Hiểu hơn về công lao các thế hệ cha anh
Từ tinh mơ sáng 16/8 tại Thủ Đô Hà Nội, tập thể Ban Giám hiệu cùng hơn 80 giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội khởi hành đến với nguồn cội của ngành Tư pháp Việt Nam, nơi vốn được coi là cái nôi của cuộc kháng chiến cách mạng thần kỳ Tháng 8 lịch sử.
Thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là nơi chứng kiến những dấu ấn lịch sử quan trọng của Bộ Tư pháp. Chính tại thôn Mới, Bộ Tư pháp đã đề xuất và trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các Sắc lệnh về cải cách bộ máy tư pháp và pháp luật tố tụng theo hướng dân chủ hóa, làm cho tư pháp thật gần dân, hiểu dân, giúp dân.
Những cán bộ tư pháp đầu tiên dưới sự giúp đỡ, che chở của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, pháp luật và duy trì công tác công tố, xử án, góp phần xứng đáng vào việc giữ vững chính quyền nhân dân, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.
Sau khi dâng hương tại Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp, trước các giảng viên, sinh viên, TS Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội xúc động cho biết: “Chưa đầy hai tuần nữa là đến ngày kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam 28/8, về thăm Khu di tích tích lịch sử của Ngành, các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội rất xúc động và tự hào về truyền thống lịch sử của Bộ Tư pháp. Về với cội nguồn, các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội càng thấm nhuần và biết ơn sâu sắc công lao của những thế hệ cán bộ tư pháp trước đây. Trong suốt chiều dài lịch sử của Ngành, nếu không có sự cố gắng, nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ của tập thể của những lớp cán bộ đầu tiên thì đã không có sự phát triển và lớn mạnh của Ngành trong hiện tại. Chính vì thế, toàn bộ cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Trường phải phấn đấu nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của ngành Tư pháp”.
Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Phan Chí Hiếu trao quà ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa xã Minh Thanh |
Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp là một trong những di tích lịch sử cách mạng quan trọng ở Chiến khu Việt Bắc và đã được được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào tháng 7/2005.
Tự hào và xúc động được đi thăm nguồn cội ngành Tư pháp, giảng viên trẻ Phạm Thị Thanh Nga đang là Phó Bí thư Đoàn trường, giảng viên Khoa Hành chính Nhà nước, Trường Đại Học Luật Hà Nội cho biết: “Từ lâu, tôi đã mong có dịp được đến với Khu di tích lịch sử của Ngành. Lần này, được đến thăm Khu di tích lịch sử của Ngành trong khoảng thời gian thật ý nghĩa như thế này, tôi càng cảm thấy tự hào và biết ơn các thế hệ ông cha đi trước. Những người trẻ đang làm việc trong ngành Tư pháp như chúng tôi càng cần phải biết và hiểu rõ lịch sử phát triển của Ngành. Trong thời gian tới, Đoàn của trường sẽ tổ chức các chuyến về nguồn cho sinh viên để những thế hệ tương lai của Ngành hiểu và yêu công việc Tư pháp hơn nữa”.
Nằm trong chương trình “Tri ân cội nguồn”, Trường Đại học Luật Hà Nội đã ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của xã Minh Thanh số tiền là 5 triệu đồng. Đoàn Thanh niên Nhà trường cũng trao tặng Quỹ khuyến học xã Minh Thanh số tiền 10 triệu đồng cùng 10 suất quà cho 10 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Xúc động trước tấm lòng của Trường Đại học Luật Hà Nội, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh Ma Tiến Vinh cho biết: “Tình cảm của Nhà trường là niềm động viên rất lớn đối với người dân trong xã. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ tiếp tục về thăm, đồng hành cùng với bà con xã Minh Thanh trong xây dựng và phát triển”.
Trong chuyến tri ân cội nguồn lần này, Đoàn công tác Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã đến thăm Khu di tích lịch sử Tân Trào, nơi có Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái, Lán Nà Nưa, Cây đa Tân Trào, nơi được coi là Thủ đô kháng chiến khi xưa.