Về “miền cổ tích” Ngọc Chiến nghe chuyện về 7 cây di sản Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) được nhiều du khách đặt cho cái tên “miền cổ tích giữa đại ngàn Tây Bắc” bởi cảnh đẹp non nước hữu tình, du lịch có nhiều điểm nhấn khác biệt. Một trong những điểm thu hút du khách tới với Ngọc Chiến là những câu chuyện mang màu sắc huyền bí về 7 cây di sản với tuổi đời từ 300 -1.000 năm tuổi.

Chuyện về “cây thần” ngàn năm tuổi

Ngày 18/3, nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội hoa Sơn Tra diễn ra tại huyện Mường La tỉnh Sơn La, UBND xã Ngọc Chiến đã tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận 7 cây di sản Việt Nam xã Ngọc Chiến năm 2023 tại khu vực thờ cây sa mu đại thụ bản Nà Tâu. 7 cây di sản này nằm tại 4 bản: bản Nà Tâu, bản Phày, bản Lướt, bản Mường Chiến.

Các nhà chuyên môn đánh giá thật hiếm khi có 1 địa phương nào trên cả nước lại có nhiều cây cổ thụ, đa dạng chủng loại như ở Ngọc Chiến.

Không chỉ có tuổi đời lớn, các cây cổ thụ tại xã Ngọc Chiến còn gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm, hoặc những bậc tiền nhân có công khẩn hoang, lập bản lập mường. Hàng năm vào ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch, người dân khắp bản gần, làng xa lại làm lễ cúng thần cây, để cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.

Khung cảnh bình yên tại xã Ngọc Chiến vào buổi chiều tà.

Khung cảnh bình yên tại xã Ngọc Chiến vào buổi chiều tà.

Theo hồ sơ được Hội đồng cây di sản Việt Nam công nhận, cây số 1 là cây Du sam núi đất, ở bản Nà Tâu được người dân trong vùng gọi là “cây thần” - “sa mu đại thụ” hay “co mạy pé”, đây là cây gỗ lớn cao trên 35m, đường kính trên 100 cm, có tuổi lên đến hàng nghìn năm.

Theo anh Lường Văn Xiên – Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến kể rằng, những người dân tại bản Nà Tâu cũng không biết chính xác cây Du sam núi đất đại thụ có từ bao giờ, chỉ biết rằng người dân bản từ khi lớn lên đã thấy bóng cây sừng sững. Từng lớp người con Thái Trắng, Thái đen, Mông, Kinh của bản Nà Tâu đều sinh ra, lớn lên và trưởng thành dưới tán cây Du sam huyền thoại.

Ngày nay, ở bản Nà Tâu vẫn lưu truyền câu chuyện truyền thuyết rằng, khi người đồng bào mới đến mảnh đất này định cư, đoàn người muốn đốn hạ cây Du sam núi đất này để làm nhà, làm ruộng nhưng lúc đó giông gió bỗng nổi lên, bầu trời tối đen như mực.

Ngay lúc đó, từ trên cây, một con hổ khổng lồ nhảy xuống, đôi mắt nó đỏ rực như hai hòn than. Con hổ gầm gừ, nhe nanh, định xông vào vồ mọi người, ngay lúc đó, từ trong thân cây, một cụ già đi ra. Cụ già bảo: “Đây là cây thần, là nơi thần ngự. Mọi người cứ ở đây khai phá, canh tác, thần sẽ bảo vệ, nhưng tuyệt nhiên không được đốn hạ cây mà chết cả bản. Nói rồi, cụ già và con hổ biến mất”. Từ đó, người dân dựng một miếu thờ thần, gọi cây Du sam núi đất là “cây thần”.

Người dân nơi đây cũng luôn tự hào kể lại rằng, vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hàng chục lớp thanh niên trai tráng trong vùng trước khi lên đường nhập ngũ đều đến “cây thần” để cầu xin được che chở, bảo vệ. Không biết cây thần có thực sự linh nghiệm hay không nhưng chỉ biết rằng khi chiến tranh kết thúc, những người con của bản Nà Tâu đều an toàn quay trở về.

Cây Du sam núi đất 1.000 năm tuổi.

Cây Du sam núi đất 1.000 năm tuổi.

Hàng năm, vào ngày mùng 7 Tết (Âm lịch) – ngày chuẩn bị làm vụ mùa mới, dân bản Nà Tâu lại mua sắm lễ cúng tại ngôi miếu dưới tán “cây thần” để cầu xin thần linh phù hộ cho thời tiết thuận hòa, cây cối tốt tươi, người dân được bình an, no đủ.

Lễ vật bao gồm một con lợn nặng gần tạ, một con chó khoảng 10 cân, một cặp gà trống mái màu đen và đỏ.

Ngày nay, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của du khách, nhân dân bản Nà Tâu đã dựng được ngôi nhà thờ khang trang bằng đá, và 1 khu sân rộng lớn với 36 hòn đá lớn, là chỗ đặt mâm cho cộng đồng chung vui vào ngày mùng 7 Tết (Âm lịch) hàng năm.

