Một phần kết quả này là do giá cà phê thế giới duy trì ở mức 42 triệu đồng/tấn và giữ ở mức cao trong một thời gian dài. Cùng với đó, việc sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, đã giúp cho một lượng đáng kể cà phê Đắk Lắk được bán với giá cao. Đến nay, toàn tỉnh có 17 đơn vị, 11.000 hộ tham gia sản xuất có chứng nhận với tổng diện tích hơn 15.600 ha. Niên vụ 2017-2018, diện tích cà phê ở Đắk Lắk dự kiến giảm xuống còn 202.000 ha, sản lượng sẽ giảm khoảng 1.300 tấn do thời tiết không thuận lợi và có nhiều diện tích được đưa vào tái canh.
Theo ông Bạch Thanh Tuấn, thành viên Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, thách thức lớn nhất của cà phê Đắk Lắk hiện nay là chất lượng cà phê còn phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nhất là chất lượng cà phê sau thu hái.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Tuấn đề xuất, tỉnh Đắk Lắk hiện nay có nhiều doanh nghiệp cơ khí với những máy móc trang thiết bị đáp ứng được các nhu cầu phơi sấy chế biến. “UBND tỉnh Đắc Lắk nên có các giải pháp, cụ thể như kết hợp sự đầu tư của các doanh nghiệp đối với những khu vực, những vùng trồng cà phê tập trung để tạo điều kiện cho người nông dân có điều kiện phơi, sấy và cũng giúp cải thiện được hình ảnh, chất lượng cà phê Đắk Lắk”, ông Tuấn cho biết.