Gương sáng Pháp luật

Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an Tuyên Quang: Tổ chức phân công, xuống biển lên rừng đều hoàn thành nhiệm vụ

(PLVN) -  Với Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang khi đã được tổ chức phân công giao nhiệm vụ thì xuống biển hay lên rừng đều phải hoàn thành nhiệm vụ.
Đại tá Đỗ Tiến Thùy.
Đại tá Đỗ Tiến Thùy.

Sống cùng dân để gỡ rối “điểm nóng”

Đại tá Thùy nguyên là Cục phó Cục Tham mưu - Tác chiến, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (CSCĐ), Bộ Công an (CA), sinh ra ở miền quê Hải Hậu, Nam Định. Ở ông toát lên sự quyết đoán, mạnh mẽ, rắn rỏi của một cán bộ công an; nhưng thâm trầm sâu sắc, đặc trưng người miền biển mặn mòi.

Năm 1993, chàng trai trở thành sinh viên ĐH Cảnh sát Nhân dân, Khóa D19. Tốt nghiệp, ông Thùy nhận công tác tại Cục Cảnh sát Bảo vệ & Hỗ trợ Tư pháp, Tổng cục Cảnh sát, Bộ CA (nay là Bộ Tư lệnh CSCĐ). Đặc thù là lực lượng chiến đấu cơ động, tham gia những nhiệm vụ đặc biệt, đây là môi trường giúp ông học hỏi nhiều điều, từ rèn luyện bản lĩnh, tinh thần thép, không ngại gian khó đến khéo léo trong lãnh đạo chỉ huy. Tinh thần “đã ra quân là giành thắng lợi” theo ông xuyên suốt chặng đường công tác. Sau mỗi nhiệm vụ ông lại thêm những bài học sâu sắc.

Gắn bó với lực lượng CSCĐ gần 20 năm, chỉ huy, năm 2018 ông được Bộ CA điều động đến nhận công tác giữ chức vụ Phó Giám đốc CA Tuyên Quang. Ông tâm sự: “Với tôi, đây là thử thách, cũng là cơ hội khi đảm nhận cương vị trọng trách trên lĩnh vực công tác mới. Thuận lợi là tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ Ban GĐ cũng như đồng đội, nhanh chóng tiếp cận thực hiện các chương trình, kế hoạch, chuyên đề thuộc lĩnh vực phụ trách”.

Thực tế mới cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc phát sinh. Tuyên Quang là địa bàn nhiều dân tộc với phong tục, tập quán riêng biệt, địa bàn miền núi xa xôi, đời sống kinh tế bà con vùng sâu vùng xa còn khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Khi tiếp nhận lĩnh vực công tác mới, ông đặc biệt quan tâm vấn đề một số người dân tự nhận “dân tộc Thủy” tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Đây là câu chuyện đã tồn tại nhiều năm, dù được chính quyền các cấp quan tâm nhưng chưa tìm được cách giải quyết triệt để.

Qua nghiên cứu, ông được biết đây là dân tộc không có tên trong Danh mục các dân tộc Việt Nam, không được công nhận theo quy định, bản thân những người tự nhận “dân tộc Thủy” cũng gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết các thủ tục tư pháp, chịu nhiều thiệt thòi vì chưa có cơ sở pháp lý hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số.

Trăn trở, Đại tá Thùy đề nghị đại diện Sở Tư pháp, UBND huyện phối hợp, cùng ông trực tiếp tới thôn Thượng Minh sống cùng người dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nắm bắt những khó khăn vướng mắc, qua đó tìm cách giải quyết dứt điểm sự việc.

Với quan điểm đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, thay vì chỉ tổ chức tuyên truyền phổ biến chung chung, ông Thùy tổ chức đối thoại, gặp gỡ toàn bộ bà con tự nhận “dân tộc Thủy”.

Đại tá Thùy (thứ hai từ phải sang) thăm hỏi bà con dân bản trong một chuyến công tác.

Đại tá Thùy (thứ hai từ phải sang) thăm hỏi bà con dân bản trong một chuyến công tác.

Tại các buổi đối thoại, ông chân tình lắng nghe người dân nêu tâm tư nguyện vọng, mong muốn; đồng thời giải thích rõ về điều khoản pháp luật cụ thể, những điều kiện, yêu cầu pháp lý để có thể đảm bảo yêu cầu cho người dân.

Qua các cuộc đối thoại trực tiếp, những vướng mắc tại thôn Thượng Minh dần được giải đáp. Những người dân tự nhận “dân tộc Thủy” tự nguyện xin chuyển đổi sang một trong các dân tộc thuộc Danh mục các dân tộc Việt Nam theo đúng quy định pháp luật; quyền lợi và chế độ chính sách từng người được thực hiện đầy đủ.

Không khí vui tươi phấn khởi đã trở lại nơi đây; xóa tan tình trạng một số người dân trước đó bị hiểu nhầm, bị ảnh hưởng một số câu chuyện màu sắc huyền bí, bị mặc cảm “không thuộc dân tộc nào”.

“Quá trình giải quyết vấn đề ban đầu vô cùng khó khăn, khi người dân còn chưa hiểu quy định pháp luật, có người không hợp tác, thậm chí ngăn cản chúng tôi tiếp cận. Có lẽ lúc đầu bà con nghi ngờ, sợ chúng tôi không thực hiện đúng như những gì đã cam kết”, Đại tá Thùy nhớ lại.

