, nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam luôn được hiểu, áp dụng và thực hiện thống nhất.
Vậy cụm từ “trừ trường hợp luật này có quy định khác” nghĩa là gì?
- Việc Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 có bổ sung cụm từ “trừ trường hợp luật này có quy định khác” vào cuối Điều 4 không làm ảnh hưởng đến nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam, mà chủ yếu nhằm dẫn đến những trường hợp ngoại lệ Luật cho phép có thêm quốc tịch nước ngoài.
Trường hợp thứ nhất, người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam “thuộc trường hợp đặc biệt” được Chủ tịch nước cho nhập, cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài (khoản 3 Điều 19 và khoản 5 Điều 23 Luật năm 2008). Ở đây cần lưu ý, người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải thuộc trường hợp đặc biệt và được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài.
Trong đó, để được coi là trường hợp đặc biệt, thì người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 9 và Điều 14 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch.
Trường hợp thứ hai, trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam (không bị mất quốc tịch nước ngoài), kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi (khoản 2 Điều 37 Luật Quốc tịch).
Trường hợp thứ ba, do lịch sử để lại nên hiện nay cũng có những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời có quốc tịch nước ngoài (mà không mất quốc tịch Việt Nam). Đó là do pháp luật Việt Nam không có quy định về việc công dân bị mặc nhiên mất quốc tịch Việt Nam khi có quốc tịch nước ngoài, đồng thời pháp luật nước ngoài cũng không bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam, do vậy dẫn đến trường hợp có hai quốc tịch.
Làm thế nào để xác định một người có phải là công dân Việt Nam hay không?
- Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia (đối với dân cư) trong quan hệ quốc tế, muốn xác định một người có quốc tịch của mình hay không, thì phải do pháp luật của chính quốc gia đó quy định và do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó xác định. Cho nên, việc xác định một người có phải là công dân Việt Nam hay không, thì phải căn cứ vào pháp luật Việt Nam và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam xác định.
Tôi xin nói rõ, không nên hiểu và giải thích Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam theo nghĩa Nhà nước Việt Nam công nhận hai quốc tịch, để từ đó phủ nhận hay làm vô hiệu hóa nguyên tắc một quốc tịch của Luật Quốc tịch.
Đặc biệt là tại Điều 5 Nghị định 16/2020/NĐ-CP đã khẳng định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”.
Xin cảm ơn bà!
“Nguyên tắc Nhà nước “công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”, trừ trường hợp luật có quy định khác, là vấn đề lớn, cốt lõi của Luật Quốc tịch.
Từ lần xây dựng Luật đầu tiên năm 1988, đến các lần sửa đổi, bổ sung sau đó và Luật hiện hành, quá trình soạn thảo đều tính đến phương án “một quốc tịch cứng” nhưng bàn đi bàn lại thì thấy khó.
Do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người Việt Nam đã ra nước ngoài sinh sống và có quốc tịch nước ngoài. Nếu quy định cứng như vậy thì bà con mất quốc tịch gốc, rất nặng nề. Vậy nên sau nhiều lần sửa đổi thì Luật giữ ổn định quốc tịch gốc cho bà con.
Ngoài ra, cũng như nhiều nước, Luật quy định những trường hợp người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch gốc.
Như vậy, có thể hiểu về cơ bản vẫn áp dụng nguyên tắc “một quốc tịch” với tuyệt đại đa số người dân trên lãnh thổ Việt Nam”.
(Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực)