“Dám sống một cuộc đời rực rỡ” vì tình yêu với trang phục dân tộc Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” của nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai đã khép lại để chuẩn bị cho sự ra đời tiếp theo của hai cuốn sách. Nhưng dư âm của “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” thì còn mãi bởi đó là tình yêu bất diệt của những người phụ nữ với trang phục dân tộc Việt.

99 ngày xuyên Việt cùng Mai

Điều gì đã thôi thúc Mai lên đường? Sinh năm 1977, nhà báo, đạo diễn Bông Mai vốn là cựu thành viên nhóm nhạc Con gái nổi tiếng với 3 thành viên. Có 12 năm làm việc và sản xuất tại VTV3, 3 năm làm quản lý Trung tâm sản xuất nội dung giáo dục và giải trí VTV, hiện Mai đang công tác tại Báo Ngày nay.

Ngày 2/2/2022, Bông Mai chất hành lý lên xe để bắt đầu cuộc hành trình mơ ước. Mục đích chuyến đi của cô là khám phá, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, cuộc sống của đồng bào dân tộc trên mọi miền đất nước. Không chỉ có thế, Bông Mai còn muốn truyền tải thông điệp: "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" mà cô luôn mong muốn mọi người hướng tới.

Bông Mai chụp với đồng bào Hà Nhì ở xã Xín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên. (Ảnh từ triển lãm)

Bông Mai chụp với đồng bào Hà Nhì ở xã Xín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên. (Ảnh từ triển lãm)

“Khi quyết định thực hiện chuyến đi xuyên Việt, tôi đã đặt câu hỏi: Mình là ai? Đi để làm gì? Mong muốn tìm thấy điều gì? Với kinh nghiệm của một nhà báo làm nội dung trong hơn 15 năm tôi đã tự đặt câu hỏi và tự tìm ra câu trả lời cho mục đích của chuyến đi: thu thập trang phục dân tộc phụ nữ 54 dân tộc Việt Nam làm đề bài để giải. 99 ngày xuyên Việt cùng Mai được bắt đầu từ Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ, Tây Nam Bộ để kể lại một góc nhìn về văn hóa của riêng tôi. Trước chuyến đi một tháng, tất cả sách vở về đồng bào các dân tộc đã được tôi “tha lôi” về đọc, ghi chép. Tôi tìm kiếm cả tài liệu trên mạng để in ra đóng thành từng tập để phục vụ cho việc tìm kiếm dữ liệu. Xây dựng kế hoạch một chuyến đi trong một thời gian dài như thế thực sự không hề dễ…” – Bông Mai kể lại khâu chuẩn bị cho hành trình xuyên Việt vì trang phục Việt của mình.

Cuộc hành trình 99 ngày xuyên Việt của nhà báo, đạo diễn Bông Mai đã bắt đầu từ 2/2/2022 và kết thúc vào ngày 6/6/2022. Cô đã đi qua các vùng Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đó không chỉ là trải nghiệm cảnh đẹp mà còn là những cuộc gặp gỡ những con người, những màu sắc văn hóa mới.

Cô đã đi được 10.000km trong cuộc hành trình chinh phục tất cả các cung đường, kể cả những cung đường đèo được cho là thử thách đối với các phượt thủ. Cô cũng đã gặp gỡ người dân ở 35 dân tộc, chụp và ghi hình được 55 bộ trang phục, thu được 49 làn điệu dân ca. Nữ nhà báo cũng “check-in” được 4 cực của đất nước, đi trọn vẹn một vòng các tỉnh miền sông nước dưới cả thời tiết nóng nắng đỉnh cao và mưa to tầm tã. Trong cuộc hành trình 99 ngày đêm ấy, Bông Mai đã được trải qua cả 4 mùa trong suốt chuyến đi…

“Tôi muốn kể lại những sắc màu ấy…”

Với những ai đã có may mắn được xem triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” của nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai, ấn tượng không thể quên đó là bộ sưu tập 55 bộ trang phục dân tộc của 35 dân tộc khác nhau và những bức ảnh tuyệt đẹp chụp Mai trong trang phục dân tộc cùng với những người phụ nữ dân tộc.

Bông Mai chụp với đồng bào Dao (thanh phán) ở Hoành Mô, Bình Liêu, Quảng Ninh. (Ảnh từ triển lãm)

Bông Mai chụp với đồng bào Dao (thanh phán) ở Hoành Mô, Bình Liêu, Quảng Ninh. (Ảnh từ triển lãm)

Là một nhà báo, đạo diễn, Bông Mai có những phát hiện rất tinh tế về các bộ trang phục cũng như phụ kiện đi cùng, cô nêu rõ những điểm khác biệt và đặc sắc của từng trang phục: từ cách dùng khăn đội đầu, họa tiết ở cổ tay áo, đến cách sử dụng trang sức. Ngay tại không gian triển lãm, Mai đã say mê kể về chiếc lược hình trăng khuyết mang hình dáng đặc biệt hay chiếc u vải rất độc đáo… trên những bộ trang phục dân tộc mà cô đã có cơ hội nghiên cứu trong chặng hành trình.

