Gần 3 thập kỷ ăn, ngủ cùng dân
Xuất phát từ sở thích đọc sách về những người lính biên phòng cưỡi ngựa, bắn cung, giỏi võ từ nhỏ, anh Tuấn đã nuôi khát vọng sau này phải trở thành người lính thực thụ. Thế là, sau năm tháng cần mẫn, chăm chỉ ngồi trên ghế Trường Sỹ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), anh Tuấn ra trường với màu quân phục người lính.
Tháng 8 năm 1986, chàng Trung úy trẻ Tống Anh Tuấn được điều về công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và phân công làm Đội trưởng đội Trinh sát đồn Biên phòng 767 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông).
Bấy giờ, Quảng Trực nổi tiếng với nhiều "cái nhất" của tỉnh Đắk Nông như: xã rộng nhất, đường biên giới dài nhất, kinh tế khó khăn nhất. Điều đó không khiến chàng sinh viên mới ra trường lo lắng, điều anh quan tâm là cư dân bản địa chủ yếu là người dân tộc thiểu số (dân tộc M'nông), đa phần không biết nói tiếng Kinh.
Đặt chân lên cao nguyên, với nơi ăn nghỉ đơn sơ, điều kiện hoạt động phân tán, lại phải độc lập tác chiến trên địa bàn rộng, gặp muôn vàn nguy hiểm nhưng anh Tuấn không sờn lòng. Với nhiệm vụ bám, nắm địa bàn, anh Tuấn cùng đồng đội quyết tâm để có thể hiểu và nói được tiếng bản địa nhanh nhất là cùng ăn, ở và giúp dân làm rẫy. Thế là ban ngày đồng đội thay phiên nhau đi làm rẫy với bà con, tối đến đi vận động, tuyên truyền về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Sau năm tháng khổ luyện, chịu nhiều khó khăn, anh Tuấn có thể giao tiếp bằng tiếng M'nông với đồng bào, thông thạo làm rẫy và hiểu được các tập tục của đồng bào.
Liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, đối tượng, địa bàn ngày càng sâu rộng. Năm 1994, anh Tuấn được cấp trên cử đi học tại Trường Đại học Luật Hà Nội để nâng cao nghiệp vụ đấu tranh với các hoạt động của các loại tội phạm vi phạm pháp luật trên biên giới. Với những thành tích đạt được, anh Tuấn được nâng quân hàm lên Thiếu tá và giữ chức Trợ lý Phòng Trinh sát, Trợ lý Điều tra hình sự, Trưởng ban Điều tra hình sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.
|
Đại tá Tống Anh Tuấn |
Bao năm tháng, anh Tuấn luôn lặng lẽ đi đầu, chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa bằng sự trầm tĩnh, đầy thận trọng để nắm chắc, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình trên các tuyến biên giới, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất lên cấp trên chủ trương, đối sách, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Anh luôn quán triệt cấp dưới cũng như đồng đội phải luôn phát huy cao độ phương châm “Tinh gọn - Sắc bén - Tinh thông - Chuyên nghiệp” để chủ động bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền an ninh biên giới từ xa, từ sớm. Muốn làm lính trinh sát giỏi không chỉ cần tinh thông nghiệp vụ mà còn phải am hiểu sâu sắc tập quán, nhận thức của các dân tộc trên địa bàn biên giới.
Từ ngày nhận nhiệm vụ Đội trưởng, Đồn phó Trinh sát Đồn biên phòng vào tháng 8/1986 đến hết tháng 7 năm 2014 là Đại tá, Trưởng phòng Trinh sát, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, anh Tuấn có 29 năm làm trinh sát. Suốt quãng thời gian đó Tuấn luôn nỗ lực, kiên trì rèn luyện, học tập, phấn đấu không ngừng.
Gần 3 thập kỷ với tinh thần lặng lẽ, bền bỉ, bám nắm địa bàn, theo dõi di biến động của đối tượng bằng sự nhạy bén, nhận định đúng tình hình, lực lượng trinh sát Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã vô hiệu hóa được ý đồ chống phá của nhiều đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo trên vùng biên giới địa bàn tỉnh Ðắk Lắk, Đắk Nông, hay đối tượng phản động lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc, góp phần xây dựng vùng biên luôn bình yên.
Bản lĩnh vững vàng
Ngần ấy thời gian làm và đảm nhiệm vị trí đầu sóng trong lĩnh vực trinh sát tại các đồn biên phòng vùng biên đã để lại cho anh Tuấn rất nhiều kinh nhiệm công tác, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần khắp dải biên giới với nước bạn, chỉ cần 1 chút lơ là, chểnh mảng chắc chắn nhiệm vụ sẽ bị thất bại, gây thiệt hại nặng nề.
Tháng 8/2014, Đại tá Tống Anh Tuấn nhận trọng trách mới là Phó Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.
