Đại sứ các nước, đại diện các tổ chức quốc tế ngợi ca Việt Nam

(PLO) - Việt Nam hiện là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế - đây là nhận định của Đại sứ các nước, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tại Hội thảo Khoa học “Ngoại giao Việt Nam: 70 năm truyền thống và định hướng tương lai” do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam tham dự Hội thảo. (Ảnh:TGVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam tham dự Hội thảo. (Ảnh:TGVN)
Từ thiện bắt đầu từ trong nhà
Tại Hội thảo, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – nhận định, kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1945 cho đến nay, Việt Nam đã luôn chứng tỏ khả năng kháng cự trước các mối đe dọa từ bên ngoài, các sức ép từ bên trong và khó khăn về kinh tế. “Chúng ta đều biết câu ngạn ngữ “từ thiện bắt đầu từ trong nhà”. Vì vậy có thể nói, đóng góp của Việt Nam vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực trước hết và trên hết là đảm bảo thành công hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho chính mình” – bà cho hay.
Theo bà Kwakwa, Việt Nam hiện là một đất nước hòa bình và có bản sắc dân tộc mạnh. Việt Nam đã tạo được và tiếp tục duy trì ổn định chính trị - một yếu tố cơ bản hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thực hiện công tác ngoại giao một cách hữu hiệu nhằm mở rộng quan hệ, xây dựng và duy trì hòa bình với các quốc gia láng giềng. Việt Nam hiện đang sử dụng các cơ chế quốc tế nhằm tìm ra giải pháp ngay cả cho vấn đề rất căng thẳng là vấn đề xung đột lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông. 
Đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã điểm lại những thành tựu đáng kể của Việt Nam trên mặt trận kinh tế, như: GDP đã tăng từ 16 tỉ USD năm 1994 lên khoảng 186 tỉ USD năm 2014 tính theo giá danh nghĩa. Bà cho hay, tỉ lệ tăng GDP đầu người của Việt Nam xếp hàng thứ 2 trên thế giới trong vòng 20 năm qua. “Kết quả đó thực hiện được nhờ quá trình đổi mới khởi xướng cuối những năm 1980 đã giải phóng các ngành kinh tế chủ chốt và mở cửa đón đầu tư và thương mại quốc tế. Tăng trưởng kinh tế đã được chia sẻ cho nhiều tầng lớp, giúp đa số người dân thoát cảnh nghèo và tạo cơ sở vững chắc tiếp tục nâng cao thịnh vượng cho nhiều người dân hơn nữa” – bà nhận định. 
Bà Kwakwa tỏ ra rất ấn tượng với việc Việt Nam đã giảm được tỉ lệ nghèo từ 80% ở đầu những năm 1990 xuống dưới 10% hôm nay. “Đây là một kỷ lục hiếm có và đáng ghen tị. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn gắn liền với công bằng và chính điều đó đã là yếu tố chủ yếu đảm bảo hòa bình và ổn định trong nước. Việt Nam đã thành công trong việc mang lại thịnh vượng kinh tế cho đa số người dân và bản thân điều đó đã là một đóng góp cho thịnh vượng khu vực” – bà nói thêm.
Đối tác tin cậy
Trong khi đó, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Franz Jessen cho rằng, với nền kinh tế năng động, vị trí chiến lược, dân số đang tăng trưởng cùng nguồn cội văn hóa và lịch sử mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, một trong những nước dẫn đầu tại khu vực.
Trong bài phát biểu của mình, ông Jessen nhấn mạnh vai trò của các nguyên tắc trong xã hội hiện đại. Ông cho rằng, trong xã hội loài người, sự tôn trọng dành cho một quốc gia là thứ không thể mua được bằng tiền hay dùng sức mạnh để cưỡng ép. Sự tôn trọng đó được tạo dựng bởi sự tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng các nước láng giềng và bảo vệ các quyền của chính người dân của nước đó. Trên phương diện này, người đứng đầu Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong suốt 70 năm qua. 