Giờ đây, những người dân thôn Thượng Minh coi Đại tá Thùy là một người anh em trong cộng đồng của họ đã góp phần giúp họ được công nhận thuộc cộng đồng các dân tộc, được hưởng mọi quyền lợi của công dân Việt Nam.

Đại tá Thùy cười tươi: “Có những con em thôn Thượng Minh đang làm cán bộ viên chức tại địa phương, có người là sinh viên. Khi vấn đề chưa được giải quyết, họ từng viết thư kiến nghị gửi lên Thủ tướng. Bây giờ vấn đề đã được giải quyết, mới đây bà con khoe với tôi đã tham gia bầu cử, đi làm Căn cước công dân”.

Được dân tin yêu, càng phải cố gắng cho xứng đáng

Đại tá Thùy vui vẻ kể: “Khi mới nhận công tác tại Tuyên Quang, một lần đi tiếp xúc cử tri cùng Bí thư Tỉnh ủy tại bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang; cả đoàn đi bộ dưới trời mưa, đường trơn trượt; đồng chí Bí thư nói: “Tôi lo nhất đồng chí Thùy mới ở Thủ đô về nhận công tác, sợ không leo được đồi núi, mà đồng chí lại dẫn đầu đoàn, đến trước cả những người khác, chứng tỏ rất nỗ lực, cố gắng”.

Ông Thùy cho biết, việc đi đến các địa bàn khó khăn hiểm trở là thường xuyên từ khi ông còn công tác tại lực lượng CSCĐ, thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm. Với ông, để chỉ đạo hiệu quả, phải trực tiếp tới địa bàn hiểu tình hình thực tế, nắm chắc khó khăn vướng mắc, biết được cuộc sống phong tục tập quán, nỗi vất vả của người dân, từ đó mới có cách xử lý phù hợp.

Bản thân ông đã đi gần như toàn bộ các địa bàn, khu vực toàn tỉnh, có nơi cách trung tâm tỉnh gần 200km, có nơi người dân sống trên núi cao chỉ có thể đi xe máy, đi bộ sẽ nguy hiểm tính mạng khi mưa lũ.

Từ những chuyến đi này, Đại tá Thùy nhận thấy một bộ phận đồng bào thiểu số có điều kiện hết sức khó khăn, sống tại khu vực hẻo lánh, sinh hoạt khép kín, gần như không đi đâu xa, ít khi sử dụng tiếng phổ thông, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc mình; nên việc tuyên truyền pháp luật bằng hình thức thông thường đều thiếu hiệu quả.

Để khắc phục vấn đề, Đại tá Thùy chỉ đạo lực lượng công an cơ sở phiên dịch các nội dung tuyên truyền sang tiếng đồng bào, phát qua loa phát thanh, kết hợp tới từng hộ dân tuyên truyền cá biệt.

Phương pháp này đã góp phần giúp CA tỉnh Tuyên Quang thực hiện hiệu quả trong Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án cấp và quản lý CCCD; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với thành tích xếp hạng A+, đứng thứ 3 toàn quốc, được Bộ CA báo cáo Thủ tướng, đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công.

Để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đại tá Thùy không nói về mình, mà nói về đồng đội làm việc không có ngày nghỉ, không kể ngày đêm, không để người dân phải chờ đợi đi lại nhiều lần. Các dịp nghỉ lễ, người dân được nghỉ ngơi, vui chơi thì ông Thùy lại cùng đồng đội xuống địa bàn tìm gặp những người dân thường vắng mặt tại địa phương, những người lao động trở về thăm gia đình, nhằm hoàn thiện dữ liệu thông tin.

Đại tá Thùy chỉ đạo, động viên cán bộ chiến sĩ một tổ công tác lưu động.

Đại tá Thùy chỉ đạo, động viên cán bộ chiến sĩ một tổ công tác lưu động.

Công tác cải cách hành chính của CA Tuyên Quang những năm qua cũng luôn đạt thành tích cao, thủ tục hành chính được cải cách theo hướng đơn giản hoá, tăng cường công khai minh bạch, giảm thời gian; nhiều mô hình, sáng kiến hay được áp dụng tạo thuận lợi cho nhân dân. Chỉ số cải cách hành chính của CA Tuyên Quang trong nhiều năm liên tiếp được Bộ CA xếp hạng Xuất sắc, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Gắn bó mật thiết với dân, được yêu mến, tin tưởng, Đại tá Thùy đã được đồng bào người Mông thôn Khuẩy Củng, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình yêu mến dành tặng bộ quần áo Tà Pủ truyền thống. Bộ quần áo được dệt thủ công từ những sợi bông chỉ rất hiếm, bà con tranh thủ nhặt từng quả bông trên rừng trên núi khi đi làm nương rẫy, gom vào dệt thành vải lanh, sau đó may thành bộ quần áo. “Nhận món quà này mà tôi rưng rưng, tự hứa với lòng mình càng phải phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với sự tin yêu, phục vụ nhân dân tốt hơn”, Đại tá Thùy nói.

Đồng thời là Chủ tịch hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật CA tỉnh, Đại tá Thùy chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng, “mềm hóa” các văn bản pháp luật vốn khô khan. Các bài tuyên truyền phải được đơn giản hóa, dễ nhớ, dễ hiểu với nhiều hình ảnh minh họa cụ thể. Các hoạt động tuyên truyền phải được tổ chức khoa học, lồng ghép hoạt động thiết thực thu hút người dân tham gia. “Không phải là tổ chức được nhiều hay ít, mà phải mang lại hiệu quả, nâng cao nhận thức pháp luật cho dân”, Đại tá Thùy nhấn mạnh.

Đọc thêm