Ngỡ như vừa mới đây thôi, ấy thế mà những sinh viên khóa 1, khóa 2 của Trường giờ đã lên chức ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại cả rồi. Nhiều người giờ đã nghỉ hưu, nhiều người vẫn đang giữ những trọng trách trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ… Thế nhưng, khi nghĩ về quãng thời gian sinh viên tươi đẹp, ai cũng như trẻ lại. Bao ký ức cứ ào ạt tràn về.
Nỗi nhớ trong ký ức của TS. Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội là cảnh vào năm 1988 Trường “một chốn đôi nơi”, sinh viên phải ăn cơm với vài con cá khô hấp, thiếu thốn đủ bề.
Nỗi nhớ trong lòng PGS.TS, nhà thơ Phạm Công Trứ, cựu học viên khóa I của Trường là thầy chủ nhiệm lớp Hà Hùng Cường, giờ đang là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, khi ấy mới đi học ở nước ngoài về. Thầy trẻ, còn sinh viên phần lớn đều đã đi bộ đội về, nhưng “Thầy ra thầy, trò ra trò”, bao kỷ niệm gắn bó không quên.
Nỗi nhớ trong lòng sinh viên biết bao khóa của Trường là hàng cau vua thẳng tắp trước hiên nhà A cũ, thảm cỏ nhung mềm mượt ở sân trường ghi dấu bao buồn, vui của một thời tuổi trẻ.
Có những cựu sinh viên ngày nào còn ghét cay ghét đắng những lần điểm danh nghiêm ngặt của các thầy, ghét những câu hỏi thi rất khó, ghét cái tâm trạng bị điểm kém nhiều môn…, nay lại thèm quay quắt một lần được trở về để thầy quở trách.
Đã mấy tuần rồi, hầu như ngày nào sân trường Đại học Luật Hà Nội cũng tấp nập các lớp sinh viên tìm về hội khóa. Các em sinh viên đang theo học cũng lây cái tâm trạng xốn xang của các anh chị đi trước, hạnh phúc vì thấy mình được chứng kiến một thời khắc rất trọng đại của Trường.
Cô Lê Thị Hoàn, nguyên cán bộ khoa Pháp luật Quốc tế tâm sự, gia đình cô đã hai thế hệ gắn bó với ngôi trường này: “Trước kia là mình, giờ là con gái mình, đã gắn bó cả cuộc đời với nơi này, nên phải yêu, phải tin, phải góp phần xây dựng nó thôi”.
Em Nguyễn Văn Quân, sinh viên năm thứ 3, K37 thì tâm sự: “Chúng em choáng ngợp với các hoạt động kỷ niệm thành lập Trường của sinh viên các khóa. Ngày nào Trường cũng như ngày hội. Rất nhiều cảm xúc em đã gửi gắm vào bài dự thi cuộc thi “Đại học Luật Hà Nội trong trái tim tôi” do Đoàn trường phát động”.
Uy tín của một trường đại học danh tiếng có lẽ không chỉ là sự khẳng định của xã hội đối với chất lượng đào tạo của trường, với giá trị của tấm bằng được cấp, mà còn là cả những tình cảm tốt đẹp được khắc sâu, in đậm trong lòng mỗi người về nơi bắt đầu một tương lai, một nghề nghiệp trong cuộc đời.
Nhân dịp Đại học Luật Hà Nội kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập, những người đã và đang gắn bó với cơ sở đào tạo luật hàng đầu của đất nước đã chia sẻ, gửi gắm nhiều tiếng nói tâm huyết, nhiều tình cảm xúc động.
