Đại hội lần I Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam

 Ngày 30/7, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (Hội Bảo trợ) đã công bố Quyết định thành lập và chính thức ra mắt tại Đại hội lần thứ Nhất. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã đến dự và phát biểu.

Ngày 30/7, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (Hội Bảo trợ) đã công bố Quyết định thành lập và chính thức ra mắt tại Đại hội lần thứ Nhất. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã đến dự và phát biểu.

Việt Nam đã hình thành một hệ thống trợ giúp pháp lý (TGPL) trong toàn quốc với 63 Trung tâm TGPL nhà nước cấp tỉnh, gần 150 Chi nhánh của Trung tâm ở cấp huyện và hơn 6 nghìn câu lạc bộ TGPL ở cấp xã. Các Trung tâm đã thực hiện trên 1,5 triệu vụ việc TGPL cho hơn 1,5 triệu lượt người, trong đó, 59,7% là người nghèo.

Đại hội I Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam.
Đại hội I Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động TGPL mới chủ yếu do Nhà nước đảm nhiệm, sự tham gia của các lực lượng xã hội vào công tác này còn ở mức độ rất thấp. Tính đến năm 2010, mới có 184 tổ chức hành nghề luật sư và 34 Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc các đoàn thể - xã hội đăng ký tham gia TGPL, số vụ việc cụ thể đã làm được cũng chưa cao. Do yêu cầu được bảo trợ về mặt tư pháp ngày càng nhiều và phức tạp hơn nên những hoạt động trên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của các đối tượng này.

Vì vậy, thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiến tới xã hội hóa một số lĩnh vực tư pháp, trong đó có lĩnh vực TGPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1901/QĐ-BTP về việc công nhận Ban vận động thành lập Hội Bảo trợ. Trên cơ sở kết quả hoạt động của Ban vận động, ngày 6/5/2011, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1012/QĐ-BNV thành lập Hội Bảo trợ.

Trong lời khai mạc Đại hội của Trưởng Ban vận động thành lập Hội Bảo trợ – Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Tạ Thị Minh Lý nhấn mạnh: “Hội Bảo trợ ra đời với tôn chỉ, mục đích là tập hợp, đoàn kết và động viên hội viên trong quá trình hoạt động nghề nghiệp TGPL, tạo điều kiện cho hội viên học tập, tích lũy tri thức, kinh nghiệm phong phú, đa dạng về lý luận và thực tiễn để chia sẻ giữa các hội viên, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình phát triển nghề nghiệp, góp phần tăng cường năng lực cho hội viên tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật cho người nghèo và các nhóm yếu thế khác trong xã hội, tăng cường TGPL cộng đồng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN”.

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, về tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực pháp luật mới đang tồn tại 2 loại tổ chức xã hội là Liên đoàn Luật sư và Hội Luật gia. So với các ngành nghề  khác thì còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội nên Hội Bảo trợ với tư cách là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người làm công tác TGPL có vai trò quan trọng, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các hội viên.

“Việc thành lập Hội Bảo trợ trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, rất thiết thực để chia sẻ công việc với Nhà nước” – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng khẳng định. Thứ trưởng cũng cam kết, Bộ Tư pháp với vai trò thực hiện quản lý Nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Hội Bảo trợ, sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội hoạt động có hiệu quả, đồng thời mong rằng Hội Bảo trợ phát triển ngày càng bền vững và sẽ là địa chỉ tin cậy của đông đảo người nghèo.

Đại hội lần thứ Nhất đã thông qua Điều lệ Hội Bảo trợ. Theo đó, Hội Bảo trợ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và theo quy định của pháp luật, Điều lệ Hội Bảo trợ, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hội Bảo trợ hoạt động. Đại hội cũng biểu quyết bầu 21 thành viên vào Ban Chấp hành Hội Bảo trợ (sẽ tiếp tục bổ sung vào khoảng 100 thành viên) và 5 thành viên Ban Kiểm tra Hội do ông Bùi Ngọc Nhuần – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ - làm Trưởng Ban.

Hoàng Thư

Đọc thêm