Dân bỏ học, ly hôn, tự tử vì đa cấp biến tướng?

(PLO) - Vấn nạn hàng đa cấp biến tướng khiến người dân khốn đốn đã được Nguyễn Văn Hiến - Bà Rịa - Vũng Tàu – chất vấn Chính phủ.
 
Phát biểu trong Nghị trường, ĐB Nguyễn Văn Hiến nói: Gần đây báo chí đưa tin rất nhiều về tình trạng kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo. Sự việc xảy ra rất nghiêm trọng. Chiếm đoạt tài sản của những người nông dân nghèo khổ, của những em sinh viên rất tội nghiệp, đã có bỏ học, đã có ly hôn, đã có tự tử vì dính vào đa cấp. 
Với các thông tin mà tôi nắm được, các doanh nghiệp này đã vi phạm rất nhiều các quy định của pháp luật ở Nghị định 42 năm 2014 của Chính phủ. Ví dụ như bắt người tham gia phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định. Hay bắt người ta phải mua một số lượng hàng hóa nhất định, hay cho người ta nhận tiền hoa hồng, hoặc tiền thưởng từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp v.v...”
ĐB cho biết, ông đã nghiên cứu các thủ đoạn của các doanh nghiệp này, cho thấy họ thường dùng các thủ đoạn dụ dỗ không làm gì cũng có tiền bằng lãi xuất hứa hẹn vô lý, có khi lên đến 4800%; sử dụng hình ảnh của những nhân vật quan trọng trong các lễ khai trương, lễ tổng kết; bằng việc lập lờ mạo danh các cơ quan nhà nước. 
“Tôi tin rằng không có gì phải băn khoăn và không sợ oan sai khi kết luận đó là lừa đảo. Tuy nhiên, tôi thấy sự phản ứng rất chậm chạp. Vai trò quản lý, xử lý mờ nhạt. Nên đề nghị Bộ trưởng xác định nguyên nhân, giải pháp để giải quyết tệ nạn này.” ĐB nói.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
 Bộ trưởng Bộ Công thương  Vũ Huy Hoàng
Giải đáp chất vấn của ĐH Nguyễn Văn Hiến, ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết tháng 5 năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 quy định hành vi kinh doanh đa cấp. Đến nay đã có 105 doanh nghiệp được các Sở công thương cấp giấy phép đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Kể từ khi Nghị định 42 có hiệu lực thì đến tháng 11 năm 2015 có thêm 59 doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đăng ký. 
Nhận xét về thực trạng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hiện có 3 trường hợp hoạt động đa cấp:
Một, doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Điển hình báo chí nêu rất nhiều, vừa qua Công ty cổ phần kết nối sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Vàng đất Việt, Công ty cổ phần đầu tư Median Việt Nam v.v....
Loại hình thứ 2 là doanh nghiệp kinh doanh dựa theo mô hình bán hàng đa cấp. Thời gian vừa qua có một số doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp được phép kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp mà sử dụng mô hình trả thưởng theo đa cấp để kinh doanh. 
Các DN này thậm chí huy động vốn để lừa đảo người tham gia và người tiêu dùng. Mô hình kinh doanh sai phạm này chiếm phần lớn nội dung đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và gây ra bức xúc cho cộng đồng. “Tức là kinh doanh bán hàng đa cấp không được phép để trục lợi. Chẳng hạn công ty cổ phần đầu tư Thiện Phước, MB 24 đã được báo chí nêu rất nhiều.” – Bộ trưởng khẳng định.
Loại hình thứ ba theo đánh giá của bộ trưởng là các doanh nghiệp được cấp chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp nhưng hoạt động không đúng với mục tiêu được đăng ký. Hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai dẫn đến những thiệt thòi cho người tiêu dùng. Với những sai phạm như vậy, biện pháp thế nào?
Báo cáo Quốc hội về các giải pháp để hạn chế đa cấp biến tướng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Bên cạnh Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chúng tôi thấy rằng cần phải rà soát lại khuôn khổ pháp lý cho chặt chẽ hơn. Tránh tình trạng lợi dụng các quy định chưa đầy đủ hoặc còn thiếu của các văn bản pháp luật cho các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân lợi dụng bán hàng đa cấp.
Biện pháp thứ 2 là nâng cao điều kiện đăng ký bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt hơn.
Thứ ba, chủ trì phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát và xử lý đối với các doanh nghiệp sai phạm. Cái này Bộ Công thương phối hợp với Bộ Công an nhất là cơ quan cảnh sát như Cục cảnh sát kinh tế C46, PC 46 ở các địa phương. Khi phát hiện xử lý rất nghiêm những trường hợp sai phạm.
Thứ tư chúng tôi chỉ đạo các sở công thương trong việc giám sát kiểm tra xử lý hoạt động bán hàng đa cấp tại các địa phương để chủ động chứ không thể chờ ở trung ương.
Thứ năm là rà soát lại yêu cầu những doanh nghiệp đã được cấp đăng ký bán hàng đa cấp. Phải báo cáo và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật./.

Đọc thêm