Trả lời báo chí, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ công chức Viên chức (Bộ Nội vụ), cho hay, theo phân cấp quản lý cán bộ, bà Hồ Thị Cẩm Đào (Trưởng Ban Dân vận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) thuộc diện Ban Bí thư Trung ương quản lý. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin báo chí, Bộ Nội vụ đã kịp thời có văn bản đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng rà soát kết quả và báo cáo việc xử lý.
Ngày 6/9, Bộ Nội vụ nhận được báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, trong đó nêu rõ Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu bà Hồ Thị Cẩm Đào kiểm điểm, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh và Ban Tổ chức Tỉnh ủy yêu cầu bà Đào kiểm điểm. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã xem xét và nhận thấy báo cáo đánh giá, giải trình của bà Hồ Thị Cẩm Đào và việc nắm tình hình của ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là phù hợp. Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng đã báo cáo các cấp có thẩm quyền là Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vụ việc trên.
Liên quan đến vấn đề xem xét trách nhiệm của bà Hồ Thị Cẩm Đào với tư cách đại biểu Quốc hội, ông Long cho biết thẩm quyền này là của Ban Công tác đại biểu. Qua báo cáo của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Sóc Trăng, các cơ quan liên quan sẽ kịp thời phối hợp, chỉ đạo đánh giá và xử lý theo quy định. “UBND tỉnh Sóc Trăng đã có đã có Công văn số 1860/UBND-TH ngày 3/9/2019 Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý thông tin báo chí.
Theo đó, quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng là kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với bà Hồ Thị Cầm Đào và các tổ chức, cá nhân liên quan. Về việc này, căn cứ thẩm quyền quản lý cán bộ, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ban của Đảng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định của Đảng và của pháp luật”- ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết.
Làm rõ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, hiện UBND tỉnh Sóc Trăng đã có báo cáo gửi Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ban Đảng liên quan, khi có ý kiến các cơ quan đó thì Bộ Nội vụ sẽ thông báo các cơ quan báo chí.
Thông tin về vấn đề giao biên chế công chức, viên chức năm 2020, cụ thể là số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ông Vũ Đăng Minh cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Thủ thướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có mức tăng dân số cơ học cao và 05 tỉnh Tây Nguyên.
Đồng thời, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát cụ thể số biên chế giáo dục, y tế của các địa phương để bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước thực trạng nhiều địa phương điều chuyển các giáo viên với số lượng lớn từ cấp cao xuống cấp thấp (từ cấp THCS xuống dạy Tiểu học và Mầm non), gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các giáo viên, đồng thời đặt ra vấn đề chất lượng giảng dạy có đảm bảo hay không? Ông Trương Hải Long giải thích: việc điều chuyển này là giải pháp khắc phục chuyện thừa- thiếu giáo viên cục bộ.
Tuy nhiên, trước khi điều chuyển, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương thực hiện (như bồi dưỡng, tập huấn… cho giáo viên) để đảm bảo các giáo viên sau khi được điều chuyển có chất lượng phù hợp với các cấp học đó. “Tinh thần chung của việc điều chuyển giáo viên các cấp là phải phù hợp với vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp”- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Nội vụ cho hay, trong công tác sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã, đến ngày 17/9/2019, Bộ Nội vụ đã nhận được Phương án tổng thể của 41/46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đã có 19 tỉnh, thành phố gửi Đề án chi tiết và Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định cho 12 tỉnh. Dự kiến hôm nay và ngày mai (ngày 21, 22/9), Bộ Nội vụ tiếp tục tổ chức thẩm định cho 7 tỉnh còn lại. Đồng thời, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ đề án của 2 tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa
Qua thẩm định Đề án, nhìn chung các địa phương đã bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước để xây dựng hồ sơ Đề án. Nội dung Đề án đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã để vừa đạt mục tiêu là giảm số lượng ĐVHC, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp; đồng thời xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.