Đại diện Kusto: “Chúng tôi không thâu tóm Coteccons“

(PLVN) - Nếu thâu tóm nghĩa là thay đổi người điều hành doanh nghiệp, vậy thì chúng ta phải tự hỏi ai là người có quyền thay đổi người điều hành doanh nghiệp? Đó là cổ đông, và đã là cổ đông thì luật pháp Việt Nam không phân biệt cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài có quyền cổ đông khác nhau, Kusto cho hay.
Đại diện Kusto: “Chúng tôi không thâu tóm Coteccons“

Ngày 2/6, Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) đã công bố bắt đầu việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường của Xây Dựng Coteccons (CTD) để cổ đông Coteccons có thể biểu quyết về việc thay đổi HĐQT hiện tại, bầu ra HĐQT mới và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong cái gọi là "Coteccons Group" từ thời điểm năm 2017.

Bên cạnh đó, Kusto cũng khẳng định sẽ yêu cầu các thành viên điều hành chủ chốt từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons.

Sau đó, trong thông báo phát đi ngày 3/6/2020, Tổng Giám đốc Coteccons đã bác bỏ toàn bộ lập luận của Kusto là vô căn cứ, không có cơ sở pháp lý.

Ông Bolat Duisenov, đại diện được ủy quyền của Kustocem PTE. LTD, một trong những cổ đông lớn nhất của Coteccons, từng là thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2015-2017) của Coteccons chia sẻ về sự kiện chưa từng có tiền lệ tại thị trường đầu tư Việt Nam.

Kusto thông báo đã tiến hành các thủ tục để tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cho Coteccons. Việc triệu tập này dựa trên cơ sở nào?

Hiện Kusto nắm giữ 17,55% cổ phần đang lưu hành của Coteccons (18,23% nếu trừ đi cổ phiếu quỹ) trong hơn 6 tháng liên tiếp, và do đó, Kusto với tư cách là một cổ đông đủ điều kiện và có quyền, căn cứ vào điều 114.3 của Luật Doanh nghiệp Việt Nam và Điều 11.3 của Điều lệ Coteccons, Kusto có quyền thay mặt Coteccons tiến hành các thủ tục để tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường sau khi HĐQT và Ban Kiểm Soát của Coteccons lần lượt không tiến hành việc tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông trong thời hạn quy định.

"Đây là lựa chọn cuối cùng cho chúng tôi sau nhiều năm cố gắng giải quyết trong nội bộ các vấn đề liên quan tới xung đột lợi ích và sự điều hành không minh bạch của HĐQT và Ban Giám đốc hiện tại của Coteccons", vị này nói thêm.

Nếu Kusto chỉ nắm giữ 17,55% cổ phần tại Coteccons, ông có ý thức về cách các cổ đông khác sẽ phản ứng với hành động này không?

Chúng ta chỉ có thể biết được khi ĐHĐCĐ bất thường thực sự diễn ra, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng yêu cầu của chúng tôi là hợp pháp, minh bạch và chính đáng. Hành động này là vì lợi ích của tất cả các cổ đông của Coteccons (hoặc ít nhất là những cổ đông không liên quan đến quyền lợi của HĐQT/BGĐ hiện tại của Coteccons). Vì vậy, Kusto cảm thấy sẽ nhận được sự ủng hộ cần thiết của các cổ đông.

Kusto đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để thay mặt Coteccons tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường bằng các quyền hợp pháp của mình theo luật pháp hiện hành, Điều Lệ của Coteccons và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi tin tưởng các cổ đông khác sẽ nhận thấy rõ những sai phạm của các thành viên liên quan của HĐQT/Ban Giám đốc hiện tại và sẽ hành động đúng đắn bằng việc thực hiện quyền bỏ phiếu của mình để cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho Coteccons.

Ông Bolat Duisenov, đại diện được ủy quyền của Kustocem PTE. LTD.

Ông Bolat Duisenov, đại diện được ủy quyền của Kustocem PTE. LTD.

Trong thông báo phát đi ngày 3/6/2020, Tổng Giám đốc Coteccons đã bác bỏ toàn bộ lập luận của Kusto là vô căn cứ, không có cơ sở pháp lý. Coteccons cũng khẳng định các báo cáo kinh doanh đã được kiểm toán Big 4 (PwC, KPMG, EY, Deloitte). Ông bình luận gì về điều này?

