Đảm bảo nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Tất cả những kinh nghiệm của các nước về xây dựng, thực thi các qui định về tổ chức và kiểm soát QLNN sẽ là những gợi ý hữu ích cho Việt Nam khi nghiên cứu các vấn đề mới về lý luận và thực tiễn cho sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Trong số các vấn đề được đặt ra khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, vấn đề tổ chức bộ máy Nhà nước và tổ chức quyền lực nhà nước (QLNN) là trọng tâm. Những nội dung sửa đổi, bổ sung này đặt ra nhiều vấn đề mới về lý luận và thực tiễn cần được tìm hiểu qua kinh nghiệm của các nước.

Hội thảo “Tổ chức quyền lực nhà nước: kinh nghiệm từ Hiến pháp một số nước” được Văn phòng Quốc hội và Viện KAS (Đức) tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 28-29/2.

Hội thảo “Tổ chức quyền lực nhà nước: kinh nghiệm từ Hiến pháp một số nước”
Hội thảo “Tổ chức quyền lực nhà nước: kinh nghiệm từ Hiến pháp một số nước”

Phân chia QLNN và vấn đề dân chủ

Theo TS.Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước được xác định theo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập, hành, tư pháp…

Kinh nghiệm của CHLB Đức và châu Âu cho thấy, thực tiễn luôn phức tạp hơn lý thuyết về phân chia quyền lực. Xu hướng phân chia quyền lực trong Hiến pháp Đức thể hiện qua các vấn đề dân chủ đại diện (và trực tiếp), dân chủ đại nghị, dân chủ đảng phái, dân chủ liên bang, dân chủ tự do (các quyền cơ bản), giám sát Hiến pháp, tự trị địa phương (và khu vực khác), trung lập hành chính, độc lập của tư pháp, hội nhập châu Âu và thế giới mở.

Theo phân tích của PGS.Joerg Menzel (Đại học Born), một số thách thức đã và đang đặt ra cho Đức và các nước Âu trong việc phân chia quyền lực chính là việc phải tăng cường vai trò của Nghị viện trong mối quan hệ với Chính phủ, cân bằng vai trò của Tòa án, tránh hiện tượng “pháp lý đơn thuần” để đảm bảo dân chủ hợp pháp. Đồng thời bảo vệ các quyền cá nhân thông qua những hạn chế đối với chính quyền và xem xét khả năng thích ứng của hệ thống tổ chức bộ máy dựa trên nguyên tắc “phân chia quyền lực” đối với những thách thức của việc “dân chủ ở mức độ cao”.

Cần sự kiểm soát quyền lực nhà nước

Trong khi đó, thông qua phân tích và so sánh sự phân chia và kiểm soát quyền lực ở các nước châu Á như Sri Lanka, Indonesia, Trung Quốc, Capuchia, Bhutan, Thái Lan, Singaopore…, GS.Kevin Tan (Đại học quốc gia Singapore) chỉ ra những “hình hài” Hiến pháp được thay đổi gắn với những bước phát triển và biến động của lịch sử các quốc gia.

Dẫn chứng về kiểm soát quyền lực trong chính thể Tổng thống ở Philippines, ông Reynato S.Puno (cựu Chánh án TATC Philippines) cho rằng: “Dân chủ không hình mẫu nào cả. Qua thời gian, nhiều mô hình khác nhau được xây nên theo nhu cầu của mỗi nước và chịu ảnh hưởng từ văn hóa, phong tục, truyền thống. Ngày càng nhiều mô hình hỗn hợp đang được phát triển và đều có một hướng chung là thúc đẩy chân giá trị của con người”. Còn theo TS.Tô Văn Hòa, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hiến pháp hiện hành của Philippines thực sự đã rất coi trọng tới vấn đề kiểm soát QLNN, bảo đảm đứng đắn của việc thực hiện QLNN. Các cơ chế kiểm soát QLNN trong Hiến pháp Philippines khá toàn tiện và có thể đem lại hiệu quả.

Ở Hàn Quốc, theo nhận định của Thẩm phán Dong – Heub Lee (TA Hiến pháp Hàn Quốc), Hiến pháp hiện hành “tăng cường cho ngành lập pháp và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự công bằng về mặt thủ tục khi thực hiện quyền làm chủ. Với cách thức này, Hiến pháp hướng đến việc đạt được sự kiểm soát và cân bằng giữa ngành lập pháp và hành pháp”.

Bình luận về vấn đề kiểm soát quyền lực ở châu Âu, GS.Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, tổ chức và kiểm soát QLNN phải được qui định trong Hiến pháp, tạo nên những bộ phận “gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời”.

Tất cả những kinh nghiệm của các nước về xây dựng, thực thi các qui định về tổ chức và kiểm soát QLNN sẽ là những gợi ý hữu ích cho Việt Nam khi nghiên cứu các vấn đề mới về lý luận và thực tiễn cho sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Trước yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là sau ĐH Đảng XI, việc sửa đổi Hiến pháp là vấn đề cấp bách. Quốc hội đã xác định 7 nhóm vấn đề trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này, trong đó vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước và tổ chức quyền lực nhà nước là trọng tâm.

Sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiệm vụ làm rõ cách thức tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với điều kiện, bối cảnh phát triển của đất nước, bảo đảm quyền lực nhà nước thống nhất, phân công, phối hợp các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập, hành, tư pháp; hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan trong bộ máy nhà nước”.

Huy Anh

Đọc thêm