Ông Jessen lấy minh chứng quan hệ song phương Việt Nam – EU cho sự tiến bộ này. Theo đó, ông cho biết, năm 2015 đánh dấu Lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ của Việt Nam và EU. Mối quan hệ này bắt đầu chỉ với một số chương trình hợp tác nhưng cho đến nay đã phát triển vượt quá khuôn khổ của sự hợp tác. Hai bên đã có thể tiến hành đối thoại chính trị và ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện, đàm phán thành công về nguyên tắc Hiệp định Thương mại tự do. “Mối quan hệ giữa 2 bên chưa bao giờ đạt được độ phong phú và hứa hẹn như hiện nay và chắc sẽ còn tiến triển, phát triển hơn nữa” – ông tin tưởng.
Trong các mối quan hệ quốc tế khác, ông Jessen cho rằng việc Việt Nam hiện là thành viên của 64 tổ chức quốc tế, trong đó có những tổ chức như Liên Hợp quốc (LHQ), ASEAN, NAM, WTO, tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình quốc tế nhằm giúp giải quyết các xung đột và bất ổn toàn cầu hiện nay… cũng là những ví dụ cho thấy sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
Đặc biệt, ông Jessen đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong khối ASEAN, thể hiện ở Việt Nam đã tích cực trong việc củng cố cấu trúc khu vực, góp phần hình thành cách tiếp cận tập thể đối với các vấn đề quan trọng của khu vực. Ông cho rằng, triết lý giải quyết các thách thức khu vực thông qua đàm phán, đồng thuận và tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam chính là quan điểm mà thế giới mong đợi ở một thành viên đáng tôn trọng trong cộng đồng quốc tế. 
3 nguyên tắc chủ chốt
Tại Hội thảo, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã điểm lại những tiến bộ trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong vòng 20 năm kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ cho đến nay, bày tỏ tin tưởng rằng thành công trong quan hệ giữa 2 nước sẽ đóng góp tích cực tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và quốc tế. 
Đồng quan điểm cho rằng Việt Nam hiện đã trở thành một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đại sứ Osius đánh giá cao 3 nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Việt Nam trong hợp tác ở khu vực và thế giới, bao gồm: Tôn trọng và bảo vệ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế; tôn trọng lợi ích của Việt Nam và của đối tác; nỗ lực cùng các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Hoa Kỳ nêu bật những sự kiện chính trên con đường hội nhập và gánh vác trách nhiệm với cộng đồng quốc tế của Việt Nam, như việc Việt Nam gia nhập ASEAN, WTO và đóng một vai trò quan trọng trong Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam cũng đã tham gia Sáng kiến an ninh phổ biến vũ khí nhằm ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam cùng các nước đang trong những giai đoạn cuối cùng của đàm phán TPP. 
Ông Osius cho rằng, trong nội khối ASEAN, Việt Nam được xem là “người bảo vệ” các nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết căng thẳng trên biển Đông. Đại sứ Osius khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường khả năng thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, xây dựng lòng tin trong khu vực của ASEAN, đặc biệt là nỗ lực của khối trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế cho các căng thẳng ở biển Đông.
Đại sứ Osius nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc điều chỉnh hệ thống luật pháp của mình cho phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có việc thông qua Hiến pháp mới năm 2013 cùng những nỗ lực trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân. 
Nhà ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nền ngoại giao khu vực và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh việc Việt Nam kiên trì các nguyên tắc nói trên sẽ là cơ sở để bạn bè và đối tác tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn tới.
Cùng nỗ lực vì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, thế giới
Tại Hội thảo, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Shrimati Preeti Saran cho rằng Việt Nam và Ấn Độ có quan điểm tương đồng đối với hầu hết các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nước đã nhiều lần bày tỏ mong muốn và quyết tâm làm việc cùng nhau để duy trì hòa bình, ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng ở châu Á. Cả 2 nước đều nhất trí cho rằng tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông không thể bị cản trở và cho rằng tất cả các bên liên quan cần phải kiềm chế, tránh đe dọa hay sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách hành xử của các bên ở biển Đông (DOC). “Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng nhau chúng ta có thể thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực này và trên toàn thế giới. Là 2 nước đang phát triển có chung vận mệnh trong tương lai, chúng ta sẽ vận dụng sức mạnh tổng hợp của mình để đảm bảo điều đó” – Đại sứ Shrimati bày tỏ. 

Đọc thêm