Theo nhận định của Bộ Tư pháp về thực tiễn triển khai thi hành Luật XLVPHC thì trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn, lợi dụng việc doanh nghiệp nhập khẩu các loại hàng hóa thông thường, nhưng khi bị kiểm tra, phát hiện là hàng lậu, hàng cấm; mua hàng chất lượng thấp để đóng gói với nhãn hiệu giả có chất lượng, giá trị cao hơn, đưa vào các chợ vùng nông thôn, miền núi để tiêu thụ…
Trong những trường hợp này, giá trị tang vật, phương tiện vi phạm là căn cứ để xác định khung hình phạt, từ đó xác định thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, đối với tang vật VPHC là hàng cấm (pháo nổ, đồ chơi bạo lực; thực vật rừng, động vật rừng thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) như ngà voi, sừng tê giác; phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường…), cơ quan có thẩm quyền không xác định được giá trị chính xác do các mặt hàng này không phổ biến hoặc không được phép lưu thông, mua bán trên thị trường.
Không những thế, một số quy định về hàng hóa cấm kinh doanh đang tạo ra kẽ hở nhất định. Điển hình, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 43/2009/NĐ-CP và hợp nhất theo Văn bản số 196/BVHN-BCT) quy định “các loại pháo”, “thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu “thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Đồng thời, Điều 4 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Đầu tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015) thì “pháo các loại” và sản phẩm thuốc lá” thuộc ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện (quy định tại Điều 7 và Phụ lục 04). Điều 6 Luật Đầu tư chỉ quy định các ngành, nghề: Kinh doanh các chất ma túy; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người là ngành, nghề cấm kinh doanh. Từ các quy định trên, hiện lực lượng Quản lý thị trường không xác định được thuốc lá điếu nhập lậu và pháo nổ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện hay mặt hàng cấm kinh doanh.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có ý kiến trả lời về vấn đề này. Ngoài ra, cần quy định phương án xử lý cụ thể trong trường hợp tang vật VPHC là hàng cấm trong quá trình sửa đổi Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC. Đối với đề xuất thứ hai, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 81 dự kiến bổ sung quy định cụ thể trường hợp tang vật VPHC là hàng cấm thì không phải tiến hành xác định giá trị tang vật vi phạm.