Ở cương vị mới, nhiệm vụ của anh là chỉ huy, phụ trách công tác nghiệp vụ, đấu tranh với các loại tội phạm thuộc diện vi phạm pháp luật trên biên giới, như tội phạm buôn bán ma túy, buôn bán người, buôn lậu…trên địa bàn.
|
Đại tá Tống Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đắk Lắk phát biểu trong Lễ tiễn quân nhân |
Qua quá trình công tác, anh Tuấn nhận thấy mỗi người cán bộ, chiến sỹ bộ đội Biên phòng phải không ngừng học tập, tu dưỡng trong mỗi việc làm, hành động, để "giỏi về nghiệp vụ, sáng về đạo đức, vững về bản lĩnh và có tâm trong công việc".
Đặc biệt, để trở thành một trinh sát bộ đội biên phòng giỏi ngoài sự kiên trì thực hiện “ba bám”, “bốn cùng” mà còn cần có sự hi sinh thầm lặng, dũng cảm, mưu trí, bản lĩnh vững vàng, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán của bà con dân tộc vùng biên.
Anh cũng như lãnh đạo của mình luôn quán triệt nhất quán quan điểm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là “dựa vào dân, lấy dân là gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”.
Vì vậy, việc xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại, tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển với nước bạn Campuchia.
Được biết, địa bàn biên giới gồm 4 xã thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều khi vì khó khăn mà dẫn tới vi phạm pháp luật. Vì thế, ngoài việc kết hợp tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh cũng thường xuyên phối hợp, giúp đỡ người dân làm ăn phát triển kinh tế. Với những gia đình đặc biệt khó khăn tại địa bàn 3 xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn), Ia Rvê, Ia Lốp (huyện Ea Súp), lực lượng bộ đội biên phòng cũng đến từng gia đình trao quà hỗ trợ, đồng thời, thăm hỏi, động viên các gia đình khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm quy chế khu vực biên giới và các quy định về phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh, tuyệt đối không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới".
"Thời gian tôi nằm địa bàn huyện Tuy Đức, khi đó địa phương xảy ra một số trường hợp người bị ốm đau, trâu bò bỗng dưng lăn ra chết. Đồng bào nơi đây hoang mang, cho rằng do con “Ma lai" làm và nghi ngờ cho người phụ nữ ở trong bon. Có người nói: Phải giết con “Ma lai" này thì buôn làng mới yên lành được, nếu không giết nó ăn hết nội tạng của trâu bò trong bon thôi. Nghe xong, tôi mới ôn tồn hỏi chuyện về người phụ nữ bị nghi ngờ là "Ma lai"?. Một số người khẳng định: Chỉ cần đun nóng chì tan chảy, đổ vào lòng bàn tay người bị nghi, nếu là "Ma lai"sẽ không thấy đau, hoặc dìm xuống nước là "Ma lai" sẽ không chết", Đại tá Tuấn kể lại.
Hiểu rõ cơn cớ sự việc, anh Tuấn cùng đồng đội nhanh chóng tập trung người dân tại nhà văn hóa để xử lý dứt điểm. Cuộc tuyên truyền, vận động đó, anh Tuấn dùng lời lẽ đanh thép, nếu chứng minh được người bị nghi không phải "Ma lai", thì người vu oan phải chịu nộp phạt với buôn làng (theo phong tục phạt vạ). Nhiều lần vận động, tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thuộc đồn biên phòng do Tuấn quản lý đã xóa bỏ được suy nghĩ và hủ tục về con “Ma lai" và "bùa ngải".
Một lần khác, anh Tuấn bắt giữ được một nhóm người vượt biên sang Campuchia để săn bắn, đặt bẫy thú rừng, vi phạm về Quy chế biên giới quốc gia. Hôm đó, người bị bắt trả lời: "Cứ thấy dấu chân con thú thì đi theo để săn bắn, đặt bẫy không biết đâu là biên giới cả". Suy nghĩ một hồi, anh Tuấn giải thích, chủ quyền, lãnh thổ biên giới Quốc gia cũng như ranh giới của một gia đình, nếu sang nhà hàng xóm đặt bẫy, săn thú cũng giống như hành vi trộm cắp. Anh Tuấn khéo léo lồng ghép vào luật tục của đồng bào như những vụ "Trộm cắp tài sản" để xử lý, răn đe đã khiến cho như người vi phạm pháp luật tâm phục, khẩu phục.
Anh Tuấn cho biết: "Với các vụ việc của bà con đồng bào dân tộc thiểu số khi áp dụng xử lý vi phạm pháp luật, nếu khéo léo vận dụng giữa luật tục và pháp luật sẽ giải quyết vấn đề một cách triệt để. Nhiều hủ tục lạc hậu cần phải xóa bỏ, nhưng những luật tục tiến bộ, phù hợp với văn bản, quy phạm pháp luật có thể áp dụng nhằm giải quyết vấn đề triệt để.
Trải qua nhiều vị trí, cương vị công tác, từ Đội trưởng trinh sát, Đồn phó trinh sát, Phó phòng, Trưởng phòng, và hiện nay là Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk. Trên cương vị công tác được giao, Đại tá Tuấn luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Từ nhiều sự đóng góp đó, Đại tá Tống Anh Tuấn vinh dự nhận được nhiều hình thức khen thưởng từ Trung ương đến địa phương, như Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 1, 2,3; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng; Nhiều bằng khen và Giấy khen khác.