Đảm bảo tiền lương thực sự là động lực thực thi công vụ

(PLVN) -  Việc tăng lương cơ sở sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động, đồng thời nâng cao tinh thần làm việc và hiệu quả lao động của cán bộ, công chức, viên chức; giảm tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.
Việc tăng lương cơ sở sẽ góp phần nâng cao hiệu quả lao động của cán bộ, công chức, viên chức và giảm tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc. (Ảnh minh họa)
Việc tăng lương cơ sở sẽ góp phần nâng cao hiệu quả lao động của cán bộ, công chức, viên chức và giảm tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc. (Ảnh minh họa)

Sớm khắc phục tình trạng xin nghỉ việc của cán bộ, công chức

Theo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV đề ra yêu cầu, trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo - nhấn mạnh, năm 2022, cải cách công vụ, công chức có nhiều đổi mới. Năm 2022, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định và đang xem xét để ban hành 3 nghị định quy định các nội dung liên quan đến chính sách cho đội ngũ CB,CC,VC.

Ngày 6/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong đó yêu cầu kịp thời hướng dẫn để thực hiện đúng, đủ các chính sách điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; đổi mới công tác đánh giá CB,CC,VC và các quy định liên quan CB,CC,VC nhằm bảo đảm đồng bộ quy định của Đảng; quy định các chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách.

Chính phủ cũng nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận CB,CC,VC và tình trạng CC,VC xin nghỉ việc.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với CB,CC,VC và lực lượng vũ trang.

Cải cách chính sách tiền lương đồng bộ với cải cách các chính sách khác

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trong năm 2023, Bộ Nội vụ cần tập trung vào “3 đột phá” và “4 trọng tâm”. Ba đột phá bao gồm: tập trung hoàn thiện thể chế; tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Bốn trọng tâm gồm có công vụ, công chức; cải cách hành chính; thanh tra, pháp chế; chuyển đổi số.

Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2023, Bộ Nội sẽ trình Chính phủ Nghị định quy định mức lương cơ sở với CB,CC,VC và lực lượng vũ trang vào tháng 3/2023 và các VBQPPL đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP cũng như Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH cho rằng, cần đổi mới tư duy trong cải cách chính sách tiền lương, theo đó, chi tiền lương cho CB,CC,VC chính là chi cho đầu tư phát triển. Đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy CB,CC,VC nâng cao năng lực thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng. Cần xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính tương xứng với sức lao động và tương đương mức lương thị trường. Với tính chất phức tạp và vai trò quan trọng của CB,CC,VC, cần được xếp ở mức độ quan trọng hơn lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp và chỉ đứng sau lực lượng vũ trang.

Ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất, cùng với đổi mới quản lý Nhà nước về tiền lương, bộ máy hành chính Nhà nước cần được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho CB,CC,VC tương xứng với giá trị sức lao động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công nhằm giảm bớt quỹ tiền lương đối với viên chức từ ngân sách Nhà nước, đổi mới quản lý Nhà nước về tiền lương phải gắn với đẩy mạnh việc thực hiện pháp luật CB,CC,VC; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với thực tế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra…

Quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương cần tiến hành đồng bộ với cải cách các chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương, như cải cách hành chính, cải cách tài chính công; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội…

Đọc thêm