Trên thực tế Ban Giám đốc Coteccons đã vô hiệu hóa hoàn toàn hoạt động của Ban Kiểm soát cũng như Kiểm toán nội bộ. Vào tháng 8/2019, Kusto đã cùng với một số cổ đông khác yêu cầu kiểm toán đặc biệt hoạt động của Coteccons từ năm 2017 nhưng mọi yêu cầu hợp pháp của chúng tôi đều bị Ban Giám đốc và HĐQT từ chối.

Đối với việc kiểm toán qua Big 4, "Kiểm toán Big 4 là kiểm toán báo cáo tài chính, trong đó kiểm toán viên đưa ra ý kiến về việc báo cáo tài chính "phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính hợp nhất" của Coteccons vào ngày cuối của năm tài chính cũng như kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và tình hình lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cho năm tài chính kết thúc cùng ngày và phù hợp với các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam. Kiểm toán Big 4 không đưa ra nhận định về sự minh bạch cũng như đánh giá về vấn đề quản trị doanh nghiệp cũng như mâu thuẫn lợi ích. Đó là nhiệm vụ của Ban Kiểm soát và Kiểm toán nội bộ".

Liên quan đến việc Tổng Giám đốc Coteccons cáo buộc hành động của Kusto là một hình thức thâu tóm và phá hoại, ông có chia sẻ gì?

Thứ nhất, Kusto khẳng định "chúng tôi không thâu tóm". Nếu quan sát thị trường đầu tư Việt Nam sẽ thấy có nhiều trưởng hợp các thương hiệu Việt Nam như Vinamilk hay Sabeco cổ đông nước ngoài chiếm đa số và điều này rất bình thường. Bên cạnh Kusto, Vinacapital cũng là cổ đông nước ngoài có cổ phần lớn trong Coteccons, vậy liệu Vinacapital có tham gia "thâu tóm" hay không?

Nếu thâu tóm nghĩa là thay đổi người điều hành doanh nghiệp, vậy thì chúng ta phải tự hỏi ai là người có quyền thay đổi người điều hành doanh nghiệp? Đó là cổ đông, và đã là cổ đông thì luật pháp Việt Nam không phân biệt cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài có quyền cổ đông khác nhau. Chúng tôi đầu tư vào Coteccons từ năm 2012 tới giờ và vẫn giữ nguyên khoản đầu tư của mình. Chúng tôi chỉ lên tiếng khi thấy rằng lãnh đạo Coteccons không còn hành động vì lợi ích của cổ đông Coteccons nữa.

Đại diện Kusto cho biết, nhà đầu tư này rất tôn trọng thương hiệu và lịch sử của Coteccons.
Đại diện Kusto cho biết, nhà đầu tư này rất tôn trọng thương hiệu và lịch sử của Coteccons.

Thứ hai, là một cổ đông lớn của Coteccons, Kusto hơn ai hết là nạn nhân khi nhìn hoạt động kinh doanh và uy tín của Coteccons đi ngày một đi xuống. Không có lý do gì để chúng tôi tự phá hoại công ty mà mình có cổ phần lớn trong đó.

Thứ ba, ở các công ty đại chúng lớn thì việc thay đổi lãnh đạo là chuyện không phải là hiếm. Thương hiệu Coteccons vẫn còn đó và thông qua HĐQT, tất cả các cổ đông được quyền chọn người thuyền trưởng có tài và có đức để tiếp tục xây dựng Coteccons lên những tầm cao mới.

Chúng tôi rất tôn trọng thương hiệu và lịch sử của Coteccons. Đó là thương hiệu quan trọng nhất trong ngành xây dựng của Việt Nam và chúng tôi rất vinh dự là một phần của Coteccons. Chính vì điều đó, Coteccons xứng đáng có một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, không chỉ có năng lực mà còn luôn hành động minh bạch vì lợi ích tốt nhất của Coteccons. Chúng tôi quyết tâm đảm bảo điều đó sẽ xảy ra và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Coteccons bằng hết khả năng của mình. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng luật pháp Việt Nam liên quan đến quản trị doanh nghiệp sẽ được đảm bảo và thực thi vì đây là một tín hiệu quan trọng để củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 28.9.b trong Điều lệ Coteccons ghi nhận, Thành viên HĐQT không được biểu quyết về các hợp đồng, các giao dịch hoặc đề xuất mà thành viên đó hoặc người liên quan tới thành viên đó có lợi ích và lợi ích đó mâu thuẫn hay có thể mâu thuẫn với lợi ích của Công ty. Một thành viên Hội đồng sẽ không được tính vào số lượng đại biểu tối thiểu cần thiết có mặt để có thể tổ chức một cuộc họp HĐQT về những quyết định mà thành viên đó không có quyền biểu quyết.

Đọc thêm