Những điều thiêng liêng, tuyệt đối không được mạo phạm

Tiếp đến là 3 cá thể đa tía tạo thành 1 quần thể đa tại bản Lướt, theo các cụ già trong bản đây là cây còn lại trong quá trình khai phá mở mang và trở thành cây thiêng của bản, quần thể cây đa thiêng này có độ tuổi khoảng trên 400 năm.

Quần thể 3 cây đa tía tại bản Lướt.

Quần thể 3 cây đa tía tại bản Lướt.

Là cây thứ 5 được công nhận là cây di sản, cây gạo nằm ở trung tâm bản Phày được người dân trồng khi xây dựng bản làng. Hiện nay, dân làng đã xây dựng một ngôi miếu thờ bên cạnh cây và coi như cây thiêng của bản làng. Tuổi cây khoảng trên 300 năm.

Cây gạo 300 năm tuổi nằm ở trung tâm bản Phày.

Cây gạo 300 năm tuổi nằm ở trung tâm bản Phày.

Cây thứ 6 và 7, là 2 cây sồi quấn vào nhau, được nhân dân trồng để làm ranh giới giữa 2 bản, người dân trong vùng tôn kính coi đây là hình ảnh ông bà, tổ tiên chung của cộng đồng và đặt tên là “cây cột mốc” hay “cây đôi tình yêu”. Đây là những cây còn giữ lại trong quá trình khai phá mở mang và trở thành cây thiêng của bản Mường Chiến.

Theo “truyền thuyết khâu Sam Síp” (truyền thuyết của người Thái trắng Ngọc Chiến- Pv) có ghi rằng: Ngày xưa, ở một bản trên vùng thượng nguồn sông Đà, có một chàng trai là người ở đem lòng yêu con gái của chủ nhà. Người này có uy quyền và giàu có nhất ở mường đó. Tình yêu của họ không được bố cô gái chấp nhận. Vì theo tập tục, người ở, người nghèo không thể lấy người quý tộc. Nhưng cô con gái quyết phá bỏ tục lệ để lấy chàng trai người ở làm chồng. Để đến được với nhau, đôi trai gái cùng một số người hầu xuôi bè theo sông Đà để đi tìm nơi ở mới. Sau nhiều ngày di chuyển, đoàn người đã chọn bản Mường Chiến nơi có cánh đồng rộng ngút tầm mắt ngày nay làm nơi định cư.

Ngày nay, để tưởng nhớ đến mối tình đẹp đẽ của ông bà xưa, người dân Ngọc Chiến gọi hai cây này là “cây đôi tình yêu”. Giữa cánh đồng Mường Chiến, hai cây không quá to cao cũng không sum xuê cành lá nhưng rắn chắc, toàn thân phủ đầy rêu và địa y. “Cây đôi tình yêu” vươn mình đón mưa rừng, gió núi đã bao đòi nay.

Nhìn từ xa hai cây giống như một cặp tình nhân đang bên nhau, che chở, chia sẻ, bảo vệ nhau và bảo vệ cho dân bản luôn được bình yên, no ấm và hạnh phúc.

Hai “cây đôi tình yêu” tại bản Mường Chiến.

Hai “cây đôi tình yêu” tại bản Mường Chiến.

Bên cạnh đó, theo phong tục dân tộc Thái, khi định cư ở đâu, người ta sẽ trồng cây ở đầu bản, đánh dấu vùng lãnh thổ và gọi tên tiếng Thái là “mạy Lắc mương” – “cây cột mốc bản mường”. Họ dặn nhau: Những điều tốt đẹp và những điều xấu xa cũng chỉ đem ra đến đây. Cũng như vậy, khi con thú rừng vào bản bắt vật nuôi, nếu có xua đuổi thì cũng chỉ ra đến hai cây là dừng lại. Ranh giới này không chỉ mang ý nghĩa địa lý mà còn mang cả ý nghĩa tâm linh.

“Cây cột mốc” được coi là một trong ba điểm thiêng liêng của vùng, tuyệt đối không được mạo phạm bao gồm Nhà thờ tổ; Núi thần và Cây cột mốc.

Những cây di sản là nơi mỗi người dân xã Ngọc Chiến thường gửi gắm và nguyện vọng của bản thân và gia đình.

Những cây di sản là nơi mỗi người dân xã Ngọc Chiến thường gửi gắm và nguyện vọng của bản thân và gia đình.

Việc 7 cây cổ thụ được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Đây là những cây cổ thụ như chứng nhân lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc, gắn liền với quá trình hình thành của một vùng đất Ngọc Chiến. Đồng thời, góp phần lưu giữ nguồn gen quý, bảo vệ những cây cổ thụ lâu năm. Việc lưu giữ cây cổ thụ còn bày tỏ lòng tri ân, kính trọng đối với các bậc tiền nhân có công bảo vệ và gìn giữ những cây này cũng như phong tục, tập quán của người Thái nơi đây.

Xã Ngọc Chiến cam kết sẽ có biện pháp bảo vệ tốt 7 cây di sản trên địa bàn, giao cho người đại diện của từng bản để quản lý, bảo vệ lưu giữ nét văn hóa tâm linh của người dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.