Nhưng, hơn cả những con số, với việc thực hiện hành trình một mình một xe đi khắp mọi miền đất nước, Nguyễn Bông Mai đã gặp gỡ hàng triệu gương mặt và ghi lại những câu chuyện đời sống đầy màu sắc của đồng bào trên khắp mọi miền đất nước. “Đây là chuyến đi một mình một xe, nhưng tôi không hề cô đơn vì có biết bao đồng bào trên cả nước đã yêu thương, chăm sóc và dõi theo tôi. Tôi muốn kể lại những sắc màu ấy, muốn khoe những người bạn, người thân tôi đã may mắn được gặp trên hành trình này” - Bông Mai chia sẻ.

Chính vì thế triển lãm không chỉ trưng bày hình ảnh về trang phục dân tộc mà còn có sự xuất hiện của các đồng bào dân tộc mà Mai đã gặp và chăm sóc cô trên đường đi. Họ có mặt để kể câu chuyện của chính mình, của dân tộc mình và câu chuyện của họ với nhà báo, đạo diễn Bông Mai.

“Con chia sẻ qua mạng niềm vui buồn chuyến đi tìm hiểu lịch sử các dân tộc vùng Tây Bắc. Hành trình khám phá và trải nghiệm 99 ngày của con bà rất ngưỡng mộ. Tình cảm của con dám nghĩ, dám làm, một mình người con gái chân yếu tay mềm vượt qua bao chặng đường gian nan, vất vả đến với bà con vùng Tây Bắc xa xôi, hẻo lánh để đạt được mục tiêu thành công cao cả nhất của con. Ước gì bà hóa thành mây trên trời cao theo dấu chân con, phù hộ cho con gặp nhiều may mắn trong chuyến đi… Bà luôn ngóng tin con bất kể lúc nào, chúc con vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc” – tin nhắn của một người phụ nữ dân tộc gửi Mai ngày 28/2/2022.

Bông Mai chụp với đồng bào Bố Y ở Mường Khương, Lào Cai. (Ảnh từ triển lãm)

Bông Mai chụp với đồng bào Bố Y ở Mường Khương, Lào Cai. (Ảnh từ triển lãm)

Có mặt trong buổi triển lãm, bà Lò Thị Phấu (72 tuổi), người dân tộc Kháng ở xã Chiềng Ơn, Quỳnh Nhai, Sơn La cho biết bà trước đây có 14 năm công tác Hội phụ nữ tại địa phương và 12 năm công tác tại UBND xã đã nghỉ hưu. Hơn 10 năm qua, bà luôn đau đáu với mong muốn giữ gìn những truyền thống cổ xưa như may vá, thêu thùa, đan lát và làm các trang phục truyền thống.

Bà cho biết, các giá trị truyền thống của dân tộc Kháng trước đây vẫn còn mang những nét nguyên bản, ít chịu sự chi phối, tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, theo thời gian, những nét văn hóa đặc trưng dần mất đi, như kiến trúc nhà ở, nghề đan lát thủ công, nghề đẽo thuyền độc mộc. Đến nay, chỉ còn giữ được điệu múa và các điệu hát cổ, trang phục truyền thống, ẩm thực ngày Tết và một số lễ hội. Bây giờ, những người già am hiểu về phong tục dân tộc Kháng còn rất ít, mà lớp trẻ lại chưa thực sự đam mê với văn hóa truyền thống nên việc bảo tồn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Bà mong muốn được lan tỏa những giá trị đó tới cộng đồng, xã hội. Với khả năng của mình, hàng ngày bà Phấu vẫn tỉ mẩn may vá, thêu thùa quần áo cho các con, các cháu trong nhà và hướng dẫn những người xung quanh về việc, cắt, may, thêu, đính phụ kiện cho trang phục truyền thống.

Nhà báo Bông Mai giới thiệu bộ sưu tập trang phục dân tộc tại triển lãm.

Nhà báo Bông Mai giới thiệu bộ sưu tập trang phục dân tộc tại triển lãm.

Con gái bà, chị Lò Thị Hưởng chia sẻ: “Bây giờ chúng tôi vẫn mặc quần áo dân tộc Kháng do mẹ làm. Một cái áo phải mất từ 2 đến 5 ngày mới xong, ngày xưa thì khâu tay, giờ có máy may nhưng mẹ tôi phải cắt và phải làm tay rất nhiều công đoạn mới cho ra được 1 sản phẩm đúng ý. Mẹ còn làm khăn cho chúng tôi, vài chục ngày mới thêu được một chiếc nhưng rất đẹp, bền và không phai màu. Làm khăn, áo khó lắm, mỗi năm chuyên tâm làm cũng chỉ được 5, 6 bộ gồm khăn, mũ, váy, áo. Mẹ tôi cũng già rồi, mỗi năm cũng chỉ làm được 2 bộ. Quần áo truyền thống làm cầu kỳ, mặc phải giữ gìn nên thông thường chỉ mặc vào các dịp lễ hội, ngày Tết. Chúng tôi và những người xung quanh đều rất trân trọng các sản phẩm được làm từ sự tâm huyết của bà”…

Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 30 tấm ảnh chụp những người phụ nữ trên hành trình mà cô đã đi qua. Nhưng hơn tất cả đó là một thông điệp đã được truyền đi như những vòng sóng lan tỏa cho công chúng nói chung và những người phụ nữ nói riêng: Hãy “dám sống một cuộc đời rực rỡ”, phá bỏ các định kiến xã hội và giới hạn của bản thân để thực hiện ước mơ của mình!

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai dự định sẽ phát hành 2 cuốn sách trong năm 2023. Đó là một cuốn sách về trang phục dân tộc và một cuốn sách du ký viết về hành trình 99 ngày xuyên Việt.