Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đại hội Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXII: Kỳ vọng “tìm lại chính mình”

(PLVN) - Với những “sóng gió” trong nhiệm kỳ trước, người dân Đà Nẵng đang kỳ vọng qua Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025), thành phố sẽ sớm “tìm lại chính mình”, xứng đáng với những thương hiệu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng trong hơn 20 năm qua.
Đại hội Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXII: Kỳ vọng “tìm lại chính mình”

Vượt “sóng gió” cũ đi lên

Đại hội Đảng Bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra trong bối cảnh thành phố có những đổi thay, phát triển ngoạn mục. Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã xây dựng được các thương hiệu như “Thành phố 5 không, 3 có”, “Thành phố của những cây cầu”, “Thành phố đáng sống”… 

Đầu nhiệm kỳ cũ, Đà Nẵng từng có Bí thư Thành ủy trẻ nhất trong cả nước, được người dân kỳ vọng giúp Đà Nẵng tiếp tục phát triển, đột phá. Thế nhưng, sau đại hội không lâu, cả tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo. Trung ương cũng kỷ luật cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thôi giữ chức Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Bên cạnh nhiều xáo trộn về nhân sự, nền kinh tế của thành phố cũng bị trì trệ phần nào khi mà hàng loạt dự án lớn dính sai phạm, buộc thanh tra Chính phủ phải vào cuộc, điển hình như Khu đô thị quốc tế Đa Phước, các dự án ở bán đảo Sơn Trà, các dự án ven biển…

Ngoài ra, tinh thần làm việc của một số cán bộ công chức, viên chức cũng không còn ở trạng thái tốt nhất. Tại Kỳ họp thứ 15,  HĐND Khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021), ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng thừa nhận “Một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm…”.

Tuy nhiên, sau một thời gian “sóng gió” Đà Nẵng dần vượt qua chính mình, lấy lại cân bằng để tiếp tục ổn định và đi lên phía trước.

Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Tính chung trong 5 năm qua, kinh tế của TP. Đà Nẵng luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng khá. Các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển.

Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại có vị trí ngày càng quan trọng với các ngành dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh. Thành phố đã ban hành và triển khai khá hiệu quả Đề án Phát triển mạnh các ngành dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035. 

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá hiện hành) năm 2019 của Đà Nẵng đạt 110.792 tỷ đồng (gấp 1,5 lần so với năm 2015), GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2019 đạt 95,7 triệu đồng (tương đương 4.095 USD, gấp 1,3 lần năm 2015). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì Đà Nẵng là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, với tỷ trọng dịch vụ 65%; công nghiệp - xây dựng 22,3%; nông nghiệp 2,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,4%. Cơ cấu các thành phần kinh tế phát triển theo định hướng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; các loại hình doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng được coi như hiện tượng, một trong những hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Kỳ vọng một nhiệm kỳ mới

Đặc biệt, hơn 1 năm gần đây, có thể thấy Đảng bộ Đà Nẵng đã có những chỉ đạo quyết liệt trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho người dân.

Bằng chứng rất thuyết phục là việc Đảng bộ, Chính quyền cùng người dân Đà Nẵng và cả nước đã cùng nhau khống chế được đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 7/2020 một cách ngoạn mục. Các nhà đầu tư từng e ngại về những “bất ổn” tại Đà Nẵng nay đã có niềm tin trở lại.

Chính sách thu hút đầu tư của Đà Nẵng tiếp tục phát huy hiệu quả. An sinh xã hội tại Đà Nẵng tiếp tục đạt những kết quả tốt xứng đáng với danh hiệu “thành phố đáng sống” mà Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng.

TP Đà Nẵng đang tiếp tục phát triển để “tìm lại chính mình”.
 TP Đà Nẵng đang tiếp tục phát triển để “tìm lại chính mình”. 

Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 22/10 tới đây. Người ở đây hy vọng và tin tưởng, Thành ủy Đà Nẵng sẽ thẳng thắn tổng kết, đánh giá và chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót dẫn đến những sai phạm, kỷ luật, xáo trộn trong thời gian qua. Đồng thời cũng đúc rút những bài học kinh nghiệm và đưa ra những phương hướng nhiệm vụ mới cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 giúp  Đà Nẵng sớm “tìm lại chính mình”.

Để đáp ứng kỳ vọng của người dân, công tác nhân sự chủ chốt của thành phố Đà Nẵng cho nhiệm kỳ tới được Trung ương đặc biệt quan tâm. Tháng 6/2019, Thành ủy Đà Nẵng đã xây dựng chuyên đề về công tác cán bộ và công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tại đây, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo thực hiện các nội dung như thành lập các tiểu ban Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025; Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn về tiến độ, nội dung, nhân sự Đại hội theo Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Từ tháng 3/2020 đến nay, Đại hội Đảng bộ các cấp cơ sở đã được tổ chức thành công. Sau khi hoàn thành đại hội Đảng bộ cấp quận, huyện và tương đương, Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng TP đã tập trung tổ chức tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, cán bộ, đảng viên và của đại hội đảng bộ quận, huyện, đảng bộ trực thuộc Thành ủy để bổ sung, hoàn chỉnh văn kiện đại hội để thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần này.

Tháng 3/2020 tại cuộc họp với Tiểu ban Văn kiện Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có những gợi ý về dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Theo đó, cần phải đánh giá, xem xét dựa trên quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ gắn với việc tổ chức, triển khai, thực hiện các văn bản của Trung ương; đồng thời cần làm rõ trách nhiệm tập thể gắn với trách nhiệm cá nhân để đưa vào báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đến nay công tác chuẩn bị cho đại hội đã gần như hoàn tất, nhân sự cho một nhiệm kỳ mới đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Thường trực Thành ủy Đà Nẵng làm việc với từng đảng bộ để nghe báo cáo tình hình chuẩn bị đại hội, nhất là công tác nhân sự đại hội, qua đó, kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi để các đảng bộ chuẩn bị tốt đại hội.

Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy tập trung theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, thẩm tra và phối hợp hỗ trợ các cấp ủy chuẩn bị chu đáo nội dung và nhân sự đại hội trước khi trình Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt; kịp thời báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Ban thường vụ các quận ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Đà Nẵng đã thực hiện chặt chẽ quy trình 5 bước về công tác nhân sự trước đại hội, ban chấp hành đảng bộ đã xây dựng Đề án nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 trình Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt.

Đề án nhân sự cấp ủy và Đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố được gửi cho từng đại biểu nghiên cứu, phát huy dân chủ trong thảo luận và thực hiện quyền ứng cử, đề cử; danh sách nhân sự dự kiến bầu vào ban chấp hành, ban thường vụ và ủy ban kiểm tra cấp ủy được chuẩn bị có số dư đảm bảo theo quy định.

Đọc thêm