Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương Phạm Mạnh Hùng cho biết, theo Đề án, tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã tại 11 huyện, thành phố (55 ĐVHC cấp xã). Tại TP Hải Dương sẽ tiến hành nhập 2 xã; điều chỉnh địa giới hành chính một số phường, xã và thành lập 2 phường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cho biết thêm, toàn tỉnh sẽ giảm 30 xã, trung bình mỗi xã giảm từ 21 đến 23 cán bộ, công chức. Như vậy sẽ giảm khoảng 600 cán bộ, công chức; giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong tỉnh.
Còn Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế Bạch Chơn Đông thì cho biết, địa phương sẽ thực hiện sắp xếp 7 ĐVHC cấp xã tại 5 huyện, thị xã. Như vậy sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh này sẽ giảm được 7/152 đơn vị.
Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định cho biết, trong thời gian xây dựng Đề án, tỉnh tạm dừng việc bầu, phê chuẩn các chức danh cán bộ quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp từ ngày Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 có hiệu lực; trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.
Đối với Lâm Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trương Văn Hòa cho biết, tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp 10 đơn vị của 3 huyện. Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Lâm Đồng còn 142 ĐVHC cấp xã, giảm 5 xã. Tại 10 ĐVHC cấp xã (trong đó 6 xã thuộc diện phải sắp xếp, 1 xã thuộc diện khuyến khích và 3 đơn vị liền kề có liên quan) đang bố trí 193 cán bộ, công chức và 119 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã, tỉnh sẽ bố trí số lượng cán bộ cấp xã, số người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó theo quy định, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức ngành dọc cấp trên (55 người, dôi dư 47 người) để đảm nhiệm các chức vụ như Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và cấp trưởng các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo Đề án thành lập thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã được thông qua tại Hội nghị, thị trấn Lộc Hà được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 9,39km2 diện tích tự nhiên và dân số 9.624 người của xã Thạch Bằng hiện có. Thị trấn Lộc Hà sau khi thành lập có 10 tổ dân phố. Trụ sở UBND thị trấn Lộc Hà đặt tại trụ sở của xã Thạch Bằng hiện tại.