Đại tướng và chuyện kể ở ngôi nhà ấu thơ

Chúng tôi đã may mắn có dịp tới thăm ngôi nhà thời thơ ấu, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời bên dòng Kiến Giang vào một sáng tinh sương, trong những ngày kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Cánh cổng gỗ luôn rộng mở và một người cháu của Đại tướng, người trông coi ngôi nhà này từ năm 1978, đã tự hào kể về những kỉ niệm nằm lòng...

Chúng tôi đã may mắn có dịp tới thăm ngôi nhà thời thơ ấu, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời bên dòng Kiến Giang vào một sáng tinh sương, trong những ngày kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Cánh cổng gỗ luôn rộng mở và một người cháu của Đại tướng, người trông coi ngôi nhà này từ năm 1978, đã tự hào kể về những kỉ niệm nằm lòng...

Người “gác đền” thầm lặng

Ông Võ Đại Hàm là người cháu thúc bá gọi Đại tướng bằng bác, nay đã ngoài 70. Hàng ngày, ông tận tụy với công việc trông coi hương hỏa và chăm sóc ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thôn Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

sgdgh
Ông Võ Đại Hàm bên ngôi nhà ấu thơ của Đại tướng

Sinh ra trong gia đình cách mạng có cha và anh là liệt sĩ, năm 1960, ông được đưa ra miền Bắc học tại trường thân nhân liệt sĩ Hà Nội. Chiến tranh đi qua, ông trở về miền quê gió Lào, cát trắng lập nghiệp. Năm 1978, khi ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn thành,“lúc đó, bác Giáp giao luôn nhiệm vụ trông coi nhà cửa và phần đất hương hỏa gia đình cho tôi. Nghe lời bác dặn, tôi xây dựng nhà của mình ngay sau lưng ngôi nhà của bác để dễ dàng quản lý” - ông Hàm cho biết.

Và bây giờ, sau hơn 30 năm, ông bảo ông đã ở trong ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng bao nhiêu năm qua, còn gắn bó thân thiết hơn cả nhà của mình. Mỗi tặng vật như bức ảnh, sách, chữ Hán viết bằng giấy dó... của người dân khắp nơi mến mộ mang về tặng Đại tướng, ông Hàm đều nâng niu, trân trọng giữ gìn.

Chẳng thể kể hết thời tiết khắc nghiệt của miền quê gió Lào cát trắng và bão lũ liên miên. Hàng năm, để đối phó với những trận lũ lụt, ông Hàm thường phải tỉ mỉ cất dọn đồ đạc thật cao và không bao giờ để tổn hại và thất thoát bất cứ món đồ nào. Vì thế, những bức ảnh, nhữngđồ vật dù không còn mới nhưng lúc nào cũng được lau quét sạch sẽ.

Ông Hàm kể rằng: “Năm 1946, thực dân Pháp lấy cớ gia đình có người theo cộng sản nên đã đưa lính đến bắt cụ Võ Quang Nghiêm, cha của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phóng hỏa đốt nhà. Sau này, ngôi nhà được tái tạo, sửa chữa lại như lúc nguyên sơ. Còn cây khế phía sau nhà đã hơn 100 năm tuổi, là nơi ngày xưa Đại tướng vẫn ngồi học bài và chơi các  trò chơi cùng các bạn đồng liêu như bao cậu bé khác”.

Công việc hằng ngày của vợ chồng ông Hàm là quét dọn, chăm sóc cây cối, nhà cửa, chăm lo hương khói trên bàn thờ ông bà và tiếp đón các đoàn khách. Mỗi năm nơi đây đón hàng trăm đoàn khách du lịch quốc tế và nội địa đến viếng thăm nhưng nhà lưu niệm không có hướng dẫn viên du lịch, nên ông bà Hàm đảm nhận luôn nhiệm vụ giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan. Dù không có trình độ, chuyên môn du lịch nhưng bằng những câu chuyện mộc mạc, giản dị, gần gũi và yêu quý nâng niu từ tấm lòng của ông bà đã cuốn hút nhiều du khách. Đặc biệt với những người  nước ngoài, họ rất ngưỡng mộ một anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh lại có một tuổi thơ bình dị đến vậy..

