“Đài quan sát” hơn 500 tuổi ở Tam Kỳ được công nhận là cây di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cây rỏi mật hơn 500 năm tuổi nằm trong Khu Di tích lịch sử Địa đạo Kỳ Anh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cây rỏi mật là “đài quan sát” báo hiệu quân địch đang hành quân, báo hiệu quân ta thoát theo các con lạch rồi từ đó xuống địa đạo ẩn nấp.

Chiều 21/2, tại khu vực Sông Đầm (TP Tam Kỳ) đã diễn ra lễ công bố quyết định cây di sản Việt Nam (cây rỏi mật) và các hoạt động hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024.

Tham dự chương trình có GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Về phía tỉnh Quảng Nam có ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Huỳnh Thị Thùy Dung, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cùng các lãnh đạo TP Tam Kỳ, người dân địa phương và các học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Công Huy).

Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Công Huy).

Phát biểu tại chương trình, ông Trần Trung Hậu, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, để hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024, thành phố đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa xuyên suốt năm 2024. Đơn cử như tổ chức triển lãm Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024; lễ mít tinh hưởng ứng chiến dịch bảo vệ vì động vật hoang dã...

Đặc biệt là đã tổ chức thành công hội thảo khoa học “Về bảo tồn, phát huy các giá trị hệ sinh thái đất ngập nước hồ sông Đầm” với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình và Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Thị Thu Lan thả cá giống xuống Sông Đầm. (Ảnh: Công Huy).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình và Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Thị Thu Lan thả cá giống xuống Sông Đầm. (Ảnh: Công Huy).

“UBND thành phố cũng đã triển khai nhiều hoạt động trồng cây xanh, cây gỗ quý tại các đồi, núi và rừng phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ hệ sinh thái, phòng chống xâm thực bờ biển. Cạnh đó, cũng như thực hiện các chương trình tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản…”, ông Hậu nói.

Về cây rỏi mật, ông Hậu cho biết, đây là cây có tuổi đời hơn 500 năm, nằm trong khu di tích lịch sử Địa đạo Kỳ Anh. Cây có chu vi gốc 2,7m, cao hơn 26m. Ngày xưa, gốc cây rỏi mật này là nơi người dân nghỉ ngơi sau giờ đồng áng, sinh hoạt văn nghệ.

Cây rỏi mật có tuổi đời trên 500 năm được công nhận là cây di sản Việt Nam. (Ảnh: Công Huy).

Cây rỏi mật có tuổi đời trên 500 năm được công nhận là cây di sản Việt Nam. (Ảnh: Công Huy).

Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cây rỏi mật là địa điểm để thực hành phong trào “diệt giặc dốt”. Trong kháng chiến chống Mỹ, du kích thường trèo lên quan sát quân địch hành quân để báo hiệu cho quân ta thoát theo các con lạch rồi từ đó xuống địa đạo ẩn nấp. Do cây rỏi cao vút lên giữa vùng đầm lầy, cây rừng thấp, nên chịu nhiều bom đạn, pháo của quân địch bắn ra.

Dẫu vậy, cây vẫn đứng vững như tấm lòng kiên định của người dân Tam Kỳ. Ngày nay, cây rỏi mật và Địa đạo Kỳ Anh là nơi tham quan của nhiều người để hiểu hơn về một thời kỳ gian lao nhưng vẻ vang của dân tộc…

Đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh trao bằng công nhận cây di sản cho dại diện chính quyền địa phương. (Ảnh: Công Huy).

Đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh trao bằng công nhận cây di sản cho dại diện chính quyền địa phương. (Ảnh: Công Huy).

“Việc công nhận cây rỏi mật là “Cây di sản Việt Nam” không chỉ là niềm tự hào nói riêng của người dân TP Tam Kỳ mà còn minh chứng cho những nỗ lực trong quá trình bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các giá trị sinh thái và di sản văn hóa tại Quảng Nam nói chung. Cây rỏi mật không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, góp phần tạo cảnh quan xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ thiên nhiên”, ông Hậu nhấn mạnh và cho biết thêm đây là minh chứng cho thấy cam kết của lãnh đạo UBND thành phố đối với việc bảo tồn, phục hồi các giá trị của hệ sinh thái tại địa phương, hướng đến xây dựng thành phố Tam Kỳ “xanh, sinh thái, thông minh”.

Đọc thêm