Dân bức xúc vì Nhiệt điện Hải phòng “đầu độc” môi trường

Từ một xã thuần nông trên địa bàn Thủy Nguyên, với tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt, đất nông nghiệp xã Tam Hưng bỗng chốc bị thu hồi tới 1/3, phần lớn diện tích còn lại vì nằm xen kẹt giữa ngổn ngang các  công trình, dự án nên phần lớn cũng bị bỏ hoang.  Nông dân mất tư liệu sản xuất, nỗi bức xúc lại ngày một chồng thêm vì ô nhiễm môi trường.

Từ một xã thuần nông trên địa bàn Thủy Nguyên, với tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt, đất nông nghiệp xã Tam Hưng bỗng chốc bị thu hồi tới 1/3, phần lớn diện tích còn lại vì nằm xen kẹt giữa ngổn ngang các  công trình, dự án nên phần lớn cũng bị bỏ hoang.  Nông dân mất tư liệu sản xuất, nỗi bức xúc lại ngày một chồng thêm vì ô nhiễm môi trường.

Cả trăm ha đất hoang hóa

Xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) có vị trí khá đắc địa, nằm sát dòng sông Bạch Đằng, trên huyết lộ giao thông nối Hải Phòng với Quảng Ninh. Thời kỳ trước, trên địa bàn xã chỉ có Nhà máy sửa chữa tàu biển Nam Triệu (nay là Cty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu) “trú chân”. Hơn 2.000 hộ dân với gần 8.000 nhân khẩu chủ yếu sống nhờ vào 700 ha đất nông nghiêp.

Từ năm 2002, thực hiện chủ trương xây dựng Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, sau đó là Dự án mở rộng năng lực công suất của Cty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (Cty CNTT Nam Triệu), đã có 215 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Tam Hưng được chuyển đổi sang đất phục vụ cho nhu cầu sản xuất công nghiệp. Chưa hết, năm 2008, TP.Hải Phòng tiếp tục thu hồi gần 70 ha đất nông nghiệp trên địa bàn bàn giao cho Cty CNTT Nam Triệu tiếp tục mở rộng sản xuất.

Điều đáng nói, trong quá trình phê duyệt quy hoạch các cơ sở sản xuất công nghiệp, trên địa bàn xã Tam Hưng đã xuất hiện những khu đất xen kẹt, nhỏ lẻ thì như 2 ha đất nằm giữa thôn Nghi và thôn Du lọt thỏm bên Nhà máy Nam Triệu, lớn hơn một chút, như khu đất gần 10 ha cánh đồng thôn Đoan, bị vây giữa hệ thống mương xả thải của Nhà máy Nhiệt điện… Theo ông Lại Văn Thịnh- Chủ tịch UBND xã Tam Hưng, nếu tính cả diện tích đất đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa tiến hành bàn giao và các diện tích đất kẹt hạn chế khả năng sử dụng thì trên địa bàn xã hiện chỉ còn chưa đầy 100 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo của xã Tam Hưng cũng cho thấy, do sự có mặt của các “ông lớn” công nghiệp mà công việc đồng áng của bà con đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm môi trường. Như cốt nền của hệ thống Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cao hơn từ 1-1,5m so với hiện trạng tự nhiên của khu dân cư, nước mặt từ nhà máy đổ thẳng vào hệ thống tiêu thoát của địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước…

Thiếu một chế tài nghiêm khắc

Trong cam kết bảo vệ môi trường, các DN đều có cam kết thực hiện hoàn nguyên môi trường. Tuy nhiên, hầu hết chỉ làm lấy lệ. Ông Lại Văn Thịnh nhấn mạnh: Ngay cả các dự án lớn như Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nói là tổ chức hoàn nguyên môi trường, nhưng các đoạn đường mà DN hoàn trả địa phương đều có mặt cắt nhỏ hơn thiết kế ban đầu. Nhiều đoạn đường mới đưa vào sử dụng đã bị bong tróc, lún vỡ, mỗi khi có mưa lớn, nước mưa tràn cả lên đường đổ dồn vào các nhà dân.

Ông chủ tịch xã trần tình, điều quan ngại hơn cả, là hệ thống kênh mương nội đồng: mặc dù Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng có hoàn trả nhưng chất lượng rất thấp, hầu hết những đoạn mương dẫn nước tưới tiêu, ống cống được sửa chữa đều có khẩu độ nhỏ hơn ban đầu. Nhiều đoạn mương đã bị sập đổ. Người dân rất bức xúc, thế nhưng, các kiến nghị của chính quyền địa phương  đều bị chủ đầu tư “xếp xó”.

Theo lãnh đạo xã Tam Hưng, không hiểu sao cơ quan có thẩm quyền lại phê duyệt quy hoạch Nhà máy Nhiệt điện số 2 nằm sát khu dân cư, trường học. Mặc dù nhà máy chưa đi vào hoạt động nhưng ngay trong quá trình xây dựng, tiếng ồn, khói bụi đã bủa vây nhà dân. Chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư hỗ trợ để di chuyển trường học ra khỏi vùng ảnh hưởng của nhà máy nhưng cũng không nhận được phản hồi...

Được biết, nỗi khổ cực của người dân cũng như chính quyền địa phương đã được “gửi” lên bàn nghị sự  Kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Hải Phòng Khóa XIV. Theo ông Thịnh, từ vấn đề ô nhiễm môi trường đến việc giải quyết các khu đất “chết” xen kẹt,  đã nằm ngoài khả năng giải quyết của chính quyền địa phương. Trong khi đó, chủ đầu tư không nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết trước khi thực hiện dự án. Thiết nghĩ, chính quyền Hải Phòng cần sớm có những giải pháp cụ thể, khắc phục tình trạng ô nhiễm trên để đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho người dân, tránh tình trạng các chủ đầu tư “đánh trống bỏ dùi”.

Linh Nhâm

Đọc thêm