Năm đó, hai người con gái Pháp có ông nội từng là lính viễn chinh Pháp tham gia tại chiến trường Việt Nam. “Họ đã phải thốt lên rằng thật không ngờ, cha ông họ lại bị đánh bại bởi một con người sinh ra và lớn lên trên nếp nhà đơn sơ, trên mảnh đất khắc nghiệt nắng gió này. Sự tò mò và lòng ngưỡng mộ khiến họ lưu lại bảy ngày ở Lệ Thủy để tìm hiểu về cuộc sống và con người nơi đây” - ông Hàm cho hay.

Và nhiều người cho rằng, điều thú vị khi tới ngôi nhà mộc mạc thời ấu thơ của Đại tướng là được gặp ông Hàm bởi trong không gian đó, nếu thay bằng một cô hướng dẫn viên xinh xắn thì sức hấp dẫn sẽ giảm đi rất nhiều.

“Trẻ con làng mình giờ còn tắm sông nữa không”?

Con đường dẫn vào nhà Đại tướng thẳng tắp ra dòng Kiến Giang hiền hòa, nơi bất cứ đứa trẻ nào lớn lên bên con sông đều có những kí ức trong trẻo về nó. Ông Hàm nhớ lại: “Mỗi lần về quê, điều đầu tiên là Đại tướng vào thắp hương cho cha mẹ, rồi cụ xuống bến sông quê vốc nước phả vào mặt, ngắm sông cho “đã thèm”. Có một điều đặc biệt, theo lời kể của ông Hàm là mỗi lần Đại tướng về quê, không bao giờ đi xe tới trước cổng nhà mà dừng ở ngoài xa, đi bộ, nắm tay thăm hỏi, ôm hôn bà con xóm làng sau những ngày xa cách.

Ông Hàm xúc động cho biết, trừ lần về thăm quê hương năm 2004, lúc đó sức khỏe của Đại tướng không được như xưa, những lần trước lúc nào Đại tướng cũng dành thời gian ăn nghỉ ngay tại ngôi nhà của mình để có dịp tiếp đón bà con, xóm làng. Thường thì thời gian ở nhà, cơm nước cho Đại tướng đều do bà Trần Thị Vân (vợ ông Hàm) nấu nướng. “Tui cũng chỉ nấu cho ông những món dân dã quê nhà như cá bống kho tộ, canh chua cá lóc, thêm đĩa rau muống luộc, đĩa cà pháo muối...

Cũng lạ, thế mà tui thấy ông ăn rất ngon miệng”- bà Vân cho hay. Và thông thường, trước lúc vào bữa ăn, Đại tướng hay kể những câu chuyện tếu làm mọi người thường bật cười và quên đi khoảng cách giữa một vị Tướng với một người dân, chỉ còn lại sự sum vầy của không khí gia đình.

“Cả cuộc đời cụ đi đánh giặc, lo cho dân cho nước, đọc đủ các loại sách, công việc bận rộn thế, nhưng khi còn khỏe mỗi lần về thăm quê, hoặc có con cháu ra thăm cụ nhớ hết kỷ niệm, kỷ vật ở quê, ở nhà. Cụ nhớ trên bàn thờ gia đình lư hương làm bằng gì, đặt ở vị trí nào, trong nhà chiếc bàn, chiếc ghế đặt ra sao…”. Đại tướng thường hỏi ông Hàm: “Trẻ con làng mình bây giờ còn tắm sông nữa không? Năm nay đua thuyền làng nào về nhất?...”. Trong ký ức của vị tướng huyền thoại luôn đầy ắp hình ảnh dòng Kiến Giang trong xanh, hiền hòa cùng làn điệu hò khoan Lệ Thủy, Quảng Bình. Với ông đó là một phần máu thịt quê hương.

Và trên quê hương Lệ Thủy hôm nay, bên cạnh màu xanh mướt mát trù phú của cây cối ruộng đồng, các làng nghề đã được khôi phục, giàu lên; nghề chiếu cói An Xá nhờ Đại tướng khuyên phải làm chiếu hoa thì nay chiếu hoa đã xuất đi khắp mọi miền...

Nguyệt Thương

 

Đọc thêm