TS. Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội (giai đoạn 6/1988 – 4/1996):
- Tôi được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (khi đó là Đại học Pháp lý) vào năm 1988, đúng giai đoạn Trường còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, “một chốn đôi nơi” vì một cơ sở ở đường Láng Trung, còn một cơ sở ở huyện Thường Tín, thiếu thốn đủ bề. Ngay từ lúc đó, chúng tôi đã xác định quan điểm, “sinh viên là trung tâm”, phải tạo điều kiện để sinh viên phát huy năng lực của mình và phải chấm dứt tình trạng “một chốn đôi nơi”. Vượt qua bao khó khăn, Đại học Luật Hà Nội mới được như ngày hôm nay. Tôi luôn kỳ vọng các thế hệ tiếp theo sẽ kế thừa và phát huy truyền thống để Trường luôn là trung tâm đào tạo luật hàng đầu của Việt Nam, xứng đáng với sự gửi gắm, tin tưởng của nhân dân, của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội (từ năm 2009 – 2012):
- Tháng 9/2009, khi nhận nhiệm vụ kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, tôi vừa mừng, vừa lo. Hai năm rưỡi trôi qua, nhìn lại, tôi thấy nhẹ nhõm vì mình đã không phụ lòng tin của lãnh đạo Bộ, của bạn bè đồng nghiệp. Tôi đã vượt qua nhiều khó khăn để trở về Bộ một cách tự hào là đã góp thêm một phần nào đó vào thành tựu chung của Trường với bề dày 35 năm. Với tôi, thời gian ở Trường là thời gian đẹp, với đầy ắp những kỷ niệm khó quên, được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc ấn tượng, làm lắng đọng hơn ý nghĩa của cuộc đời công chức trong giai đoạn này.
Khi vui người ta hay nghĩ về thời gian khổ. Riêng tôi, khi vui tôi hay nghĩ làm sao để vui hơn, đã tốt rồi làm sao để tốt hơn, đã đóng góp rồi làm sao để đóng góp lớn hơn nữa. Trên thực tế, Trường đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để hướng tới trở thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo luật. Tôi tin là nếu thực hiện tốt các giải pháp đó sẽ tạo nên động lực mới cho phát triển của trường.
GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội (giai đoạn 4/1996 – 9/2009):
- Tôi về Trường Đại học Luật Hà Nội từ tháng 1 năm 1981 và công tác ở đó gần 30 năm. Vì vậy, tôi được sống cùng cuộc sống của Trường qua mỗi bước xây dựng và trưởng thành. Tôi rất vui vì trong 35 năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có sự phát triển cơ bản, toàn diện và vững chắc về mọi mặt. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc là đã được sống, học tập, nghiên cứu, giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ quản lý được giao trong “ngôi nhà” Trường Đại học Luật Hà Nội thân yêu, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, bỡ ngỡ, háo hức, sâu lắng, tự hào, trăn trở, với nhiều kỷ niệm sâu sắc và đáng nhớ… Trong tôi luôn có một dòng tình cảm, một sự thôi thúc là đi đâu, làm gì thì lòng vẫn hướng về mái trường nơi mình đã sống và làm việc những năm tháng đẹp nhất – Trường Đại học Luật Hà Nội.
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh – Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an):
- Khi đang học ở Trường Đại học Tổng hợp, tôi được chuyển sang học ở Trường Đại học Pháp lý (Trường Đại học Luật Hà Nội ngày nay) và trở thành sinh viên khóa 2 của Trường. Hơn 30 năm ra trường, nhiều năm tháng đã trôi qua, các cô cậu học trò khóa tôi đều đã trưởng thành, vươn lên từ những khó khăn nhưng ký ức thuở đi học thời ấy vĩnh viễn không thể xóa nhòa. Nhân dịp kỷ niệm này, tôi muốn nói ra những lời từ sâu thẳm trái tim mình, đó là sự biết ơn tới các thầy cô vì đã trao cho tôi tri thức, lời cảm ơn bạn bè đã sát cánh cùng tôi trong những tháng ngày miệt mài học tập, lời cảm ơn tới mái trường yêu dấu đã nuôi dưỡng tôi và các bạn, là bước đệm cho những thành công mà chúng tôi có được ngày hôm nay.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, Hà Nội:
- Thời chúng tôi là sinh viên, đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới, mới bước ra khỏi khủng hoảng nên khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Tuy vậy, tình cảm thầy trò, bạn bè thì lúc nào cũng đầy ắp, chân tình. Hình ảnh các thầy cô miệt mài lên lớp, dạy dỗ, hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi, quan tâm, chia sẻ việc học tập, cuộc sống, sinh hoạt của chúng tôi, cho đến bây giờ đã gần 20 năm, nhưng trong tâm trí của rất nhiều sinh viên vẫn còn in đậm. Sau này, trong quá trình công tác, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn Thủ đô, tôi càng thấy tự hào về Trường Đại học Luật Hà Nội, một cơ sở đào tạo bài bản, thực chất, coi trọng chất lượng, không chạy theo thành tích.