Đảm bảo an toàn Đê điều trước mùa mưa bão tại Quảng Ninh

(PLVN) - Tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 397km đê gồm: 33km đê cấp quốc gia, 134km đê cấp 4 và 230km đê cấp 5; hệ thống đê này có vai trò thiết yếu và quan trọng trong việc bảo vệ khoảng 43.600 ha diện tích đất sản xuất và sinh hoạt, cùng với khoảng 250.000 người dân sống tại các vùng trũng, ven biển và ven sông trên địa bàn.
Các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng các công trình đê, hồ chứa nước, cống thoát lũ... để có biện pháp xử lý kịp thời.

Những năm qua, nhờ sự đầu tư từ Trung ương đến địa phương nên khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống đê đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, sau bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9/2024, nhiều đoạn đê cấp 4 do địa phương quản lý đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 631 ngày 4/3/2025, phê duyệt kế hoạch duy tu, bảo dưỡng 8 tuyến đê cấp 4 nhằm cải thiện khả năng chống lũ, đảm bảo an toàn cho người dân và ổn định đời sống khu vực ven đê. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương triển khai kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê cấp 4 trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Xuân Hiển - Giám đốc Ban Quản lý dự án trồng rừng Việt Đức, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, đơn vị chủ đầu tư các dự án cho biết: “Tuyến đê Hồng Phong - Trần Hưng Đạo tại TP Đông Triều dài 700m, là tuyến đê trọng yếu và được ưu tiên triển khai đầu tiên. Ngay sau khi kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt chúng tôi đã khẩn trương triển khai kế hoạch đầu tư và trình kế hoạch đấu thầu. Dự kiến trong tháng 6 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu, đấu thầu qua mạng và phấn đấu hoàn thành toàn bộ 8 công trình trong tháng 8, tháng 9 năm nay”.

Theo đó, tổng kinh phí cho các công trình này là khoảng 36 tỷ đồng, được triển khai trên địa bàn các thành phố/huyện/thị xã/ gồm: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Tiên Yên và Hải Hà. Các hạng mục tu bổ gồm: sửa chữa, gia cố mặt đê, xử lý các điểm sạt trượt, nứt nẻ, sập tổ mối, thấm rò rỉ, trồng cây chắn sóng và cải tạo hành lang chân đê...

Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng được yêu cầu thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng các công trình đê, hồ chứa nước, cống thoát lũ... để có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện dấu hiệu mất an toàn, nhằm chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, không để xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy” được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong mùa mưa bão năm nay.

Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực từng bước nâng cấp, củng cố hệ thống đê điều, hướng tới mục tiêu giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra và đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong mọi tình huống. Đây là bước đi thiết thực nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng hệ thống hạ tầng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách ổn định, lâu dài.

Đọc thêm