Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi |
Xin ông cho biết đánh giá về quan hệ Việt – Trung thời gian qua?
- Thời gian qua, quan hệ giữa 2 nước đã phát triển mạnh mẽ trên các tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Điều có thể thấy rõ là các chuyến thăm cấp cao hai nước đã được tổ chức thường xuyên. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh hơn việc trong 2 năm vừa qua, hầu như năm nào lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng thăm Việt Nam, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX được tổ chức thành công đã sang thăm cấp Nhà nước Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC.
Thứ hai là trong hơn hai năm qua hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Trong 2 năm liên tục gần đây, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và ta là đối tác thương mại lớn thứ 7, thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới. Quy mô hợp tác giữa hai nước đang ngày càng được mở rộng và tỉ trọng của ta ngày càng cao hơn trong toàn bộ thương mại của Trung Quốc trên toàn thế giới. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất thế giới với Việt Nam.
Có một điều tôi rất mừng là trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh hơn và tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc cũng tăng nên quy mô nhập siêu dù vẫn còn lớn nhưng đang giảm dần. Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng khá nhanh dù chất lượng đầu tư có thấp hơn. Hiện nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư ở nước ngoài nên vấn đề quan trọng nhất là ta thu hút được đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc, đảm bảo chất lượng môi trường. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của các bộ, ngành của chúng ta.
Thứ ba là giao lưu nhân dân tăng trưởng rất nhanh. Rõ ràng trong những năm vừa qua, vấn đề biển Đông có ảnh hưởng nhất định tới tâm tư, tình cảm của người dân nhưng với nỗ lực và quyết tâm của cả hai bên thì giao lưu nhân dân giữa hai nước đang mở rộng rất mạnh. Khách Trung Quốc vào Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Người dân Trung Quốc đã chọn Việt Nam là điểm đến du lịch yêu thích thứ hai, chỉ sau Thái Lan. Ở chiều ngược lại, người dân Việt Nam sang Trung Quốc cũng rất nhiều, năm ngoái là gần 4 triệu người.
Vấn đề biên giới trên bộ đã được triển khai rất tốt, đường biên giới trên bộ thực sự hòa bình, hợp tác. Còn vấn đề biển Đông, chúng ta thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi, đàm phán với Trung Quốc. Bất cứ lúc nào, cả trong các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của chúng ta hay tại các diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực, chúng ta đều nêu lên những quan tâm, quan ngại của chúng ta về vấn đề biển Đông.
Trong trao đổi với Trung Quốc, chúng tôi luôn nói rất rõ là vấn đề biển Đông là vấn đề hết sức hệ trọng, có liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ. Trong vấn đề này, hai bên phải tăng cường trao đổi, đàm phán và không nên làm có thêm bất cứ vấn đề gì làm phức tạp thêm tình hình. Những hành động gần đây rõ ràng của Trung Quốc trên biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông và nhất định ảnh hưởng đến sự tin cậy hai bên, đặc biệt đến lòng tin của nhân dân.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam và Trung Quốc, ví dụ hàng Trung Quốc có vào Việt Nam nhiều hơn thay vì vào Mỹ?
- Vì đây là hai nền kinh tế lớn số một thế giới và là hai nền kinh tế duy nhất có thể có tổng GDP trên 10.000 tỉ USD cho nên nếu xảy ra cọ sát thương mại hay chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì tác động sẽ có quy mô trên toàn thế giới và khu vực, liên quan đến tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Đối với Việt Nam, ảnh hưởng càng sâu rộng hơn vì cả Mỹ và Trung Quốc đều là các đối tác kinh tế thương mại rất quan trọng với Việt Nam. Ảnh hưởng đến mức nào, ra sao thì tôi nghĩ rằng phụ thuộc vào nội lực của Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta củng cố được nội lực của mình, tăng cường tự chủ của mình thì sẽ giảm bớt được ảnh hưởng tiêu cực của cọ sát thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta cũng kỳ vọng rằng có đầu tư vào Việt Nam nhưng vấn đề là chúng ta có đủ nguồn nhân lực, có đủ nội lực để tiếp nhận nguồn đầu tư này hay không.
Trung Quốc và ASEAN mới đây có thống nhất văn bản duy nhất về đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Ông đánh giá như thế nào về triển vọng về đàm phán COC?
- Trong đàm phán phải có thiện chí của tất cả các bên, ở đây là thiện chí và nỗ lực của cả ASEAN và Trung Quốc. Việc đạt được văn bản duy nhất làm cơ sở cho cả hai bên tiếp tục trao đổi về vấn đề COC là một tiến triển tích cực. Tất nhiên quá trình đàm phán còn rất là lâu dài vì nó liên quan đến nhiều nước và tình hình ở biển Đông không chỉ liên quan trực tiếp đến các nước trong khu vực mà còn liên quan đến hòa bình ổn định ở biển Đông, liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải cho nên bất cứ văn bản nào đều cần phải chuẩn bị kỹ càng. Nhưng dù sao tôi cho rằng đây là một việc rất tích cực giữa Trung Quốc và ASEAN.
Ông kỳ vọng gì về Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30?
- Tôi rất kỳ vọng tại Hội nghị lần này các nhà ngoại giao của Việt Nam và các bộ, ngành cùng nhìn nhận và đánh giá lại việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, kiểm điểm đánh giá lại xem tình hình thế giới và khu vực so với khi chúng ta tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XII 2 năm trước có gì thay đổi và trên cơ sở đó đề ra đường lối đối ngoại của chúng ta trong thời gian tới. Quan trọng hơn là đề ra, tham mưu lên trên một đường lối đối ngoại phù hợp hơn với thế và lực đang ngày càng tăng lên của Việt Nam trên trường thế giới để phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII. Do đó, tôi nghĩ đây là một hội nghị rất quan trọng.