Dịp Tết Độc lập, ngẫm chuyện đặc xá xưa và nay

(PLO) - Dịp 2/9 năm nay, hơn 18.000 người được tha tù, hàng ngàn gia đình được sum vầy. Vậy đặc xá trong lịch sử luật hình sự của Việt Nam được quy định từ thời kỳ nào, đặc xá thời xưa có nét tương đồng và khác biệt so với ngày nay? 
Dịp Tết Độc lập, ngẫm chuyện đặc xá xưa và nay
Xin ngược dòng thời gian trở về với thời điểm gần 2 thế kỷ trước để tìm hiểu việc “phóng thích” tù nhân của các triều vua nhà Nguyễn để thấy rằng sự khoan hồng, nhân đạo với người từng lỗi lầm là truyền thống đạo lý tốt đẹp đã được thấm nhuần trong chính sách hình sự nhân đạo nước ta từ nhiều thế kỷ…
Những trường hợp không được tha tù
Tìm hiểu một số tài liệu luật hình sự cổ của Việt Nam thấy rằng, quy định về đặc xá đã được thể hiện bằng quy định về việc “phóng thích tù nhân”. Việc phóng thích những tù nhân đã biết ăn năn phục thiện, lập công chuộc tội nhân dịp lễ trọng đại của đất nước có nhiều nét tương đồng với chế định đặc xá trong chính sách hình sự nhân đạo hiện nay. Ở đây có sự kế thừa truyền thống nhân văn và bổ sung thêm nhiều quy định tiến bộ.  
Luật Đặc xá hiện hành, bên cạnh những quy định rất chặt chẽ về các điều kiện, những trường hợp phạm nhân được đặc xá còn có quy định rõ những trường hợp dù có đủ điều kiện vẫn không được áp dụng đặc xá. 
Theo đó, dù có đủ điều kiện đặc xá nhưng nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì không được đề nghị đặc xá: bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác. 
Bên cạnh đó phạm nhân trước đó đã được đặc xá; có từ 2 tiền án trở lên; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia; đồng thời phạm 2 tội từ rất nghiêm trọng hoặc đang chấp hành án phạt tù do phạm nhiều tội (từ 3 tội trở lên); phạm tội giết người có tổ chức, hiếp dâm có tính chất loạn luân, cướp tài sản có vũ khí, cướp tài sản nhiều lần, cướp giật tài sản nhiều lần, trộm cắp tài sản nhiều lần (từ 2 lần trở lên) hoặc băng, nhóm thanh toán lẫn nhau… thì kiên quyết không đề nghị xét đặc xá.
Theo các luật gia, quy định về các trường hợp không được xét đặc xá của pháp luật hiện hành có nhiều nét tương đồng với quy định trong Bộ Hình của triều Nguyễn thế kỷ 18. Thời Nguyễn, việc ân xá thường được diễn ra nhân dịp vua lên ngôi. Bên cạnh việc nối ngôi, các vua triều Nguyễn còn ban ơn ân xá cho tù nhân những dịp khánh điển to lớn như mừng thọ Hoàng thái hậu (mừng thọ mẹ vua), nhận tin thắng trận… Tuy nhiên, Bộ Hình cũng khoanh vùng rõ những tội phạm không được phóng thích. 
Bộ Hình của triều Nguyễn giai đoạn Vua Gia Long lập quốc quy định: “Các tội phạm vào thập ác, giết người, lấy trộm tiền của, đồ vật công, cùng các tội ăn cướp, trộm cắp, đốt nhà, đào mả, tham tang, cong vẹo pháp luật, giả dối, phạm tội thông gian, cướp lấy nhân khẩu của người khác, bắt người đem bán dụ dỗ đàn bà - con gái và trẻ con, chủ mưu sai kẻ khác giết người, cố ý tha, buộc tội người ta, biết kẻ có tội mà dung túng, ẩn giấu không đưa ra, kêu việc đút tiền… gặp được ân xá đều không được tha”. 
Theo đó, nhóm tội “thập ác” gồm các tội mưu phản, mưu đại nghịch (phá hủy lăng tẩm, cung miếu của nhà vua), mưu bạn (phản nước), ác nghịch (đánh và mưu giết ông bà, cha mẹ của mình hoặc chồng (vợ), bất đạo (giết 3 người trong một nhà), đại bất kính (ăn trộm đồ dùng của vua hoặc nơi đại tự), bất hiếu, bất mục (mưu giết và bán người họ hàng), bất nghĩa (giết quan viên, giết thầy dạy học, lấy chồng khác khi có tang chồng…) và tội nổi loạn (gian dâm với đàn bà con gái trong họ và thông dâm với nàng hầu của cha) cũng không thuộc trường hợp được phóng thích tha tù. 
Theo các nhà làm luật cổ, tù nhân mắc các tội với lỗi chủ tâm, cố ý thì không được tha khi gặp được ân xá. Những người vì lỡ lầm mà gây nên tội thì sẽ được tha tội khi có dịp ân xá. Quy định này có nét tương đồng với nguyên tắc xử lý của Bộ luật Hình sự hiện hành về việc nghiêm trị kẻ chủ mưu cầm đầu, cố ý phạm tội, ngoan cố chống đối lưu manh, tái phạm nguy hiểm; khoan hồng với người phạm tội lần đầu, do bị lôi kéo dụ dỗ…
Bộ Hình triều Nguyễn cũng quy định: Với những trường hợp không nằm trong danh sách ân xá thì chỉ khi có xá thư riêng của vua mới được tha tội hoặc giảm tội… Quy định đặc biệt này có nét giống với quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 10 Luật Đặc xá quy định về “Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định” trong số các điều kiện được đặc xá. 
Ngẫm chuyện ân xá xưa lẫn nay, mới thấy thời nào cũng vậy, tội phạm đặc biệt nguy hiểm hoặc gây phẫn nộ trong dư luận như hiếp dâm (đặc biệt mang tính chất loạn luân, hiếp dâm trẻ em), trộm cướp và đặc biệt là tội phạm giết người đều nằm trong danh sách tội phạm không được xét đặc xá tha tù trước thời hạn.
Nhân đạo nhưng hết sức chặt chẽ, thận trọng 
Hiện nay, mỗi năm có hàng vạn người được đặc xá tha tù, chưa kể một số lượng lớn người chấp hành xong hình phạt tù trở về xã hội. Tình trạng người vừa được đặc xá đã lại tiếp tục gây án đã không còn là hy hữu, khiến dư luận hoang mang, lo ngại. Nguyên nhân của sự việc tái phạm tội đó là do “khổ chủ” không chịu tu dưỡng rèn luyện bản thân nên lại “ngựa quen đường cũ”; hay do việc xét đặc xá đã để “lọt lưới” người chưa thực sự hoàn lương; hay do chính sách giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng chưa được tốt? Câu trả lời là có thể do tất cả các nguyên nhân trên.
Các nhà làm luật cổ dạy rằng: “Phải cẩn thận chớ có xá bậy”, “Tha kẻ có tội, làm hại kẻ lương dân” vì e rằng nếu nới tay nhân đạo với kẻ bạo ngược, khoan thứ cho kẻ gian ác, thành ra tha tội để nuôi dưỡng cho sự gian phi vậy. Nay, lời dạy trên vẫn còn nguyên giá trị. 
Nhiều trường hợp vừa được đặc xá đã tái phạm tội, thậm chí phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng cho thấy rõ ràng việc xét đặc xá đối với trường hợp đó đang “có vấn đề”. Nếu không làm chặt chẽ, sát sao công tác đặc xá để dẫn tới việc lạm dụng lợi dụng kẽ hở phát sinh tiêu cực hoặc áp dụng lỏng lẻo quy định pháp luật thì không những không phát huy được ý nghĩa nhân đạo của chế định nhân văn này mà nguy hại hơn, trong một số trường hợp cụ thể đã cho hiệu ứng ngược.  
Phạm nhân phấn đấu để được xét đặc xá đã khó, để được tái hòa nhập cộng đồng, thực sự thành người lương thiện càng khó gấp nhiều lần. Bởi việc tái hòa nhập thành công không chỉ do tự thân người mãn hạn tù mà phụ thuộc nhiều vào gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Bởi vậy, các cấp chính quyền và toàn xã hội phải tạo những điều kiện thuận lợi, cần thiết để người mãn hạn tù có công ăn việc làm, có môi trường sống hướng thiện để tái hòa nhập ổn định.